380

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 345

Các vị Pháp sư, các vị đồng học, mời mở kinh ra, “Khoa Hội” trang 49:

Kỳ thượng bối giả, xả gia khí dục, nhi tác Sa-môn, phát Bồ-đề tâm, nhất hướng chuyên niệm A Di Đà Phật, tu chư công đức, nguyện sanh bỉ quốc”.

Ngày hôm qua chúng tôi đã giảng đến “phát Bồ-đề tâm”. Phát tâm vô cùng quan trọng. “Bồ-đề” là tiếng Phạn, dịch ra có nghĩa là “giác ngộ”. Chân tâm bổn tánh của chúng ta không những là giác ngộ, mà còn là giác ngộ viên mãn. Cho nên trong kinh Phật nói với chúng ta, hết thảy chúng sanh vốn dĩ là Phật, vốn dĩ là Phật mà hiện tại không phải là Phật. Thực tại mà nói, chư Phật Như Lai xem hết thảy chúng sanh đích thực là Phật, việc này không hề giả, nhưng phàm phu chúng ta bản thân không thừa nhận chính mình là Phật, như vậy thì cũng hết cách. Cách nói này thật sự không dễ hiểu cho lắm, chúng ta vẫn là dùng cách tỷ dụ của Đại đức xưa, người xưa nói “lấy vàng làm đồ dùng thì mọi đồ dùng đều là vàng”. Đem chân tâm tự tánh của chúng ta tỷ dụ cho vàng, vậy thì chúng ta là đồ dùng làm từ vàng. Vì sao chư Phật Như Lai xem hết thảy chúng sanh đều là Phật? Các Ngài xem ở trên chất, bất luận là loại đồ dùng gì thì thể tánh của nó đều là làm từ vàng, vàng đó chính là Như Lai, vàng chính là chư Phật. Phàm phu đã quên mất thể tánh, chấp trước cái tướng này, nhìn vào tướng. Ví dụ như chúng ta đem vàng đúc thành tượng Phật, bên kia thì dùng vàng đúc thành tượng người, bên này thì dùng vàng đúc thành tượng súc sanh, làm thành con chó con mèo, phân lượng vàng hoàn toàn như nhau, giá trị như nhau, chỉ là hình tướng làm ra thì không như nhau mà thôi. Người biết xem thì họ nói đều là vàng, không có gì khác, có hiện tướng nhiều hơn đi nữa thì cũng không khác. Chư Phật Bồ-tát nhìn chúng sanh trong chín pháp giới giống như các Ngài nhìn tánh của chính mình, tánh là pháp tánh, tướng là tướng pháp giới, tướng có sai biệt, tánh thì không có sai biệt. Cho nên từ trên tánh mà nhìn thì hết thảy chúng sanh đều là chư Phật Như Lai. Chúng sanh thì không như vậy, chúng sanh đã quên mất thể tánh, hoàn toàn chấp tướng, đây là Phật, kia là người, kia nữa là súc sanh, đây là chấp tướng. Chấp tướng thì không thấy tánh, đã mê mất tự tánh, một mê thì hết thảy đều mê. Trong mê mới sanh ra thị phi nhân ngã, mới sanh tham sân si mạn, trong chân tánh thì không có những thứ này. Đại sư Huệ Năng ở trong Đàn Kinh đã nói rất hay, bên trong tự tánh vốn không một vật, chúng ta mê mất tự tánh, do đây mới đọa lạc vào trong hư vọng. Ngã chấp pháp chấp, thị phi nhân ngã, danh văn lợi dưỡng, tham sân si mạn đều là từ trong vọng tưởng mà biến hiện ra, bên trong tự tánh đích thực là không có những thứ này. Phật nhìn vào tự tánh của chúng sanh, hết thảy là Phật tánh, không khác gì với chư Phật Như Lai. Tự tánh là vĩnh hằng, sẽ không thay đổi tùy theo tình thức, vĩnh viễn bất biến, không sanh không diệt. Thứ thay đổi là tướng, tướng đổi được, tướng có sanh diệt, tánh không có sanh diệt, nhất định phải biết đạo lý này. Người tu hành chúng ta phải chú trọng ở tâm tánh, ngộ rõ tâm tánh thì mới có thể siêu vượt mười pháp giới, không những là sáu cõi, mà siêu vượt mười pháp giới. Siêu vượt mười pháp giới thì mới có thể giúp đỡ được chúng sanh khổ nạn trong mười pháp giới, giúp họ phá mê khai ngộ, lìa khổ được vui.

“Bồ-đề tâm” là chân tâm, trong tự tánh vốn sẵn có đầy đủ. Ngày hôm qua đã bàn với các vị về chân thành thanh tịnh bình đẳng chánh giác từ bi, đều là tánh đức mà trong chân tâm của chúng ta vốn có đầy đủ, không phải là từ bên ngoài vào. Chỉ cần trừ bỏ phiền não chướng ngại thì vô lượng trí huệ đức năng tướng hảo trong tự tánh của chúng ta hết thảy đều có thể hiện tiền. Nhất định phải phát Bồ-đề tâm, việc này nói ra thì dễ, làm thì rất khó, khó ở chỗ nào vậy? Chúng ta bị nhiễm ô quá nghiêm trọng, nhiễm ô một cách từ từ không phát hiện được, rồi lại rơi vào trong phiền não tập khí. Cho nên giáo huấn của Phật đích thực là cao minh đến cùng cực.  

Người hiện đại nói giáo huấn của Phật pháp đi về hướng nghệ thuật hóa, nghệ thuật dạy học. Người hiện đại mọi thứ đều bàn đến nghệ thuật, vào 3.000 trước thì Thích-ca Mâu-ni Phật đã nghệ thuật hóa việc dạy học chân thật đến tận thiện tận mỹ rồi. Các vị đọc kinh Đại Thừa, đặc biệt là Kinh Hoa Nghiêm, mọi chỗ đều nói biểu pháp với bạn, biểu pháp chính là nghệ thuật hóa. Từ kiến trúc của đạo tràng cho đến hết thảy những trang trí bên trong đều là giáo dục cả, toàn bộ đều là nhắc nhở chúng ta giác mà không mê, chánh mà không tà, tịnh mà không nhiễm, mọi lúc đều nhắc nhở chúng ta. Chúng ta cúng dường tượng Phật, người không hiểu thì nói chúng ta lạy tượng đất, nói chúng ta mê tín, việc này cũng khó trách họ, không có ai giải thích cho họ, không có ai giới thiệu cho họ, chúng ta có cơ hội tiếp xúc với họ thì hãy giảng giải cho họ.