PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ
TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 315
NGUYỆN THỨ 22: QUYẾT CHỨNG CỰC QUẢ
Phẩm Kinh văn này tổng kết y chánh trang nghiêm của thế giới Cực Lạc, là Thế Tôn giới thiệu cho chúng ta thế giới Cực Lạc. Phân đoạn trong phẩm này chính là Phật muốn nói với chúng ta sự tán thán của mười phương chư Phật đối với thế giới Cực Lạc, cũng chính là lòng kính trọng đối với A-di-đà Phật. Mười phương tất cả chư Phật đều kính trọng A-di-đà Phật, trên thực tế là biểu diễn cho chúng ta xem, hy vọng là chúng ta nghe rồi, thấy rồi thì khởi lòng ngưỡng mộ A-di-đà Phật và thế giới Cực Lạc. Nhất định trong đời này phải cầu vãng sanh, không nên bỏ phí cuộc đời này nữa. Những người sanh đến thế giới Tây Phương, sống và học tập ở thế giới Tây Phương và đi đến thế giới phương khác tham học, Thế Tôn đều giới thiệu cho chúng ta ở trong Kinh.
Kinh văn: “Phục thứ A-nan! Bỉ Phật quốc độ, vô hữu hôn ám, hỏa quang, nhật, nguyệt tinh diệu, trú dạ chi tượng. Diệc vô tuế nguyệt, kiếp số chi danh, phục vô trụ trước gia thất. Ư nhất thiết xứ, ký vô tiêu thức danh hiệu, diệc vô thủ xả phân biệt, duy thọ thanh tịnh, tối thượng khoái lạc”.
Đoạn Kinh văn này có ba đoạn nhỏ, trong khoa hội đều đã thể hiện. Đầu tiên, chúng ta thấy thế giới Cực Lạc không giống với thế giới của chúng ta. Thế giới này của chúng ta có ban ngày, ban đêm, thế giới Tây Phương Cực Lạc là một vùng quang minh, không có ban đêm, không có bóng tối. Dù là bạn đang ở trong nhà, trong ngôi nhà nhất định là không có ánh đèn. Ở bên ngoài bạn cũng không nhìn thấy mặt trời, mặt trăng, ánh sao. Vậy là có mặt trời, mặt trăng không? Cổ đại đức nói với chúng ta, mặt trời, mặt trăng đương nhiên là tồn tại. Vậy tại sao không nhìn thấy? Người ở thế giới Cực Lạc, không chỉ A-di-đà Phật phóng quang, mà mỗi người cũng đều phóng quang, mỗi loại vật chất cũng đều phóng quang. Ánh quang minh này che khuất ánh sáng của mặt trời, mặt trăng, cho nên tuy là có mặt trời, mặt trăng nhưng không nhìn thấy. Cũng giống như ban ngày chúng ta nhìn không thấy ngôi sao vậy. Thật sự là các vì sao trong không trung ban ngày cũng như ban đêm đều nhiều như nhau, nhưng tại sao ban ngày nhìn không thấy? Vì ánh sáng mặt trời quá mạnh nên không nhìn thấy ánh sáng của các vì sao. Chúng ta biết được đạo lý này thì chúng ta hiểu được ý nghĩa của Kinh văn. Phật, Bồ-tát và bản thân chúng ta đều phóng quang, tất cả vạn vật đều phóng quang, cho nên ánh sáng của mặt trời, mặt trăng không biểu lộ ra được. Trong Kinh thường nói, phóng quang vượt qua ánh sáng của mặt trời, mặt trăng. Thật vậy, điều này không phải giả chút nào, bởi vì thế giới Tây Phương Cực Lạc không có ngày và đêm. Thời gian ở nơi đây của chúng ta là do sự thay đổi của ngày đêm mà có, trên thực tế là không có thời gian. Thế giới Tây Phương Cực Lạc không có ngày đêm, cho nên ở cõi đó không có thời gian, cũng không có ngày giờ, tháng năm. Thế giới Cực Lạc là vô lượng thọ.
Chúng ta biết rằng vãng sanh đến thế giới Tây Phương tất cả đều là hóa sanh. Bốn loại trạng thái này là thai sanh, noãn sanh, thấp sanh, hóa sanh. Bậc cao cấp nhất là hóa sanh. Hóa sanh thì không khổ. Thai sanh, noãn sanh, thấp sanh thì có khổ. Có khổ là bị mê khi cách ấm. Thế giới Tây Phương thì không bị mê khi cách ấm, là hóa sanh nên họ không bị khổ.
Hoàn cảnh cư trú của họ, phước báu rất lớn. Phước báu này không phải do chính mình tu được, mà do sự gia trì từ 48 nguyện oai thần của A-di-đà Phật. Nhưng nếu chúng ta tỉ mỉ mà nghiên cứu, quan sát thì oai thần của A-di-đà Phật gia trì cũng có thể nói là phước báu của bản thân chúng ta. Tại sao vậy? Bản thân bạn có thể cầu sanh Tịnh Độ thì mới hưởng được phước báu lớn như vậy. Nếu như bạn không muốn vãng sanh, thì phước báu này cho dù là A-di-đà Phật có muốn gia trì cho bạn cũng không được. Cho nên, đối với thế giới Cực Lạc, chúng ta phải tin, phải nguyện, phải cầu vãng sanh Tịnh Độ, đây chính là đại trí huệ, đại phước báu của bạn. Không có trí huệ chân thật, đại phước báu chân thật thì không thể đi đến thế giới Cực Lạc.
Tại sao lại đến không được? Đó là do bạn có nghiệp chướng. Nghiệp chướng chính là bạn không muốn đi, đây chính là nghiệp chướng lớn nhất. Đối với thế giới Cực Lạc bạn chưa biết được nhiều, hiểu chưa được thấu triệt. Cho nên, không những phải đọc Kinh mà còn phải nghe Kinh. Ý nghĩa của Kinh rất sâu, rất rộng. Rất nhiều đồng tu mới học Phật không có cách nào hiểu được nghĩa của Kinh. Bạn nghe nhiều thì dần dần sẽ thông suốt, bạn sẽ thật sự sanh tín nguyện.