/ 374
575

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 346

Cho nên bản thân phải tu hành, tu là sửa lại cho đúng, hành là hành vi. Tư tưởng của chúng ta là hành vi của ý, ngôn ngữ của chúng ta là hành vi của khẩu, tạo tác của chúng ta là hành vi của thân. Nếu hành vi thân khẩu ý ba nghiệp của chúng ta không tương ưng với trong kinh đã nói thì bạn phải thừa nhận mình sai rồi, không phải kinh giáo sai. Hiện tại có rất nhiều người suy nghĩ rất lạ lùng, tôi đúng còn kinh đã sai rồi, Phật giảng kinh vào 3000 năm trước, 3000 năm trước so với bây giờ thì không giống nữa, Ngài đã sai rồi, tôi hiện tại không sai, vậy thì phiền phức to. Lời Phật Bồ-tát đã nói thì vĩnh viễn là chính xác. Vì sao vậy? Vì lời của các Ngài là từ tâm tánh lưu xuất ra, những ngôn ngữ văn tự được lưu xuất ra từ trong tâm tánh thì siêu vượt thời gian, siêu vượt không gian, không bị giới hạn bởi không gian thời gian, cho nên được gọi là “kinh”. Không giống như văn chương người thế gian hiện tại đang viết, những báo chí tạp chí văn chương đó chỉ cần xem một lần là có thể bỏ vào thùng rác rồi, không cần phải xem thêm lần thứ hai nữa. Kinh thì không như vậy, kinh thì phải vĩnh hằng bất biến. Kinh là tự tánh chúng ta lưu lộ ra, vì tự tánh của chúng ta hiện tại đã mê rồi, mê mà không giác, nên hiện tại phải nhờ vào chư Phật Như Lai, những điều lưu lộ ra từ tự tánh của các Ngài sẽ dẫn phát tự tánh của chúng ta. Trí huệ đức tướng ở trong tự tánh của chúng ta không khác gì với chư Phật Như Lai, chúng ta nhờ các Ngài dẫn phát ra. Đây là đúng, cho nên đối với các Ngài phải có lòng tin, không thể có một chút hoài nghi. Nếu có nghi ngờ thì không nên suy nghĩ nữa, không nên phân biệt, không nên đi nghiên cứu, càng nghiên cứu thì càng sai, phải hiểu đạo lý này. Vì sao càng nghiên cứu lại càng sai? Phật giảng kinh là từ lìa vọng tưởng phân biệt chấp trước ở trong tâm mà nói ra, chúng ta nay lại dùng tâm vọng tưởng phân biệt chấp trước để học thì bạn làm sao có thể lý giải được chứ? Phương pháp không như nhau, vậy phải làm sao mới có thể chân thật hiểu được nghĩa kinh? Chúng ta cũng phải lìa khỏi vọng tưởng phân biệt chấp trước thì bạn sẽ thật sự hiểu được. Chúng ta lìa một phần thì hiểu được một phần, lìa hai phần thì hiểu được hai phần. Bạn xem Mã Minh Bồ-tát trong Khởi Tín Luận đã chỉ dạy chúng ta tâm thái học tập là “lìa tướng ngôn thuyết”. Dạy chúng ta nghe kinh phải lìa tướng ngôn thuyết, xem kinh thì lìa tướng văn tự, “lìa tướng danh tự”, không nên chấp trước danh từ thuật ngữ. Dạy chúng ta “lìa tướng tâm duyên”, tướng tâm duyên là chúng ta tuyệt đối không nên suy nghĩ về nó, bạn càng nghĩ thì càng sai, bởi vì tâm đó của bạn là tâm phân biệt tâm chấp trước, bạn sẽ nghĩ sai lệch đi ý nghĩa kinh điển. Cái gì cũng không nghĩ, bạn cứ lão thật niệm Phật thì sẽ khai ngộ, hoát nhiên đại ngộ, minh bạch, điều này là thật, vậy thì khế nhập rồi. Tâm càng thanh tịnh thì bạn ngộ được càng sâu, phương diện ngộ được càng rộng, ngày ngày đều có chỗ ngộ, nên sẽ vô cùng vui sướng. Niềm vui này không có niềm vui nào ở thế gian có thể bì được, chân thật là có niềm vui sướng. Người xưa thì cầu “niềm vui Khổng Nhan” (Khổng Tử và Nhan Hồi), niềm vui của Như Lai và Pháp Thân Bồ-tát so với Khổng Tử và Nhan Hồi thì cao thâm hơn nhiều. Niềm vui của Khổng Nhan vẫn không phải xuất ra từ tự tánh, Khổng Tử Nhan Hồi khế nhập không sâu, Phật Bồ-tát khế nhập sâu. Phải nên hiểu đạo lý này, sau đó thì bạn mới sanh lòng tin. Đây là cầu giải, “giải” thì không thể nào dùng vọng tưởng, phải lìa tướng ngôn thuyết, lìa tướng danh tự, lìa tướng tâm duyên.

Nhất môn thâm nhập, trường kỳ huân tu”, người xưa nói “đọc sách nghìn lần nghĩa kia tự hiểu”, việc này có đạo lý. Đọc hàng nghìn lần trở đi thì tâm sẽ định, dùng phương pháp đọc kinh để tu định, tu thiền định, định có thể khai huệ. Sau khi đọc cả nghìn lần thì cái huệ của định này sẽ phát ra, huệ phát ra rồi thì ý nghĩa của kinh hết thảy đều rõ ràng, “nguyện giải Như Lai chân thật nghĩa”. Cho nên “nhất hướng” vô cùng quan trọng. Đầu tiên phải lập chí, trong đời này, ta có một mục tiêu, có một phương hướng. Mục tiêu là cầu Tịnh Độ. Tịnh Độ từ đâu mà có? Là từ tâm thanh tịnh mà biến hiện ra, cho nên cầu Tịnh Độ chính là cầu tâm thanh tịnh, tâm tịnh thì Phật độ tịnh, phải hiểu đạo lý này. Tâm bạn không thanh tịnh mà cầu vãng sanh Tịnh Độ sẽ cầu không được vì đó là sai. Vì vậy kinh luận không thể không đọc nhiều, bạn mới hiểu được đạo lý này, nắm được cương lĩnh nguyên tắc trọng yếu. Cho đến khi tự mình dần dần khế nhập, trí huệ khai rồi, thâm nhập được một phần thì bạn có thể giảng được một phần, thâm nhập được hai phần thì bạn có thể giảng được hai phần. Có nên đi ra ngoài giảng hay không? Nên! Có người nói: “Tôi tự mình học vẫn chưa học thành công, sao có thể đi ra ngoài giảng được?” Đợi cho đến khi bạn học thành công thì thế giới này đã tận thế luôn rồi, sẽ không kịp. Cho nên hiện tại chúng ta hiểu một câu thì giảng nói một câu, không giảng sai, hiểu hai câu thì giảng hai câu. Đây là bi nguyện của Di Đà, 48 nguyện, nguyện nguyện đều là vì lợi ích chúng sanh. Bản thân chúng ta muốn đến Thế Giới Cực Lạc, cũng muốn đưa thêm vài người nữa cùng đi, càng nhiều càng tốt, tự hành hóa tha.

/ 374