/ 374
673

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 334

Bạn ở thế giới Tây Phương Cực Lạc 12 kiếp thì đã thành tựu rồi, bạn mới hiểu được sự thù thắng của thế giới Tây Phương Cực Lạc, bạn mới biết được vì sao mà chư Phật Như Lai lại tán thán Tây Phương Tịnh Độ, vì quá hiếm có, bạn đi không được thì cũng hết cách. Còn nếu bạn đi được thì so sánh với hết thảy thế giới, nơi đó là lớp cấp tốc, cấp tốc nhưng cũng rất hiếm có, thành tựu của lớp cấp tốc tuyệt đối không thua gì với người tu ba đại A-tăng-kỳ kiếp. Nói lời thành thực thì chỉ có cao minh hơn chứ tuyệt đối không thua kém, bạn nói việc này thù thắng biết bao. Cho nên loại cơ hội này đích thực là như trên Kệ Khai Kinh đã nói “trăm nghìn muôn kiếp khó tìm cầu”. Chúng ta trong đời này được thân người, gặp được Phật pháp, lại gặp được pháp môn này, gặp được kinh điển tốt đến như vậy là vô cùng hiếm có, đáng phải vui mừng, phải nắm giữ cái cơ duyên này cho tốt, ngàn lần không nên để cho luống qua. Nên biết trong đời này gặp được là một việc không hề dễ dàng, cư sĩ Bành Tế Thanh nói: “Từ vô lượng kiếp đến nay hiếm có mới gặp được ngày này”, chúng ta đã gặp được rồi!

Chúng tôi tu học pháp môn này, gặp cũng không ít khổ nạn. Mấy năm trước, âm thanh phản đối bản hội tập này vang tận mây xanh, họ chỉ đích danh để hủy báng và sỉ nhục. Từ ngôn ngữ đến văn tự, trên báo tạp chí, có một số đồng tu gửi đến cho tôi xem, còn có một số đồng tu hảo tâm muốn tập hợp lại thành một nhóm để phản bác lại, đến nói với tôi, tôi liền ngăn cấm. Tôi nói tuyệt đối không thể, họ mắng cứ để họ mắng, mắng mệt rồi thì họ không mắng nữa, viết cứ để họ viết, viết mệt rồi thì họ sẽ không viết nữa, nhất định không được đụng đến họ. Hai người cãi nhau càng cãi thì càng hăng, không có chỗ dừng, nếu người này mắng mà người kia thì một câu cũng không nói, mắng chừng hai tiếng đồng hồ thì họ sẽ không mắng nữa. Đánh nhau cũng vậy, hai người đánh nhau thì đánh rất hăng, nếu một người đánh còn một người nằm xuống đất thì người kia không thể đánh nữa, còn đánh gì nữa chứ? Vì vậy tôi dạy mọi người, người ta mắng thì mình không mắng trả, đánh thì không đánh trả, cứ mặc họ. Đến nay thì tiếng phản đối không còn nữa, mọi người viết mãi rồi cũng mệt, họ sẽ không viết nữa, mỗi người tự mỗi người tu, bạn không tin nhưng tôi tin.

Trong vô lượng pháp môn, ưa thích một pháp môn nào cũng tốt, không có chuyện không tốt, nhưng chúng ta phải giữ nguyên tắc mà Thế Tôn đã giáo huấn, tuyệt đối không phê bình pháp môn của người khác. Đây là học từ đâu vậy? Là học từ Kinh Hoa Nghiêm, bạn xem Thiện Tài đồng tử 53 tham, pháp môn mà 53 vị thiện tri thức tu đều không tương đồng, không giống nhau, nhưng thái độ tu học của những vị thiện tri thức này đều là tự mình khiêm hư tán thán người khác. Đây là làm hình mẫu cho chúng ta thấy, là làm gương. Cho nên chúng ta đối với pháp môn chính mình tu thì khiêm hư, người ta hỏi bạn vì sao lại tu Tịnh Độ? “Tôi rất dốt, tôi không thông minh, tôi không có đủ thông minh trí huệ để đi nghiên cứu kinh giáo, cũng không có thiện căn sâu dày để đi tham thiền, đành phải niệm A Di Đà Phật thôi”. Đối với pháp môn của người khác thì tán thán, tự trách không bằng người, những lời này đều là thật không phải giả. Lão lão thật thật mà tu cái pháp môn này, hy vọng có thể trong thời gian không dài lắm, 3-5 năm chúng ta có thể lấy được phần Tây Phương Tịnh Độ. Chân thật lấy được rồi, cũng chính là nói bạn có thể vãng sanh, điều kiện của việc vãng sanh đã chín muồi, điều kiện chín muồi thì bạn có cần đi không? Vậy thì bạn phải có trí huệ của chính mình, có cần đi hay không? Vào lúc này không phải là nghiệp nhân nào khác, mà là có duyên với chúng sanh hay không, có duyên với chúng sanh vậy thì bạn hãy trụ lại thêm vài năm, bạn phải giúp đỡ chúng sanh, không có duyên vậy thì mau chóng đi, không chút chậm trễ, phải hiểu được cái đạo lý này. Người chân thật có đủ điều kiện để vãng sanh thì nhân tố để họ cân nhắc là như vậy. Thế nào gọi là có duyên? Thế gian này vẫn còn có người mong muốn học ở bạn, vẫn còn có người sẵn lòng nghe theo bạn, đây chính là có duyên, bạn không thể không giúp đỡ họ. Nếu bạn không giúp đỡ họ thì bạn có lỗi với họ, không thể chỉ biết lo cho mình, mà phải chăm lo cho người khác nữa. Thế nào thì gọi là không có duyên? Thế gian này không có ai muốn nghe bạn nữa, họ khởi cái tâm phiền chán bạn, nếu ở trong tình trạng như vậy thì bạn có thể đi được rồi, đối với thế gian này nhất định là không có lưu luyến gì nữa, thân cận A Di Đà Phật, đến Thế Giới Cực Lạc để tiến tu, nâng cao đức hạnh của chính mình, nâng cao trí huệ của chính mình. Đợi nhân duyên chín muồi, trong nhà Phật thường gọi “duyên chín muồi” là “thừa nguyện tái lai”, lại quay trở lại.

/ 374