/ 374
405

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 337

Xin chào chư vị đồng tu, xin mời mở kinh văn, khoa hội trang 49. Chúng ta đọc qua một lần phần kinh văn từ hàng thứ ba:

Kỳ thượng bối giả, xả gia khí dục, nhi tác Sa-môn, phát Bồ-đề tâm, nhất hướng chuyên niệm A Di Đà Phật, tu chư công đức, nguyện sanh bỉ quốc”.

Trong đoạn này có ba câu, ba câu này là ba đoạn nhỏ. Hôm qua chúng tôi đã giới thiệu qua câu thứ nhất, hôm nay chúng tôi tiếp tục giới thiệu câu thứ hai: “Phát Bồ-đề tâm, nhất hướng chuyên niệm, A Di Đà Phật”.

Tôi nghĩ các đồng tu chúng ta đã nghe câu “phát Bồ-đề tâm” rất nhiều rồi, trong nhà Phật thường hay nhắc đến, nhưng cái gì là Bồ-đề tâm thì đại khái người thật sự có thể hiểu không nhiều. Cách phát Bồ-đề tâm như thế nào, người hiểu được điều này thì càng ít hơn. Ở chỗ này, thượng phẩm, trung phẩm, hạ phẩm, ba bậc đều nói phải phát Bồ-đề tâm, phải nhất hướng chuyên niệm A Di Đà Phật. Do vậy mới biết chúng ta không thể không có sự nhận biết về việc phát Bồ-đề tâm. Chú giải của lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ nói tông chỉ của bộ kinh chính là câu này, tông chỉ chính là phương hướng mục tiêu tu hành, do vậy mới biết nó vô cùng quan trọng.

Đại Sư Ấn Quang cả cuộc đời của Ngài là tự hành hóa tha, thực tại mà nói là chỉ có 16 chữ, nếu thật sự làm được 16 chữ này của Ngài thì trở thành một vị tổ sư. Mười sáu chữ này chính là “Đôn luân tận phận, nhàn tà tồn thành. Tín nguyện trì danh, cầu sanh Tịnh Độ” (Giữ vẹn luân thường, làm tròn bổn phận, ngăn dứt lòng tà, giữ tâm chân thành, tín nguyện trì danh, cầu sanh Tịnh Độ). Tám chữ “Đôn luân tận phận, nhàn tà tồn thành” (giữ vẹn luân thường, làm tròn bổn phận, ngăn dứt lòng tà, giữ tâm chân thành) này nếu bạn có thể làm được thì chính là thiện nam tử, thiện nữ nhân mà trong kinh đã nói, có thể thấy được bạn đã có đủ điều kiện làm đệ tử Phật. Hai câu tiếp theo là “Tín nguyện trì danh, cầu sanh Tịnh Độ”. Nếu bạn thực hiện được câu “tín nguyện trì danh” này thì nhất định bạn được sanh Tịnh Độ, lời của Ngài nói rất là đơn giản.

