/ 374
534

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 348

Buổi trưa hôm nay, chúng tôi họp mặt cùng với chín tôn giáo lớn ở Singapore, tôi mỗi lần đến Singapore đều báo với các vị ấy để cùng nhau họp mặt. Hôm nay bàn đến vấn đề là chính phủ Singapore muốn xây dựng sòng bạc, bàn về vấn đề này rất nhiều, cuối cùng là có lợi hay có hại? Tôi nghe các vị ấy đưa ra các cao kiến, trước mắt dường như là có một chút lợi ích nhưng về lâu dài thì nhất định không có lợi. Con người thành lập sòng bạc, nếu theo Phật pháp mà nói thì điều bất thiện lớn nhất chính là khơi gợi lòng tham của con người. Tôi xây sòng bạc sẽ khơi gợi toàn bộ lòng tham của bạn, làm tăng trưởng lòng tham, đây không phải là việc tốt. Tham là cái gốc của phiền não, trong kinh Thế Tôn đã nói cho chúng ta, phiền não của mỗi chúng sanh là vô lượng vô biên. Khi Phật đang giảng kinh thuyết pháp, không có cách nào nói hết vô lượng vô biên phiền não, nên mới qui nạp lại thành 84 ngàn phiền não, 84 ngàn xác thật là một con số, không phải là nói một cách tùy tiện. Vì vậy Phật mới có 84 ngàn pháp môn để đối trị 84 ngàn phiền não. Tám mươi bốn ngàn pháp môn này là dạy cho Pháp Thân Bồ-tát, nếu dạy cho phàm phu chúng ta thì là quá nhiều, chúng ta không có cách gì tiếp nhận được. Vậy nên dạy cho phàm phu thì phải qui nạp 84 ngàn phiền não còn 108 phiền não, 108 phiền não đối với người sơ học vẫn là quá nhiều, không nhớ hết, nên qui nạp tiếp còn 26 phiền não (6 phiền não căn bản và 20 điều thuận theo phiền não). Hai mươi điều tùy thuận theo phiền não chúng ta không nói đến, chỉ nói đến sáu phiền não căn bản là tham sân si mạn nghi ác kiến (ác kiến chính là kiến hoặc). Thông thường gộp chung lại gọi là “kiến tư phiền não”, quy nạp lại thành sáu điều. Ác kiến triển khai ra thì có năm loại: thân kiến, biên kiến, kiến thủ kiến, giới thủ kiến, tà kiến. Sáu phiền não căn bản được qui nạp thành ba điều gọi là tam độc, tham sân si. Tham sân si qui nạp lại thành một điều, đó là tham, tham là cái gốc. Những điều bạn ham muốn đều có rồi thì bạn sẽ không nổi cáu, ham muốn mà không được thì mới phát cáu, phát cáu là nổi sân, cho nên cuối cùng qui nạp lại chính là sân, sân là cái gốc của phiền não, là cái gốc của sanh tử, bạn nói xem sự việc này phiền phức biết bao nhiêu.

