/ 374
459

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 336

Chúng ta đã đọc bài kệ hồi hướng, “trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu ba đường khổ”. Ba đường khổ là địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, tất cả đều phải nghĩ đến. Chúng tôi lên trên giảng tòa này, khi các bạn đang niệm Phật, niệm ba lần danh hiệu “Nam Mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật” thì tôi ở trên giảng tòa phát nguyện, không phải niệm Phật cùng với quý vị, mà tôi đang thỉnh chúng sanh, thỉnh chúng sanh nào? Mời chúng sanh đến nghe giảng kinh, mời những chúng sanh nào? Chúng sanh trong chín pháp giới, tất cả các vị thần trong khắp pháp giới hư không giới, tất cả thần linh trong khắp pháp giới hư không giới, tất cả các vị thần, thành hoàng thổ địa ở các thế giới, tất cả vong linh chúng sanh chết vì tai nạn ở thế giới Ta-bà, tôi ở đây thỉnh họ đến nghe kinh. Các bạn đang niệm Nam Mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật thì tôi ở đây thỉnh chúng sanh, mắt thường của chúng ta nhìn không thấy, tâm lượng của bạn không lớn thì không được, cho nên vãng sanh thượng phẩm tôi có phần, điều này các bạn nên học theo tôi. Mỗi ngày khi chúng tôi công phu khóa sáng và tối, khi tụng kinh lễ Phật đều phải thỉnh chúng sanh, khi công phu xong phải hồi hướng. Bạn nên mở rộng tâm lượng, đến khắp pháp giới hư không giới, điều này trong kinh Phật thường nói “tâm bao thái hư, lượng châu sa giới”, tâm lượng lớn như vậy thì cuộc sống hiện tại của bạn rất an vui. Người nào đắc tội với bạn thì bạn xem là chuyện nhỏ không đáng kể, tâm lượng lớn như vậy tính toán làm gì? Tâm lượng quá nhỏ thì có nhìn cũng nhìn không thấy, làm sao lại mang vào để trong tâm? Tâm lượng nhỏ thì những điều nhỏ bé cũng trở thành vướng mắc lớn nên rất khó chịu, tâm lượng lớn thì được hóa giải hết, điều này vô cùng quan trọng, quan trọng hơn bất cứ thứ gì.

Cho nên ở chỗ này cổ Đại đức nói đại tâm phàm phu được Phật gia trì, họ có thể vãng sanh thượng phẩm. Vãng sanh thượng phẩm chắc chắn là được vô sanh nhẫn, vô sanh pháp nhẫn. Chúng ta biết chứng được vô sanh pháp nhẫn là thất địa Bồ-tát, điều này được nói trong Kinh Nhân Vương. Thất địa là hạ phẩm vô sanh nhẫn, bát địa là trung phẩm, cửu địa là thượng phẩm, thập địa Bồ-tát là tịch diệt nhẫn, tức là sự thanh tịnh tịch diệt giống với Phật, thập địa là hạ phẩm, Đẳng giác là trung phẩm, quả vị Như Lai là thượng phẩm tịch diệt nhẫn. Trong kinh Tịnh Độ gọi vô sanh pháp nhẫn là A-duy-việt-trí Bồ-tát. Bạn thấy trong 48 lời nguyện cũng có, vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc đều thành A-duy-việt-trí Bồ-tát, không thể nghĩ bàn, cho nên pháp môn này thù thắng hơn tất cả, chúng ta nhất định phải biết điều này.

Vì vậy nhất định không thể có cách nói đánh đồng phẩm vị ở thế giới Cực Lạc với những kinh luận khác, không thể được, vì đây là pháp môn xác thực là vô cùng thù thắng. Cổ đức cũng nói, thế giới Tây Phương Cực Lạc có phàm phu Tiểu thừa vãng sanh, số lượng người không thể tính đếm được. Ở phía sau bộ kinh này chúng ta nhìn thấy còn có các bậc Đại Thánh vãng sanh. Trong Kinh Hoa Nghiêm chúng ta thấy Bồ-tát Văn Thù, Phổ Hiền đều cầu vãng sanh, đây là các vị Bồ-tát Đẳng giác ở thế giới Hoa Tạng, các Ngài phát nguyện vãng sanh Tây Phương Tịnh Độ là để cho 41 vị Pháp thân Đại sĩ ở Thế giới Hoa Tạng nhìn thấy. Bạn xem Bồ-tát Văn Thù, Phổ Hiền đều phát nguyện cầu sanh Tịnh Độ, huống chi là những vị còn lại. Đó là phổ độ tất cả chúng sanh nhanh chóng thành tựu viên mãn Phật đạo, ý nghĩa là như vậy. Trước tiên chúng ta phải hiểu cho rõ ràng, cho minh bạch thì chúng ta mới có thể xây dựng được lòng tin, từ lòng tin này mới sanh khởi nguyện tâm.

Tiếp theo là cách tu như thế nào, trong bộ kinh này nói với chúng ta là “xả gia khí dục, nhi tác Sa-môn”. Xả gia tức là xuất gia, khí dục tức là ly dục, nhi tác Sa-môn tức là làm các vị tăng, đây là Tăng bảo, là một bảo trong Tam Bảo. Ở đây nên chú ý, không phải nói bạn xuất gia là đến một ngôi tự viện tìm sư phụ cạo tóc thì bạn đã xuất gia rồi, không phải là như vậy, bạn sai rồi. Tổng Thống Singapore Nathan của chúng ta, tôi rất tôn kính ông, chúng tôi cũng rất quen thân, lần trước trong lễ Vesak của Ấn Độ giáo, chúng tôi cùng ăn cơm với nhau, chúng tôi nói chuyện hết mười mấy phút. Lần đầu tiên tôi gặp ông ấy là ông chưa làm tổng thống, khi cùng ăn cơm với nhau, chúng tôi ngồi nói chuyện với nhau, ông ấy nói với tôi, trong các tôn giáo thì ông tôn trọng Phật giáo nhất, ông nói Phật giáo trọng thực chất không trọng hình thức. Ông nói câu này tôi nghe xong mà rợn tóc gáy, điều này người thông thường không thể nói ra được. Lần đầu tiên tôi nghe câu nói này là Đại sư Chương Gia nói với tôi, năm đó tôi 26 tuổi, Đại sư Chương Gia nói với tôi Phật giáo trọng thực chất không trọng hình thức. Người thứ hai tôi nghe là do ông Nathan nói, có thể nói ra những lời này đây là người trong nghề chứ không phải người ngoài nghề. Phật giáo trọng thực chất không trọng hình thức, cho nên xuất gia là hình thức.

/ 374