PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ
TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 343
Các vị Pháp sư, các vị đồng học, mời mở quyển kinh ra, Khoa Hội trang 49 hàng thứ 3, chúng ta hãy đọc kinh văn một lần.
“Kỳ thượng bối giả, xả gia khí dục, nhi tác Sa-môn, phát Bồ-đề tâm, nhất hướng chuyên niệm A Di Đà Phật, tu chư công đức, nguyện sanh bỉ quốc”.
“Xả gia khí dục” câu nói này ngày hôm qua tuy đã nói rất nhiều với các vị, nhưng ý nghĩa bên trong vô cùng sâu rộng. Vì sao người niệm Phật nhiều mà người thật sự vãng sanh lại rất ít? Chân tướng sự thật này chúng ta không thể không biết. Nếu bạn không muốn vãng sanh ngay trong đời này thì không có gì để nói, bạn có hiểu hay không không sao cả. Nhưng nếu thật sự muốn trong đời này được vãng sanh vậy thì điều này rất quan trọng, hai phẩm kinh này quan trọng hơn bất cứ thứ gì.
“Xả” là phải buông bỏ hết thảy, trong Đại Thừa giáo Phật nói với chúng ta, trong Kinh Hoa Nghiêm Phật nói với Bồ Tát, vọng tưởng phân biệt chấp trước là ba loại phiền não nghiêm trọng. Phật dạy chúng ta, lục đạo luân hồi từ đâu mà có? Tâm thanh tịnh trong tự tánh không có những thứ này, chúng ta không thể không biết, tâm thanh tịnh trong tự tánh là chân tâm, mỗi một người đều có chân tâm. Mười pháp giới y chánh trang nghiêm cũng giống như cảnh mộng mà Vĩnh Gia Đại sư đã nói, “trong mộng rõ ràng có sáu cõi”. Không những sáu cõi là cảnh mộng, mà mười pháp giới cũng là cảnh mộng. Nếu nói là chân thật thì nhất chân pháp giới là chân thật, “nhất” chính là nhất tâm, chính là “nhất hướng” mà trong kinh đã nói. Nhất hướng và nhất chân, danh từ không như nhau nhưng ý nghĩa thì giống nhau. Vì vậy công phu niệm Phật ở chỗ nào? Kinh A Di Đà nói rất hay, rất đơn giản: “nhất tâm bất loạn”. Người niệm Phật chúng ta công phu niệm Phật ở nhất tâm bất loạn. Các vị nghĩ thử xem, nếu không thể buông xả thì bạn làm sao có thể được nhất tâm? Thật sự là không dễ gì đạt được nhất tâm.
Chúng ta từ trong kinh giáo hiểu được y chánh trang nghiêm trong mười pháp giới là duyên khởi tánh không. Nó từ đâu đến? Làm sao mà có? Trong Phật pháp gọi là duyên khởi. Nếu nói chân tướng với bạn, Kinh Bát Nhã gọi là “chư pháp thực tướng”, thực là chân thực, là chân tướng của mười pháp giới y chánh trang nghiêm. Kinh Kim Cang thì gọi là thực tướng. Tâm Kinh nói càng đơn giản hơn, Kinh Kim Cang là cương lĩnh của 600 quyển Kinh Bát Nhã, Tâm Kinh là cương yếu của Kinh Kim Cang, chúng ta đem nó tổng kết lại thành một câu, đó chính là “nhất thiết pháp”. “Nhất thiết pháp” chính là chỉ y chánh trang nghiêm trong mười pháp giới, bao gồm cả thân tâm thế giới của chúng ta là “vô sở hữu, tất cánh không, bất khả đắc” (không thể sở hữu, thảy đều là không, không thể đạt được). Chân tướng sự thật này nằm ngay trước mắt, người giác ngộ họ nhận thức được, người mê hoặc thì đang nằm mộng, trong giấc mộng họ không biết bản thân mình đang nằm mộng. Cổ Đại đức dạy hàng sơ học, cho nên mới học thì chúng ta không được lơ là, sơ học là căn bản. Ngày nay chúng ta học Phật đã lơ là đi căn bản, không cắm gốc từ căn bản, cho nên chúng ta bất luận là nghe kinh được bao nhiêu năm, niệm Phật được bao nhiêu năm, công phu vẫn không đắc lực. Những thứ này thật sự là như Kinh Vô Lượng Thọ nói “tiên nhân vô tri, bất thức đạo đức, vô hữu ngữ, giả thù vô quái dã”, không có ai dạy bạn, bạn không gặp được thiện tri thức chân thật.
Hôm qua tôi đã báo cáo với các vị, tôi học Phật xem như cũng rất may mắn, gặp được vị thầy tốt, thầy tốt cả đời không phải chỉ dạy có một mình tôi, người mà các Ngài đã dạy rất nhiều. Trong số nhiều học trò như vậy, người nào chịu nghe lời thì sẽ được lợi ích, người không nghe lời thì cũng đành hết cách. Sau khi tôi đã học thành rồi thì đi hoằng pháp ở nước ngoài, vào lúc đó đa số thời gian là ở Mỹ, ở Canada, mỗi năm chỉ trở về Đài Loan 1-2 lần. Trở về thì nhất định đều đi gặp lão sư, báo cáo với lão sư về quá trình hoằng pháp, thỉnh lão sư chỉ đạo. Tôi cảm thấy cô đơn vô cùng, hy vọng lão sư đào tạo thêm vài người nữa, để chúng tôi có thêm đồng học hỗ trợ cho nhau, đối với công việc hoằng pháp lợi sanh sẽ thuận lợi hơn. Lão sư cũng gật đầu, tôi đã nói qua rất nhiều lần, sau cùng lão sư đành lên tiếng, Ngài nói: “Không phải ta không dạy, ông hãy tìm học trò cho ta đi”. Sau khi Ngài nói câu này xong về sau tôi không còn dám nói nữa, tôi đi đâu để tìm học trò bây giờ? Tìm một người học trò biết phục tùng 100% thì tìm không ra. Đối với lời của lão sư không được có hoài nghi, không giảm bớt chút nào, y giáo phụng hành mà làm, học trò như vậy thật sự tôi tìm không được. Từ đó về sau tôi không nói thêm lần nào nữa, tôi biết được là khó vô cùng. Ngày nay người theo cạnh tôi rất nhiều, có người theo 20-30 năm rồi, đối với những lời mà tôi nói họ có lý giải được 100% hay không, có tin tưởng 100% để làm hay không? Nói cho các vị biết, một người cũng không có. Dạy họ buông bỏ mà họ vẫn cứ không buông bỏ.