Lời giáo huấn của cổ Thánh tiên Hiền là dạy chúng ta ngừa lỗi, diệt trừ tham sân si, siêng tu giới định huệ. Từ nhỏ đã bắt đầu dạy, đối với sự ham muốn vật chất thì bản thân mình phải kiềm chế, không bị ngoại cảnh làm ảnh hưởng, thành tựu đức hạnh của chính mình. Toàn thể xã hội hiện nay có cách nghĩ trái ngược với chúng ta, khích lệ con người tăng trưởng tham sân si. Vì sao vậy? Như vậy họ mới kiếm được nhiều tiền. Tôi xin nêu ra một thí dụ, rõ ràng là cái áo này có thể mặc được 30 năm, vậy thì các cửa hàng bán quần áo đều đóng cửa hết. Bạn xem mỗi ngày họ đều thiết kế kiểu mới lạ, bộ đồ này mua về mặc chưa được hai ngày thì lại có kiểu trang phục mới rồi, vừa là mốt thời thượng thì đã hết thịnh hành rồi, lại nhanh chóng đi mua cái khác. Bạn kiếm tiền rất là vất vả, vậy mà bạn mang tiền đi cúng dường cho họ, bạn có biết hay không? Trước đây tôi có hỏi họ, tôi nói bạn làm sao mà ngốc như vậy? Họ nói mặc vậy như đi ra ngoài người ta sẽ cười mình chết, tôi nói bạn sai rồi, cười chết là họ chết chứ bạn không chết, tại sao bạn lại sợ người ta cười bạn chết? Bản thân mình bị mắc bẫy của người khác mà không biết. Cho nên phải thông minh, nếu chúng ta biết tiết kiệm thì chúng ta sống rất hạnh phúc, sống rất an vui; mỗi ngày đều chạy theo thời trang với người ta thì bạn mệt cả cuộc đời, bạn khổ cả cuộc đời, bạn thật đáng thương. Năm xưa tôi còn ở nước Mỹ, khu vực nơi chúng tôi ở người dân thu nhập không cao, thu nhập mỗi tháng khoảng hai ngàn đô-la. Nếu trong khu vực này có một gia đình làm việc trong công ty được thăng chức, thu nhập một tháng có thể được ba ngàn đô-la thì họ không ở được hai tháng, liền dời nhà đi, họ phải dời nhà đến sống ở khu vực thu nhập ba ngàn đô-la để thể hiện phân thận của họ đã được nâng cao. Cho nên họ mãi mãi chịu sự mệt mỏi. Bạn sống ở đây không tốt sao? Thu nhập mỗi tháng hơn một ngàn đô-la, bạn thấy là quá tự tại, họ thì không, họ từ trước đến giờ phải chịu khổ, họ không chịu buông bỏ sự khổ nhọc đó, chúng tôi nhìn thấy thì rất cảm thương. Mọi người nhìn thấy người ngoại quốc đều nói người Mỹ rất giàu có, tôi thấy người Mỹ rất đáng thương. Tôi còn nhớ, lần đầu tiền trở về Trung Quốc, lúc đó đi cùng Hàn Quán Trưởng, bà về Trung Quốc thăm lại quê hương Đại Liên, bà vẫn còn nhiều bạn bè người thân. Tôi còn nhớ lần đó chúng tôi có hơn 30 người, có 3 bàn, họ ngồi đầy 3 bàn. Trong lúc ăn cơm, họ nhìn thấy chúng tôi từ Mỹ trở về thì vô cùng ngưỡng mộ, tôi liền nói với họ đời sống của người Mỹ không bằng các vị đâu. Họ nói tôi không nói thật, tôi nói được, vậy tôi hỏi các vị, trong số các vị đang ngồi ở đây, có người nào sống mà phải chịu mắc nợ không? Họ hai bên nhìn nhau, chẳng có ai mắc nợ. Người Trung Quốc có nói “không mắc nợ thì cuộc đời thong dong”. Người Mỹ thì có ai mà không mắc nợ chứ? Ở ngôi nhà sang trọng đều là vay nợ của ngân hàng, của công ty bảo hiểm, đi xe hơi tốt cũng là tiền vay nợ, vật dụng dùng trong gia đình tất cả đều là nợ của công ty bảo hiểm, nợ của ngân hàng, mỗi ngày dốc sức làm việc là vì cái gì? Để trả nợ, mỗi ngày phải trả nợ, nếu bị thất nghiệp thì nhà cửa, xe hơi lập tức bị tịch thu bán đấu giá, các bạn có trải qua đời sống như vậy không? Mọi người suy nghĩ thấy lời nói này của tôi cũng hợp lí. Trên hình thức chúng ta hình như là nghèo hơn họ, nghèo mà vui, họ tuy là giàu, nhưng cả cuộc đời mắc nợ, họ là “giàu nợ”, mắc nợ sống qua ngày, chúng ta thì chắc chắn không dám làm như vậy. Cho nên người bị mắc nợ thì làm sao trong tâm họ thanh tịnh được, tâm làm sao mà bình đẳng được? Họ có vui sướng ở chỗ nào đâu? Sự vui sướng của họ, tôi thường dùng thí dụ để nói, giống như là dùng chất kích thích, chích moóc-phin, đó là niềm vui của họ. Thú vui của họ hoàn toàn khác với chúng ta, niềm vui trong cuộc sống của chúng ta thì họ không thể nào thể hội được, đây là sự thật. Xã hội không giống nhau, nên nếu đi theo con đường kinh tế của phương Tây thì trong tương lai chúng ta cũng giống như họ, khổ sở vô cùng. Văn hóa phương Đông đã mấy ngàn năm xác thực là dạy cho bạn có được cuộc sống gia đình hạnh phúc, gia đình vui vẻ mới đúng là cuộc sống. Mục đích của nền giáo dục của chúng ta là giúp gia đình hạnh phúc, giúp cho người trong gia đình bạn đối xử hòa thuận với nhau, có cuộc sống vui vẻ. Ngày nay thật sự bạn có thể đạt được vui vẻ hạnh phúc, niềm vui này không nhất định là phải giàu có, không nhất định phải có địa vị cao. Khổng Phu Tử năm xưa khi còn tại thế, cuộc sống rất nghèo khó, học trò của ông là Nhan Hồi là một người có điều kiện đời sống vật chất tệ nhất trong số những học trò của ông, nhưng Nhan Hồi lại là người có cuộc sống vui sướng nhất. Cho nên niềm vui của cuộc sống thật sự không có liên quan gì đến đời sống vật chất. Nhan Hồi có đời sống tinh thần sung túc, đời sống vật chất không thể so sánh được. Chúng ta phải biết những đạo lí này. Trong chú giải của lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ thì phẩm kinh này được chú giải nhiều vô cùng, do vậy mới biết phẩm kinh này vô cùng quan trọng, hy vọng quý vị có thể tự xem chú giải này.

/ 374