/ 374
434

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 350

Chướng ngại lớn nhất của người thế gian là ham muốn, đứng đầu trong sự ham muốn là cầu tài, cầu phú quý, thông minh trí huệ, khỏe mạnh sống lâu. Trong tất cả kinh điển, Phật đều nói với chúng ta, ba thứ này có thể cầu dược hay không? Khi tôi mới bắt đầu học Phật, tôi không có những ý niệm này, đối với lão sư cũng không có ý niệm này, là lão sư chủ động dạy cho tôi, tôi không hỏi Ngài nhưng Ngài nói với tôi “Phật thị môn trung, hữu cầu tất ứng”. Lời nói này, sau khi học Phật thì chúng tôi nghe rất nhiều lần, nhưng ai có thể tin tưởng và làm theo? Nghe nhiều rồi thì cho là lời lẽ tầm thường, không để ý, không chịu làm. Quả chân thật làm thì đích thực có cầu tất ứng, cầu tài được tài, việc mà bạn cầu là để có được những thứ mà trong mạng của bạn không có. Nếu cầu được những thứ mà trong mạng của bạn đã có thì không cần phải nói, trong mạng không có mà bạn cầu được. Trong mạng không có thông minh trí huệ nhưng bạn có thể cầu được, trong mạng không có khỏe mạnh sống lâu bạn cũng có thể cầu được. Phật dạy chúng ta tu ba loại nhân là ba loại bố thí, tài bố thí, pháp bố thí, vô úy bố thí. Nếu đem lục độ của Bồ-tát qui nạp lại thì chỉ dùng một từ “bố thí” đã bao gồm hết tất cả sáu khoa mục. Trì giới và nhẫn nhục là bố thí vô úy, tinh tấn thiền định trí huệ là bố thí pháp. Thế nên Bồ-tát hạnh qui nạp lại đến cuối cùng chỉ có một chữ là “bố thí”. Bố thí là dạy cho bạn buông bỏ, dạy cho bạn xả. Sau khi xả thì liền được. “Xả, đắc” là danh từ Phật giáo, hiện nay trong xã hội rất nhiều người biết dùng, nhưng không biết thuật ngữ này từ đâu mà có? Là ở trong nhà Phật. Nếu bạn xả thì bạn sẽ có được, bạn xả tài thì bạn được tài, xả pháp thì được thông minh trí huệ, xả vô úy thì được khỏe mạnh sống lâu. Xả thì sẽ có được, nhưng sau khi có được rồi thì vẫn phải xả tiếp. Cái “xả đắc” thứ hai là bạn đem những thứ bạn có được tiếp tục xả thì nó liền biến thành công đức. Nếu sau khi xả thì bạn lại có, bạn liền ở đó hưởng thụ, vậy đó là phước đức chứ không phải là công đức. Khi bạn đem những thứ bạn có được xả đi thì trở thành công đức. Quả báo công đức này rất là thù thắng, không thể nghĩ bàn. Những điều Phật dạy chúng ta, chúng ta phải thể hội được ý nghĩa chân thật bên trong và phải chân thật chịu làm. Bạn có trí huệ quán sát thì biết chỗ nào là cần thiết, người có trí huệ sẽ biết cách dùng tiền, thật sự là một đồng tiền có cả vạn cách sử dụng để dùng một cách thỏa đáng. Nếu không biết cách dùng tiền thì dùng rất nhiều tiền đi tạo nghiệp tội, bị đọa vào tam đồ, vậy là bạn sai rồi. Duy chỉ có trí huệ khai rồi thì bạn biết dùng tiền rất thỏa đáng, có thể giúp đỡ tất cả chúng sanh giác ngộ, có thể giúp đỡ tất cả chúng sanh lìa khổ, bạn nói xem việc này đáng giá biết bao, có ý nghĩa biết bao,