Tín nguyện chính là phát Bồ-đề tâm, trì danh tức là nhất hướng chuyên niệm A Di Đà Phật. Bạn xem Ngài đã rút gọn câu kinh 8 chữ này lại còn 4 chữ “tín nguyện trì danh”. Nói tín nguyện trì danh hình như mỗi người chúng ta đều có phần, chúng ta đều tin tưởng, đều mong muốn cầu sanh Thế giới Tây Phương Cực Lạc. Phía trước tôi đã chia sẻ với quý vị, tín tâm, nguyện tâm của mỗi người sâu cạn, rộng hẹp khác nhau, cho nên vãng sanh Thế giới Tây Phương Cực Lạc thì có 4 cõi, 3 bậc, 9 phẩm khác nhau. Tín nguyện phải đạt đến tiêu chuẩn nào thì mới có thể vãng sanh? Điều này chúng ta không thể không biết, bạn muốn hỏi tiêu chuẩn như thế nào thì vẫn là phải y theo Kinh Vô Lượng Thọ. Kinh Vô Lượng Thọ nói rất rõ ràng tín nguyện là phát Bồ-đề tâm. Bồ-đề tâm chính là ba tâm mà trong Kinh Quán Vô Lượng Thọ đã nói, trong Quán Kinh nói là “chí thành tâm, thâm tâm, hồi hướng phát nguyện tâm”. Trong Đại Thừa Khởi Tín Luận cũng nói ba tâm là “chân tâm, thâm tâm, đại bi tâm”. Chúng ta đem kinh luận kết hợp lại thì càng rõ ràng hơn. Trong luận nói là trực tâm, trong kinh thì gọi là chí thành tâm, do vậy mới biết chí thành tâm chính là trực tâm, trực tâm chính là chí thành tâm. Chí thành là chân thành đến tột đỉnh, nên gọi là chí thành. Nếu y theo tiêu chuẩn này thì Bồ-đề tâm liền phát, vậy thì thật sự chúc mừng bạn. Vì sao vậy? [Bạn] siêu phàm nhập Thánh, chân thành đạt đến cực độ, tâm của bạn là chân, không phải là vọng. Chúng ta xem thấy trong Kinh Hoa Nghiêm, vừa phát Bồ-đề tâm thì được địa vị gì? Là phát tâm trụ, bạn phát cái tâm này rồi thì bạn thật sự trụ trong Bồ-đề tâm. Viên Giáo Sơ Trụ Bồ-tát, Biệt Giáo Sơ Địa Bồ-tát, chúng tôi thường gọi là Pháp Thân Đại Sĩ. Vừa phát Bồ-đề tâm thì đó là Pháp Thân Bồ-tát, không phải là người phàm, không những bạn ra khỏi sáu nẻo mà còn ra khỏi 10 pháp giới, đây là tiêu chuẩn của Bồ-đề tâm.

Do vậy mới biết tín nguyện là Bồ-đề tâm, thứ bậc trong tín nguyện thì rất nhiều. Đạt đến tiêu chuẩn này, chính là tiêu chuẩn của Bồ-đề tâm mà kinh luận đã nói thì vãng sanh Thế giới Tây Phương Cực Lạc, không phải là Phàm Thánh Đồng Cư Độ, cũng không phải Phương Tiện Hữu Dư Độ, mà là vãng sanh thượng phẩm của Thật Báo Độ. Cho nên phía trước tôi đã chia sẻ với quý vị, cổ Đại đức trước thời Tùy Đường đều nói thượng bối (ba phẩm thượng) là Bồ-tát tứ địa trở lên cầu vãng sanh, cũng không phải là không có đạo lý. Vì sao vậy? Tiêu chuẩn của Bồ-đề tâm cao như vậy, nói phàm phu chúng ta chỉ vãng sanh ba phẩm hạ cũng có lý. Cách nói này đã bị Đại Sư Thiện Đạo phủ nhận. Đại Sư Thiện Đạo là A Di Đà Phật tái lai, khuyến khích phàm phu chúng ta phải chăm chỉ, phải nỗ lực. Vậy thì phàm phu chúng ta trong đời này có thể đạt được tiêu chuẩn Bồ-đề tâm như trong kinh luận đã nói không? Xin thưa với quý vị là chắc chắn đạt được. Vấn đề là bản thân mình có chịu làm hay không. Nếu bản thân bạn thật sự chịu làm thì 10 năm, 20 năm , 30 năm nâng tâm Bồ-đề lên đến tiêu chuẩn này sẽ không phải là chuyện khó. Chúng ta xem trong Tịnh Độ Thánh Hiền Lục, xem trong Truyện Vãng Sanh, xác thực là có người đã làm được. Điều này trong niệm Phật gọi là niệm đến lý nhất tâm bất loạn, những trường hợp này được nêu lên rất nhiều trong kinh luận. Như là trong Quán Kinh phu nhân Vi-đề-hi thật sự là tâm vô thượng Bồ-đề, vãng sanh thượng phẩm thượng sanh. Trong số những vị cư sĩ, hôm qua đã giới thiệu với quý vị cư sĩ Lưu Di Dân, những vị này cũng là vãng sanh thượng phẩm. Tại sao người khác làm được mà chúng ta làm không được? Chẳng có gì khác, họ có thể buông bỏ được, chúng ta làm không được là do không buông bỏ được, nhiều việc cứ canh cánh trong lòng bạn, bạn không thể thoải mái triệt để buông bỏ, chỉ như vậy nên mới có sự chướng ngại.

/ 374