/ 374
599

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 342

Xả gia khí dục nhi tác Sa-môn”. Sa-môn là tiếng Phạn, là cách thường gọi người tu hành xưa ở Ấn Độ, dịch thành chữ Trung Quốc là “cần tức”, siêng tu giới định huệ, diệt trừ tham sân si, Sa-môn chính là ý nghĩa như vậy. Trong thời kỳ đầu của Phật môn, ngay cả những vị Đại sư phiên dịch kinh sách đều vô cùng khiêm tốn xưng mình là Sa-môn. Sa-môn là cách xưng hô rất khiêm tốn, là tôi ngày ngày đang học tập. Học tập chính là siêng tu giới định huệ, diệt trừ tham sân si.

Nền tảng của giới học chính là thập thiện, thập thiện mà chưa có thì nhất định bạn cũng không có giới định, đây là đạo lý nhất định. Cho nên trong “tịnh nghiệp tam phước” thì phước đầu tiên là gốc, là gốc của gốc, có phước thứ nhất thì mới có phước thứ hai. Phước thứ nhất là tầng lầu đầu tiên, phước thứ hai là tầng lầu thứ hai, phước thứ ba là tầng lầu thứ ba, bạn không có tầng dưới thì làm sao bạn có được tầng trên. Phước thứ hai là “thọ trì tam quy, cụ túc chúng giới, bất phạm oai nghi”, đây là đệ tử của Phật. Phước thứ nhất là phước báo nhân thiên, phước thứ hai là Tiểu Thừa, phước thứ ba là Bồ-tát, là Đại Thừa “phát Bồ-đề tâm, thâm tín nhân quả, đọc tụng Đại Thừa, khuyến tấn hành giả”. Đây là tổng nguyên tắc chỉ đạo của chúng ta, chúng ta không đi con đường này thì bạn không có con đường nào khác để đi. Ba đời chư Phật đều đi con đường này mà thành tựu, chúng ta không đi con đường này thì đi con đường nào bây giờ? Đây là việc mà chúng ta không thể nào không biết.

Chỉ cần chính mình chịu dụng công, chính mình trước tiên phải trồng cái gốc cho tốt, gốc của gốc là Đệ Tử Quy, làm được Đệ Tử Quy rồi thì Thập Thiện Nghiệp Đạo cũng viên mãn, pháp thế xuất thế gian, bất luận bạn học cái gì bạn cũng đều có thành tựu thù thắng. Không trồng cái gốc từ chỗ này thì dù bạn có nỗ lực tinh tấn, dù thời gian có lâu dài hơn đi nữa, đến sau cùng cũng vô ích. Thứ nhất là bản thân phải sanh tử như thế nào thì vẫn sẽ sanh tử như thế ấy. Thứ hai là trong pháp thế xuất thế gian, bạn không có thành tựu gì chân thật, cho dù có thành tựu thì cũng như hoa Phù Dung sớm nở tối tàn. Vì sao vậy? Vì không có gốc, không chịu nổi sự khảo nghiệm của thời gian, không chịu nổi sự khảo nghiệm của lịch sử, việc này không thể nào không biết.

Chúng ta lại xem câu kế tiếp trong kinh này, câu này vô cùng quan trọng. Đây chính là chuyên tu Tịnh Độ, “phát Bồ-đề tâm, nhất hướng chuyên niệm A Di Đà Phật”. Bạn xem trong bộ kinh này, “tam bối” là thượng bối, trung bối và hạ bối đều có câu nói này, “phát Bồ-đề tâm nhất, hướng chuyên niệm A Di Đà Phật”. Chúng ta học Phật điều đầu tiên là phải kính Phật, bạn xem trong Phổ Hiền Thập Nguyện thì “lễ kính chư Phật” xếp ở đầu tiên. Lễ kính không phải trên hình thức mà phải trên thực chất, thực chất của lễ kính là gì? Là y giáo phụng hành, chúng ta có lòng tin đối với Phật, có lòng tin đối với giáo huấn của Phật, có lòng tin đối với kinh điển thì bạn mới có thể đạt được lợi ích chân thật, nếu bạn có hoài nghi vậy thì không được. “Bồ-đề tâm” tuy rất khó, nhưng nếu bạn chân thật có thể làm được Đệ Tử Quy và Thập Thiện Nghiệp Đạo rồi thì phát “Bồ-đề tâm” sẽ không khó.

“Bồ-đề tâm” là chân thành, phía trước đã nói qua với các vị rồi. Dục vọng, danh văn lợi dưỡng ngũ dục lục trần tham sân si mạn nếu không đoạn thì tâm của bạn không chân thành, việc này sẽ chướng ngại sự chân thành của bạn. Vì vậy Thích-ca Mâu-ni Phật đã thị hiện cho chúng ta, cả đời không xây đạo tràng, xây đạo tràng thì bạn sẽ có rất nhiều việc để làm. Cổ đức thường nói với chúng ta “nhiều việc không bằng ít việc, ít việc không bằng không việc gì”, lại nói với chúng ta, “biết nhiều việc thì phiền não nhiều, quen nhiều người thì thị phi nhiều”. Khi bạn tiếp xúc với rất nhiều người thì việc thị phi sẽ chất thành đống. Trong thời đại này, nếu bạn chân thật muốn giữ gìn sự “thanh tịnh bình đẳng giác” của mình như tựa đề của kinh này thì bạn nhất định phải biết lìa xa thị phi nhân ngã. Vì vậy tôi thường nói với các đồng tu, tôi đại khái đã 40 năm không xem báo chí. Vì sao vậy? Vì đó là ô nhiễm, đó là thị phi. Không xem tạp chí, không xem truyền hình, tôi mỗi ngày khi có thời gian thì tôi đọc kinh Phật, xem những tác phẩm của Tổ sư, cuộc sống của tôi rất tốt, rất tự tại. Vậy bạn mới chân thật có thể giữ gìn được sự thanh tịnh bình đẳng của mình mà không bị ô nhiễm. Hiện tại xã hội này đã bị ô nhiễm nghiêm trọng, nhưng bản thân có thể không tiếp nhận, chúng ta vẫn có cái quyền này, chúng ta có thể không tiếp nhận, phải nên biết đạo lý này. Những việc này ngày trước lão sư Lý đã dạy qua.

/ 374