Tu chư công đức” là trợ duyên, mục đích là “nguyện sanh kì quốc” (nguyện sanh về nước đó), câu này quan trọng hơn tất cả. Chỉ có vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc thì quả báo đó mới là cứu cánh viên mãn. Một đời thành tựu vô thượng Bồ-đề, ở bất kỳ quốc độ nào của chư Phật bạn đều không thể làm được, chỉ có thế giới Tây Phương Cực Lạc thì bạn có thể làm được. Vì sao có thể làm được? Họ có thể làm được, thứ nhất là họ trường thọ, là vô lượng thọ. Trong kinh điển Đại Thừa thường nói, Bồ-tát học Phật phải tu ba đại A-tăng-kỳ kiếp, thời gian này rất dài, nếu ở thế giới Cực Lạc thì ba đại A-tăng-kỳ kiếp không xem là dài, rất ngắn ngủi. Vì sao vậy? Vì thọ mạng của con người là vô lượng, thí dụ như thọ mạng của bạn là 100 tuổi, hiện tại bạn tu như thế này thì cần bao nhiêu thời gian? Chỉ cần có 3 năm, thọ mạng 100 tuổi, mà 3 năm có thể hoàn thành thì rất dễ. Thế giới Tây Phương Cực Lạc cũng giống như vậy, thọ mạng rất dài, ba đại A-tăng-kỳ kiếp thì bạn sẽ tu thành quả vị Phật. Khi ở Tây Phương thì rất dễ, cho nên ở Tây Phương gọi là một đời thành tựu. Cổ đức cũng thường nói, pháp môn này là pháp môn một đời thành tựu, không cần phải đợi đến đời thứ hai. Chỉ riêng thọ mạng đã khiến cho người ta ngưỡng mộ, chỉ có ở thế giới Tây Phương Cực Lạc bạn mới có thể có được, bạn ở bất kỳ quốc độ nào của chư Phật cũng không thể làm được, thọ mạng tuy dài nhưng không phải là vô lượng, thế giới Tây Phương là Vô Lượng Thọ. Cuộc sống ở thế giới Tây Phương, tất cả đều là tự nhiên, đều tùy theo ý nghĩ của mình mà biến hiện ra, không cần phải gây dựng, không cần phải bận tâm, nghĩ đến loại vật dụng gì thì liền hiện ra ở trước mặt. Thí dụ như chuyện ăn uống, muốn ăn món gì thì món đó liền bày ra ở trước mặt, không cần nữa thì nó liền biến mất. Đạo lý này những nhà khoa học hiểu được, điều này có thể làm được, nhưng không biết dùng cách gì để có thể làm được. Đây là sự chuyển đổi giữa vật chất và năng lượng, lúc nào cần thì năng lượng liền chuyển thành vật chất, chúng ta liền thọ dụng, không cần dùng vật chất này nữa thì nó liền chuyển trở lại thành năng lượng, không còn nữa. Thế giới Tây Phương có thể cùng với vật chất biến đổi theo ý niệm của mình, vậy thì bạn còn tham cầu điều gì nữa? Hoàn cảnh cuộc sống ở thế giới Tây Phương rất thanh tịnh trang nghiêm, cung điện của bạn ở, bên trong đó chẳng có thứ gì cả, không giống như chúng ta ở đây, cần rất nhiều đồ đạc, rất bề bộn, những vật dụng gia đình bày biện rất nhiều. Thế giới Tây Phương thì không cần như vậy, lúc nào cần thì liền biến hóa ra, ta cần một cái bàn, một cái giảng đài thì chúng lập tức hiện ra, không cần nữa thì chúng lập tức biến mất sạch sẽ, chẳng nhiễm mảy trần. Các bạn nghĩ xem cách thức cuộc sống như vậy, chúng ta có muốn về đó hay không? Muốn về thì phải quyết tâm “nguyện sanh kỳ quốc”. Không thể không về, nếu bạn không về đó, vậy thì bạn là người ngốc nghếch, ngu si, người thông minh thì nhất định phải nên về đó. Bạn thật sự có thể về đó được, không nên nghi ngờ, nếu hoài nghi thì sẽ có vấn đề.

/ 374