/ 374
625

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 349

Kính chào chư vị Pháp sư, chư vị đồng tu, xin mời mở kinh ra, xin đọc qua đoạn kinh văn phần thượng bối vãng sanh này một lần:

 “Kỳ thượng bối giả, xả gia khí dục, nhi tác Sa-môn, phát Bồ-đề tâm, nhất hướng chuyên niệm A Di Đà Phật, tu chư công đức, nguyện sanh bỉ quốc. Thử đẳng chúng sanh, lâm thọ chung thời, A Di Đà Phật, dữ chư Thánh chúng, hiện tại kỳ tiền. Kinh tu du gian, tức tùy bỉ Phật, vãng sanh kỳ quốc. Tiện ư thất bảo hoa trung, tự nhiên hóa sanh, trí huệ dũng mãnh, thần thông tự tại. Thị cố A Nan! Kỳ hữu chúng sanh, dục ư kim thế kiến A Di Đà Phật giả, ưng phát Vô Thượng Bồ-đề chi tâm. Phục đương chuyên niệm Cực Lạc quốc độ, tích tập thiện căn, ưng trì hồi hướng. Do thử kiến Phật, sanh bỉ quốc trung, đắc Bất Thoái Chuyển, nãi chí Vô Thượng Bồ-đề .”

(Bậc thượng phẩm là những người xuất gia, lìa tham dục, làm sa-môn, phát tâm Bồ-đề, chuyên tâm niệm Phật A-di-đà, tu các công đức, nguyện sanh về cõi đó. Những chúng sanh này khi mạng chung, Đức Phật A-di-đà cùng Thánh chúng hiện đến trước mặt, trong khoảnh khắc liền theo Đức Phật sanh về cõi đó, tự nhiên hóa sanh trong hoa sen bảy báu, trí huệ dũng mãnh, thần thông tự tại.

Này A-nan! Nếu có chúng sanh nào muốn trong đời này thấy Phật A-di-đà, phải phát tâm Vô thượng Bồ-đề, lại chuyên nhớ nghĩ cõi nước Cực Lạc, nhóm chứa được căn lành nào nên đem hồi hướng. Do đó được thấy Phật, sanh về nước kia, được bậc Bất Thối Chuyển cho đến quả Vô Thượng Bồ-đề.)

 

Đây là đọan thứ nhất trong Tam Bối Vãng Sanh, phẩm kinh đang giảng là phần thượng bối. Văn tự tuy không nhiều, nhưng mỗi câu mỗi chữ đều hàm chứa vô lượng nghĩa. Chú giải của lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ đã trích dẫn rất nhiều kinh luận, nội dung vô cùng phong phú, nếu chúng ta muốn dùng chú giải của Ngài để giảng thì giảng đến 2 tháng cũng giảng chưa xong đọan này. Cho nên hi vọng là chư vị đồng tu nếu có thời gian thì nên xem chú giải này nhiều hơn. Ở trong các buổi giảng vì thời gian có hạn nên chúng tôi chỉ có thể nhắc đến những phần quan trọng nhất mà trước mắt chúng ta cần phải học, cần phải hiểu rõ, cần phải tuân thủ thì ngay trong đời này chúng ta mới có thể được thành tựu.

Đoạn kinh văn tiếp theo nói đến “tu chư công đức, nguyện sanh bỉ quốc”. Câu nói này rất quan trọng, bạn nhìn xem không tu công đức thì không được, nhất định phải tu tích lũy công đức. Đồng tu Tịnh Tông phải bắt đầu tu từ đâu? Điều này không thể không biết, bao nhiêu đồng tu tu học mà ngay trong đời này không có được sự thành tựu là do nguyên nhân gì? Đại sư Thiện Đạo có một câu nói rất hay: “gặp duyên không đồng”. Chúng ta không gặp được duyên thù thắng, cho nên tuy muốn nỗ lực tu học nhưng từ đầu đến cuối vẫn không đắc pháp. Lời nói này rất thực tế.

Trước tiên chúng tôi sẽ nói công đức là gì? Những đồng tu học Phật phải phân biệt điều này cho rõ ràng, công đức và phước đức không giống nhau. Tu phước đức thì dễ, tu công đức thì khó. Công là gì? Công là công phu, bạn tu hành thật có công phu, có công phu thì đương nhiên bạn sẽ có thu hoạch. Thí dụ như chư vị tổ sư nói trì giới thì có công, tam-muội là đức. Tam-muội chính là định, gọi là “nhân giới được định”, bạn trì giới được định, sự được định này chính là đức. Trì giới là công, tam-muội hiện tiền chính là đức, nên gọi là công đức. Tu định được công, trí huệ liền khai, “nhân định khai huệ”, trí huệ đã khai thì đó là đức. Phước đức thì có thể hưởng cùng với đại chúng, nhưng công đức thì chẳng có cách nào đem cho người khác được, chỉ có cách là phải chính mình tu tập. Cổ đức thường nói “ông tu ông đắc, bà tu bà đắc, không tu thì không đắc”, công đức thì phải do chính mình tu tập. Không giống với phước đức, phước của chúng ta tu được có thể cho mọi người cùng hưởng. Công đức của chúng ta tu tập, chúng ta hồi hướng cho mọi người thì họ có thể nhận được không? Thực tế mà nói là không thể nhận được, họ nhất định phải tu cùng thì mới có thể nhận được một chút, có thể nhận được ít phần. Nếu họ không chịu tu cùng thì họ chẳng nhận được gì, phải hiểu được đạo lý này. Nếu công đức có thể đem cho người khác thì chúng ta không cần phải tu, tất cả công đức mà chư Phật Bồ-tát tu được đều hồi hướng cho chúng ta, như vậy thì được rồi. Chư Phật Bồ-tát thật sự hằng ngày đều hồi hướng nhưng chúng ta đâu có nhận được gì. Phước đức thì chúng ta thật sự nhận được, thí dụ như tòa nhà Cư Sĩ Lâm này là phước của Tam Bảo, chúng ta có được một nơi to lớn như thế này, có một tiện nghi tốt như thế này là do chúng ta ở nơi đây niệm Phật, ở nơi đây học tập kinh điển, đây là phước, phước của Tam Bảo, chúng ta có thể hưởng, nhưng công đức thì không có cách nào hưởng. Công đức mới có thể [giúp chúng ta] thoát sanh tử, ra khỏi tam giới, giống như trong Đàn kinh, Lục Tổ có nói “thử sự phước bất năng cứu” (việc này phước không thể cứu). “Thử sự” (việc này) chính là nói sanh tử đại sự, tu phước cũng chẳng có ích, đáng sanh tử như thế nào thì vẫn sanh tử như thế đó. Vì vậy phải tu công đức, công đức có thể thoát sanh tử, ra khỏi tam giới.

/ 374