/ 374
597

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 335

Xin mời mở kinh ra, khoa hội trang 49, bắt đầu xem kinh văn hàng thứ ba, chúng ta đọc qua một đoạn ngắn.

Kỳ thượng bối giả, xả gia khí dục nhi tác Sa-môn, phát Bồ-đề tâm, nhất hướng chuyên niệm A Di Đà Phật, tu chư công đức, nguyện sanh bỉ quốc.

Đến chỗ này là một đoạn, trong đoạn này có ba đoạn nhỏ, trong khoa phán các vị thấy rất rõ ràng, đây là không nói đến nhân quả của tam bối, chính là trồng nhân gì thì được cái quả đó, nghiệp nhân quả báo tơ hào không sai. Đạo lý này chúng ta nhất định phải hiểu, thế xuất thế gian pháp đều không rời nguyên lý nguyên tắc của nhân quả, bất luận là thế gian pháp hay Phật pháp đều không rời khỏi nhân quả. Kinh này Thế Tôn giới thiệu khái lược cho chúng ta, chia những người vãng sanh thành ba loại lớn.

Trước tiên là nói thượng bối, bạn xem nhân của họ là “xả gia khí dục, nhi tác sa-môn”. Từ xưa đến nay rất nhiều Đại đức vẫn còn thảo luận, [người] vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc, thượng bối vãng sanh chính là thượng tam bối, phàm phu chúng ta cuối cùng có phần hay không? Cổ Đại đức thời xưa giảng pháp, thời xưa chính là nói trước thời Đại sư Thiện Đạo đời Đường, cổ Đại đức nói vãng sanh ba phẩm thượng là Bồ-tát không phải phàm phu, phàm phu không có phần. Hơn nữa còn nói, [vãng sanh] thượng thượng phẩm là tứ địa đến thất địa Bồ-tát, điều này thì cao, còn thượng trung phẩm là từ sơ địa đến tứ địa. Nói cách khác, trung phẩm trung sanh trở xuống mới là phần vãng sanh của phàm phu, các vị Đại đức trước thời Tùy Đường đã nói như vậy. Nếu theo cách nói này thì những lời nói như “đại nguyện vô thượng của A Di Đà Phật ở Tây Phương Tịnh Độ là vi diệu vô cùng; pháp môn trì danh này là đạo dễ hành; vãng sanh thù thắng chẳng gì bằng” đều là giả, không phải là thật. Phàm phu chúng ta chỉ có thể vãng sanh ba phẩm hạ?! Sự việc này được tranh luận rất lâu, đã mấy trăm năm rồi vẫn còn tranh luận, mãi đến khi Đại sư Thiện Đạo xuất hiện.

