/ 374
585

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 347

Kính thưa chư vị Pháp sư, chư vị đồng tu, xin mở kinh ra, Khoa Hội trang 49, phần thượng bối trong tam bối vãng sanh:

Kỳ thượng bối giả, xả gia khí dục nhi tác Sa-môn, phát Bồ-đề tâm, nhất hướng chuyên niệm A Di Đà Phật, tu chư công đức, nguyện sanh bỉ quốc”.

Mỗi câu mỗi chữ của kinh văn chứa vô lượng nghĩa. Đoạn nhỏ này chúng tôi đã giảng mấy ngày rồi, vẫn có nhiều đồng tu đến hỏi tôi, thời khóa công phu tu Tịnh Độ sớm tối phải như thế nào? Thật ra điều này trong kinh đã nói rất rõ ràng, bạn xem đối với người tu Tịnh Độ, hai câu nói này vô cùng quan trọng: “phát Bồ-đề tâm, nhất hướng chuyên niệm A Di Đà Phật”. Quý vị nên biết, Phật không quy định thời khóa công phu sớm tối ở trong Phật môn, đó là Tổ sư Đại đức nhiều đời nhằm hợp thời, hợp với yêu cầu của đồng tu ở đạo tràng nơi đó mà chế định ra, cho nên thời khóa của mỗi một đạo tràng hoàn toàn không giống nhau. Vậy có thể thành tựu hay không? Chỉ cần phù hợp với nguyên tắc này thì chắc chắn thành tựu, nguyên tắc đó là “phát Bồ-đề tâm, nhất hướng chuyên niệm” thì không ai mà không thành tựu. Vì vậy chúng ta phải nhớ kỹ, Phật thường nói với chúng ta, Phật không có định pháp để nói, Phật đều là tùy cơ mà nói pháp. Căn tánh của bạn như thế nào, bạn ưa thích điều gì thì Ngài sẽ nói cho bạn điều đó.

Thành công hay thất bại chính là ở chỗ “nhất hướng chuyên niệm”, điều này mới quan trọng. Tôi đã gặp được rất nhiều đồng tu, ở trong nước, ở nước ngoài, họ không có sự nhất hướng này. Hôm nay nghe người này nói phương pháp niệm Phật nào hay thì tâm của họ liền dao động, ngày mai nghe người kia nói một phương pháp khác, thế là trước sau liền hoài nghi. Tu học mấy mươi năm nhưng tâm không được định, bạn có niệm Phật cả đời thì cũng không thể thành tựu. Kinh Phật nói cho chúng ta cách niệm “nhất hướng” rất hay, ta liền niệm theo cái cách này, đó là cái cách gì vậy? Niệm đến khi chính mình sanh hoan hỷ, niệm đến khi tâm của mình được thanh tịnh thì phương pháp này thích hợp với ta, hợp với căn cơ của ta. Hợp với căn cơ của ta nhưng không nhất định phải hợp với căn cơ người khác, điều này nhất định phải biết. Giống như chúng ta ăn thức vậy, mỗi người đều có khẩu vị khác nhau, không thể nói tôi ăn món này ngon thì bạn cũng ăn món này ngon. Thí dụ như người Tứ Xuyên Trung Quốc thích ăn cay, càng cay càng ngon, chúng ta thì chịu không nổi, cho nên khẩu vị của mỗi người đều khác nhau. Căn tánh của mỗi người cũng khác nhau, chúng ta phải biết nguyên tắc của pháp môn mà chúng ta tu học, nguyên tắc này là niệm Phật đến khi tâm được thanh tịnh. Ta dùng pháp môn này tu học thì xác thực là phiền não giảm, trí huệ tăng, đối với chúng ta có lợi ích, có điều tốt. Không nên dễ dàng hâm mộ người khác, học theo người khác là hỏng rồi. Đừng nhìn thấy tông phái khác rồi sanh tâm ngưỡng mộ, người niệm Phật gặp phương pháp tham thiền thì họ liền đi tham thiền, gặp được cách tu mật thì họ liền đi niệm chú, như vậy thì làm sao thành tựu?

Cho dù là Tịnh Tông, phương pháp tu hành của mỗi một đạo tràng cũng không giống nhau. Trong Niệm Phật Đường có người thích niệm chậm, trước đây khi tôi mới bắt đầu học Phật, ở cùng với Pháp sư Sám Vân, Pháp sư Sám Vân niệm Phật rất chậm. Một câu Nam Mô A Di Đà Phật Ngài niệm đến 1-2 phút, rất chậm. Động tác của Ngài cũng chậm, lễ Phật cũng chậm, chúng tôi đã lạy được 5-6 lạy rồi mà Ngài vẫn chưa xong một lạy, thế nhưng Ngài rất khỏe, rất thông suốt. Thời khóa sớm tối chúng tôi cùng công phu với nhau, thời khóa sớm tối rất đơn giản, tụng kinh A Di Đà, đọc 3 biến chú vãng sanh, niệm Phật hiệu không nhiều, khoảng một xâu chuỗi niệm 108 câu, sau đó thì hồi hướng, vậy là xong thời khóa. Thời gian công phu thời khóa sớm tối rất ngắn, nhưng sau khi công phu xong thì Ngài dạy chúng tôi lạy Phật, lạy 300 lạy. Cho nên sáng sớm lạy 300 lạy, buổi trưa quy định lạy 200 lạy, buổi tối cũng lạy 300 lạy, một ngày lạy 800 lạy, rất là hữu dụng. Lúc đó tôi vừa mới học Phật, cho nên lạy Phật tiêu nghiệp chướng, lạy Phật rất tốt cho thân thể, là một vận động tốt cho thân thể, thật sự có hiệu quả. Tôi sống trên núi được năm tháng rưỡi, lạy được mấy trăm ngàn lạy. Chúng tôi cùng lạy Phật với Ngài, chúng tôi lạy được 300 lạy thì Ngài lạy chưa được 100 lạy, động tác của Ngài rất chậm. Mỗi người có cách lạy Phật của riêng mình, ở nơi chúng tôi thì Pháp sư Đạt Tông lạy Phật nhanh nhất, hiện giờ tôi không biết Ngài còn sống hay không, mỗi ngày Pháp sư Đạt Tông lạy 1.200 lạy, tốt vô cùng, Pháp sư rất thông thái. Thời gian tụng kinh ngắn, mọi người cùng công phu với nhau, sau khi công phu xong thì mỗi người có thời khóa riêng của mình, tụng kinh cũng có cách riêng của mỗi người, đọc không ra tiếng. Lúc đó chúng tôi sống trong nhà tranh, nhà tranh chỉ có 5 người, hoàn cảnh thật sự thanh tịnh vô cùng. Hiện nay đạo tràng như vậy thì không dễ gì gặp được, mọi sự đều là duyên phận, duyên thù thắng thì chính mình phải nhận biết, nhất định phải nắm lấy, chân thật dụng công. Chân thật dụng công, thật sự phải nhất hướng chuyên niệm thì Phật Bồ-tát gia trì, đây là đạo lý nhất định, chắc chắn sẽ có cảm ứng. Nếu không có cảm ứng là do tâm của chúng ta không đủ chân thành. Chí thành cảm thông, chân thành đến cực độ thì nhất định có cảm ứng, điều này chúng ta nhất định không thể hoài nghi.

/ 374