/ 374
545

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 344

Những năm gần đây tôi tham gia rất nhiều hoạt động quốc tế, đó là gì? Đó là tâm đại từ bi, nhìn thấy thế giới này động loạn mỗi năm một nghiêm trọng hơn, rất nhiều tôn giáo nước ngoài gọi là ngày tận thế, đó là thật không phải giả. Xã hội hiện tại dường như khiến cho chúng ta nhìn thấy được hiện tượng của ngày tận thế hiện tiền rồi. Chúng ta làm sao để có thể hóa giải hiện tượng này, làm cho nó chậm lại, đẩy cho nó lùi trở lại, đây là một việc tốt. Không có duyên phần thì tôi tuyệt đối sẽ không đi làm, Phật dạy chúng ta phải tùy duyên, không nên phan duyên. Sau khi chúng tôi đến Úc Châu thì cái duyên này mới chín muồi. Họ đến tìm tôi không phải tôi đi tìm họ, họ đến tìm tôi nếu tôi không làm vậy thì không có tâm từ bi, nhất định phải làm. Cái duyên khởi này rất khó có được. Khi tôi đến Úc Châu, có đồng tu giới thiệu thành phố Brisbane của Úc có một diễn đàn Đa Nguyên Văn Hóa do quan chức chính phủ chủ trì, cấp bậc tuy không cao, tương đương với cấp huyện. Trong huyện này có cục Đa Nguyên Văn Hóa, cục trưởng là người Úc gốc Do Thái, ông chủ trì diễn đàn này. Đồng tu giới thiệu tôi đi gặp làm quen với ông, ông rất hoan hỷ, mời tôi đi diễn giảng một lần ở diễn đàn, tôi giảng xong mọi người đều rất hoan hỷ, rất hài lòng, liền chính thức mời tôi tham gia diễn đàn này. Lúc đó tôi vẫn còn ở Singapore, tôi còn nhớ có đến mấy lần đặc biệt vì diễn đàn mà đã đến Úc Châu một chuyến. Ngày đầu tiên thì tham gia diễn đàn, ngày hôm sau thì quay về lại Singapore, có vài lần như vậy. Sau này tôi quen biết được một số vị đại biểu tôn giáo ở thành phố Brisbane. Sau này trường Đại Học Griffith muốn thành lập một trung tâm Đa Nguyên Văn Hóa, cục trưởng Yuri nói với tôi có một sự việc như vậy, tôi nói đó là việc tốt. Khi đó tôi đã quyên tặng 100.000 đô-la Úc để tài trợ, họ hết sức vui mừng. Tôi không biết tỷ giá cho lắm, đến sau này tôi mới biết số tiền tôi quyên tặng là nhiều nhất, vả lại còn là số tiền rất lớn. Như vậy tôi đã kết duyên với ngôi trường này, sau khi quyên tặng thì chúng tôi không nghe không hỏi nữa. Sau này nghe nói Phật Quang Sơn cũng quyên góp xấp xỉ, là việc tốt, họ đã quyên tặng 50.000 đô-la. Sau hơn một năm tôi quay trở lại nơi đó, tôi hỏi ông Yuri tình hình ra sao, trung tâm đa nguyên văn hóa của các vị đã xây dựng xong chưa? Ông nói vẫn chưa xong, ông nói chỉ có Ngài quyên tặng 100.000, Phật Quang Sơn tặng 50.000, cả năm nay chẳng thấy có ai tặng nữa, ông nói rất nhiều tôn giáo đều nói sẽ quyên tặng nhưng tiền vẫn chưa thấy đem tới. Tôi liền hỏi ông, vậy trung tâm này các ông dự tính bao nhiêu tiền thì xây được? Ông nói dự tính khoảng chừng 1.300.000 đô-la, tôi nói được rồi, vậy giờ ông đã có 250.000 rồi, tôi sẽ đưa cho ông thêm 1 triệu nữa. Thế là trung tâm này đã được xây dựng nên, trường học đó rất cảm kích đối với tôi. Vị hiệu trưởng rất trẻ, cũng rất có năng lực, hiện tại đã được chuyển đến làm hiệu trưởng trường đại học Melbourne rồi, chuyển lên cao hơn. Trường Đại Học Griffith ở Úc Châu đại khái được xếp hạng thứ mười mấy, Đại Học Melbourne thì xếp hạng ba. Vị hiệu trưởng ấy hỏi tôi, vào lúc đó tôi giảng kinh hoằng pháp được 43 năm rồi, năm nay là được 47 năm. Thích-ca Mâu-ni Phật giảng kinh thuyết pháp 49 năm, tôi kém Ngài 2 năm. Ông hiệu trưởng hỏi tôi: “Thưa Pháp sư, trong 43 năm qua có khi nào Ngài gặp phải vấn đề mà Ngài không thể giải đáp hay không?” Tôi suy nghĩ một lát, hình như là chưa hề gặp qua, ông rất là hoan hỷ, “Pháp sư mới thật sự là một hiệu trưởng tốt”. Sau lần đó, vị hiệu trưởng này đã phát động đề nghị tặng cho tôi một học vị tiến sĩ danh dự tại ngôi trường đó, đồng thời mời tôi đảm nhiệm vai trò giáo sư vinh dự cho trường. Tôi liền nói với ông, chúng tôi là đệ tử Phật xuất gia nên mấy thứ này không có ích gì cả. Nếu tôi muốn có nó thì năm xưa, đại khái là 30 năm về trước, Hàn Quán Trưởng có người anh họ ở Nhật Bản rất quen biết với giới học thuật Nhật Bản, ông cũng là người xuất gia. Vào lúc đó ông đã nói với tôi, ở trường Đại Học Nhật Bản ông có thể lấy được cho tôi một cái bằng tiến sĩ danh dự. Tôi đã từ chối, bởi vì chúng tôi lấy cái này không có ích gì. Thế nên tôi đã nói với hiệu trưởng như vậy, hiệu trưởng nói không được, có ích đấy chứ, tôi hỏi có lợi ích gì? Ông nói hiện tại trên quốc tế tổ chức rất nhiều hội nghị hòa bình để hóa giải xung đột, thúc đẩy xã hội an định thế giới hòa bình, những hội nghị này thỉnh mời đều là chuyên gia học giả, họ không mời Pháp sư. Ông nói ông hy vọng tôi có thể đại diện cho trường của ông để tham gia. Tôi nói vậy thì được, tiếp nhận ý của ông. Vì vậy rất nhiều hội nghị ở Liên Hiệp Quốc tôi đều làm đại diện cho trường Đại Học Griffith. Sau đó không lâu thì trường Đại Học Queensland đến tìm tôi, cũng đến mời tôi làm giáo sư cho trường của họ. Cho nên tôi làm đại diện cho hai ngôi trường này tham gia hội nghị quốc tế về hóa giải xung đột, thúc đẩy xã hội an định thế giới hòa bình.

/ 374