Có truyền thuyết đáng tin cậy rằng Đại sư Thiện Đạo là hóa thân, là A Di Đà Phật tái lai, lời của Đại sư Thiện Đạo chính là lời của A Di Đà Phật nói, chúng ta không nên hoài nghi. Đến việc nói Đại sư Thiện Đạo là hóa thân, là A Di Đà Phật tái lai, người Nhật cũng có cái truyền thuyết này. Lúc tôi đi thăm Nhật Bản, người Nhật cũng nói với tôi giống như vậy, họ khẳng định rằng Đại sư Thiện Đạo là A Di Đà Phật, Đại sư Trí Giả là Thích-ca Mâu-ni Phật, người Nhật Bản đối với hai vị này vô cùng tôn kính. Ở Trung Quốc đối với Đại sư Thiện Đạo hình như [mọi người] chưa biết rõ, ở Nhật Bản đi đến đâu cũng đều có tượng của Đại sư Thiện Đạo, tượng khắc bằng đá, được thờ trong tổ đường của các ngôi chùa. Cho nên chúng tôi đi đến các tổ đình ở Nhật Bản, nhìn thấy tượng của những vị Tổ sư Đại đức, chúng tôi không thể không hổ thẹn, người Trung Quốc không bằng người Nhật Bản, người Nhật Bản rất tôn kính các vị Tổ sư. Rất nhiều ngôi tự viện được đặt tên là Thiện Đạo, gọi là chùa Thiện Đạo, cho nên bạn vừa nhìn thấy ngôi chùa có tên là Thiện Đạo thì nhất định là chùa tu Tịnh Độ. Đại sư Thiện Đạo là vị tổ thứ hai của Tịnh Độ tông chúng ta, sơ tổ là Ngài Huệ Viễn, nhị tổ chính là Đại sư Thiện Đạo. Đại sư Trí Giả là sơ tổ của tông Thiên Thai, tông Thiên Thai cũng truyền đến Nhật Bản, tông Thiên Thai ở Nhật Bản cũng rất hưng thịnh. Chúng tôi nhìn thấy hình vẽ cũng như tượng của các vị Tổ sư ở Nhật Bản là nhiều nhất. Đại sư Thiện Đạo dẫn chứng từ kinh điển, phủ định cách nói của cổ nhân, bạn xem Tứ Thiếp Sớ, cũng chính là Kinh Quán Vô Lượng Thọ Sớ Sao, là của Đại sư Thiện Đạo, ở đây có nói đến, Ngài nói: “Khán thử quán kinh định thiện”. Tức là Kinh Quán Vô Lượng Thọ nói cùng với ý nghĩa của kinh văn về tam bối thượng hạ, sau khi Phật nhập diệt rồi, “ngũ trược phàm phu, đãn dĩ ngộ duyên hữu dị, trí lệnh cửu phẩm sai biệt” (phàm phu ngũ trược do bởi gặp duyên không như nhau mà khiến có chín phẩm). Lời nói này rất là hay, chúng ta xác thực là phàm phu ngũ trược ác thế, chính là chỉ chúng ta hiện nay. Chúng ta hiện nay tu pháp môn này, tương lai vãng sanh phẩm vị cao thấp, thực tại mà nói là do bạn gặp duyên không giống nhau, bạn gặp được duyên thù thắng thì có thể bạn vãng sanh thượng tam phẩm, gặp phải duyên không tốt thì có thể vãng sanh hạ phẩm, lời này nói như thế nào? Đại sư Thiện Đạo nói, người sanh ba phẩm thượng là gặp đại phàm phu, người sanh ba phẩm trung là gặp tiểu phàm phu, người sanh ba phẩm hạ là gặp ác phàm phu. Kinh văn ở phần sau còn nói: “Dĩ ác nghiệp cố, lâm chung tịch thiện, thừa Phật nguyện lực, nãi đắc vãng sanh, đáo bỉ hoa khai, phương thỉ phát tâm, hà đắc ngôn thị thỉ học Đại Thừa nhân dã, nhược tác thử kiến, tự thất ngộ tha, vi hại tư thậm”. Mấy câu này nói rất hay, bởi vì ngày xưa những vị Đại đức nói rằng hạ bối là bạn vừa mới bắt đầu học Đại thừa, là những người phàm phu như vậy; trung bối, thượng bối đều là Bồ-tát. Đại sư Thiện Đạo nói kiểu kiến giải này làm lầm lạc chính mình, cũng làm cho người khác lầm lạc, lời nói này rất hay, nhưng chúng tôi vẫn muốn nói thêm mấy câu, nếu không thì rất khó hiểu. Nói tóm tắt lại là ý nghĩa của đoạn này, sau khi Thích-ca Mâu-ni Phật thị hiện nhập Niết-bàn, chính là Phật không còn ở thế gian này nữa, chúng sanh ở thế gian này khổ, không có người để nương tựa, thứ duy nhất có thể nương tựa ở trong đời này đó là nương theo pháp môn này thì đáng để nương tựa chắc chắn thành tựu. Lời này cũng là do Đại sư Thiện Đạo nói: “Vạn người tu vạn người đi”.

/ 374