729

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 316

Cổ nhân có một câu nói hay vô cùng, càng nghĩ càng thấy có đạo lý: “Lai thuyết thị phi giả, tiện thị thị phi nhân”, (người ưa nói chuyện thị phi chính là người thị phi). Chính những người thích thị phi đang tạo ra động loạn cho xã hội, đang phá hoại hòa bình của thế giới. Bạn thấy nó nguy hiểm như thế nào! Cho nên, học Phật phải học chân thật, không nên giả dối. Bạn học chân thật thì bạn có công đức chân thật, thật sự tăng trưởng trí huệ, tiêu trừ nghiệp chướng. Nếu bạn không tu học chân thật, bạn sẽ không có trí huệ, nghiệp chướng mỗi ngày tăng trưởng. Như vậy bạn có thể ra khỏi lục đạo luân hồi không? Quả báo vẫn là ở trong ba đường ác.

Chúng ta phải đặc biệt xem trọng chữ “thiện” ở trong Kinh. Thượng thiện là đã làm được trọn vẹn Tịnh Nghiệp Tam Phước. Điều này không phải dễ. Điều đầu tiên của thượng thiện là “phát tâm Bồ-đề”. Những người phát tâm Bồ-đề là ai vậy? Là Pháp Thân Bồ-tát (Bồ-tát Phát Tâm Trụ, Viên Giáo Sơ Trụ, Biệt Giáo Sơ Địa). Tâm Bồ-đề vừa phát thì không những ra khỏi sáu nẻo mà còn ra khỏi mười pháp giới. Bồ-đề tâm là gì? Trong những năm gần đây, chúng tôi nói rất đơn giản, rất rõ ràng: Bồ-đề tâm là tâm chân thành, tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng, tâm chánh giác, tâm từ bi. Trong Kinh luận đều nói ba tâm, tôi thì nói năm tâm. Trên thực tế thì năm tâm và ba tâm có cùng ý nghĩa. Tâm chân thành là thể của Bồ-đề tâm, bốn tâm còn lại là khởi dụng của tâm Bồ-đề, Thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác là tự thọ dụng. Danh tự trong Kinh luận gọi là thâm tâm. Từ thâm tâm này khó hiểu, cho nên chúng tôi dùng ba danh tự này từ tựa đề của Kinh Vô Lượng Thọ (Kinh Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng giác). Thâm tâm này là tự thọ dụng, từ bi tâm là tha thọ dụng.

Chúng ta ngày nay điên đảo, chúng ta chỉ từ bi với chính mình mà không từ bi đối với người khác. Thâm tâm hoàn toàn không có, cho nên thanh tịnh, bình đẳng, giác cũng hoàn toàn không có. Thanh tịnh, bình đẳng, giác chính là giác, chánh, tịnh. Trong bốn câu của Tam Phước (phát Bồ-đề tâm, tin sâu nhân quả, đọc tụng Đại Thừa, khuyến tấn hành giả) có tự hành, có hóa tha. Điều đầu tiên là phát tâm. Khởi tâm động niệm nhất định phải tương ưng với thanh tịnh, bình đẳng, giác, vậy là bạn đã thật sự phát Bồ-đề tâm rồi. “Đọc tụng Đại Thừa” là tự lợi. “Tin sâu nhân quả”, nhân quả này không phải là nói nhân quả thông thường, đây là nói “niệm Phật là nhân, thành Phật là quả”. Không nghi ngờ nhân quả này, tâm là tâm Phật, nguyện là nguyện của Phật, hạnh là hạnh của Phật, lời nói là lời nói của Phật, làm sao mà không thành Phật được! Cho nên, trong đời này nhất định thành Phật. Trong Kinh Hoa Nghiêm, Thiện Tài Đồng Tử đã thể hiện một tấm gương tốt cho chúng ta xem.

Sau cùng là câu “khuyến tấn hành giả”. Câu này là để độ tha. Trong mười một câu của Tịnh Nghiệp Tam Phước, mười câu đầu là tự lợi, câu cuối cùng là lợi tha. Ý nghĩa này rất sâu sắc, bản thân bạn chưa có được tự lợi thì bạn không có cách nào để lợi tha. Tại sao vậy? Chúng ta đều đã học giảng Kinh thuyết pháp, mỗi ngày giảng cho người khác nghe, người nghe sẽ không tin. Tại sao họ không tin? Vì bản thân người giảng Kinh không làm được. Người khác nghe xong thì gật đầu, sau khi trở về thì lắc đầu. Tại sao vậy? Lúc nghe thì thấy hay, khi về thì tại sao lại lắc đầu? Vì họ nghĩ đã bị lừa gạt. Ông ấy bảo tôi làm mà bản thân ông ấy không làm. Cho nên chẳng có ai tin. Tại sao chư Phật Như Lai, những vị đại Bồ-tát giảng Kinh thì người ta tin? Vì các Ngài làm được. Từ xưa đến nay, trong các ngành nghề của thế gian, làm công việc nào là tốt? Xin nói với bạn, trong các ngành nghề thế, xuất thế gian, làm công việc dạy học là vĩ đại nhất. Công việc dạy học là sự nghiệp cao quý nhất. Trong đời này không gặp được phước báu, dạy học cả một đời, nghèo khổ cả một đời, nhưng về sau phước báu lớn vô cùng.

Bạn hãy xem Khổng Tử. Khổng Tử bị bức bách, cuối cùng phải trở về quê nhà để dạy học. Khi trở về nhà làm nghề dạy học, ông đã 68 tuổi. Ông sống đến 73 tuổi, chỉ dạy học có năm năm. Sau khi ông chết, mỗi huyện thị của Trung Quốc đều xây miếu thờ ông. Điều này thật tuyệt vời, có vị hoàng đế nào sánh được như ông? Người ta thường nói là bất luận làm ngành nghề gì, cho dù là làm hoàng đế cũng không có cách nào sánh bằng ông. Bạn xem, có biết bao nhiêu người tôn kính ông! Từ ở chỗ này có thể biết được, công tác giáo dục là tuyệt vời nhất, cái đức này là quá lớn. Khổng Tử vì sao lại có đức lớn như vậy? Vì những điều ông dạy thì ông đều làm được. Làm được rồi, sau đó mới dạy người thì người ta mới tin. Làm không được mà dạy người thì người ta không tin. Chúng ta nhất định phải biết đạo lý này. Các vị Pháp sư trẻ nếu trong tương lai phát tâm giảng Kinh thuyết pháp, trước tiên phải thực hiện được những điều đã nói trong Kinh giáo. Thí dụ như bạn nói “thiện nam tử, thiện nữ nhân”, thì bản thân bạn có tiêu chuẩn thiện chưa? Nếu như không làm được điều nào trong Tịnh Nghiệp Tam Phước, đương nhiên bạn giảng Kinh thì người ta sẽ không tin. Nhất định bản thân mình phải làm được. Đã phát tâm giảng Kinh, ít ra bạn phải làm được hai điều là “thọ trì tam quy, cụ túc chúng giới”, thì bạn mới có thể cảm hóa chúng sanh. Làm được ba điều mới là tiêu chuẩn của Pháp sư hoằng pháp. Nếu như bạn làm được cả ba điều, trong Kinh nói: Nhược dĩ sanh, nhược đương sanh”, nói là đã vãng sanh, tương lai sẽ vãng sanh, trong đó thiếu một điều là hiện tại vãng sanh. Có nói quá khứ, có nói vị lai, thì hiện tại tự nhiên đã có ở trong đó.