PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ
TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 317
Đoạn Kinh văn này nói hoàn cảnh của thế giới Tây Phương Cực Lạc trang nghiêm thù thắng vô cùng. Những người dân ở nơi đó “duy thọ thanh tịnh, tối thượng khoái lạc”, nên thế giới đó gọi là thế giới Cực Lạc. Nguồn gốc của thế giới Cực Lạc không phải dựa vào sự tưởng tượng viễn vông mà nói, đó là tình hình cuộc sống thực tế của Di-đà Tịnh Độ.
Bản Kinh giới thiệu y chánh trang nghiêm của thế giới Tây Phương Cực Lạc đến đây là đoạn cuối cùng, phần sau là mười phương chư Phật tán thán. Đối với chúng ta, việc chư Phật tán thán là sự khích lệ rất lớn, khiến cho chúng ta chân thật sanh khởi lòng ngưỡng mộ Di-đà Tịnh Độ, hy vọng chúng ta có thể sanh về nơi đó. Thuật ngữ hiện nay của chúng ta nói là di dân, chỉ có di dân đến thế giới Tây Phương Cực Lạc, trong một đời mới có thể thành tựu viên mãn vô thượng Bồ-đề. Đạo lý này cùng với chân tướng sự thật, trong những năm gần đây chúng tôi đã giảng rất nhiều lần. Tuy là nói rất nhiều, mọi người hình như cũng đều có nguyện vọng này. Nhưng tỉ mỉ mà quan sát, tôi mới phát hiện ra thật sự có không ít đồng tu có tâm và khẩu trái ngược nhau, không tương ưng. Học Phật kiểu này thì cả cuộc đời không tránh khỏi sự uổng phí. Sự uổng phí này là một chuyện phiền phức. Phiền phức ở chỗ nào vậy? Ở đây không thể không nói ra, chúng ta đều chưa hiểu rõ ràng lý và sự của sáu nẻo luân hồi ở thế giới Ta-bà. Nói là chưa hiểu rõ ràng giống như là chỉ hiểu có một nẻo luân hồi, nghiêm túc mà nói thì có thể nói là hoàn toàn không hiểu.
Năm nay, ở Đài Trung, thầy Giang Dật Tử sẽ triển lãm bức tranh Địa Ngục Biến Tướng Đồ. Ông dựa theo nội dung đã nói trong tác phẩm Ngọc Lịch của Đạo giáo mà vẽ ra. Tác phẩm Ngọc Lịch là một bộ sách khuyến thiện rất hay, cũng rất đáng được đề xướng. Do nhân duyên này, chúng tôi phải tiến hành thuyết minh, chú thích cho bức tranh này. Tôi đã tìm vài vị đồng tu, dùng thời gian hai tuần lễ để tra Đại Tạng Kinh, xem thử Thế Tôn vì chúng ta đã nói rõ tình trạng của địa ngục như thế nào. Bình thường chúng tôi hay tụng Kinh Địa Tạng Bồ-tát Bổn Nguyện, trong đó vẫn chưa nói đủ những chi tiết. Lần tra Đại Tạng Kinh này tổng cộng là tra 25 bộ. Kinh luận nói rất chi tiết, nói nhân như thế nào thì có quả báo như thế đó. Cùng giống chung một nhân nhưng động cơ không giống nhau, cách thức tạo nghiệp khác nhau thì quả báo sẽ khác nhau. Chúng tôi lần này phải làm cho thật rõ ràng, minh bạch. Tác phẩm Ngọc Lịch của Đạo giáo giống như cơ quan tòa án của thế gian chúng ta, chỉ là sự việc nhỏ, hình phạt không lớn lắm. Trong Kinh Phật của chúng ta nói nghiệp nhân quả báo chính là tòa án cao cấp, tòa án tối cao. Nhưng rất nhiều người chưa thấy tài liệu này, nên hiện nay chúng tôi phát tâm đem những Kinh văn nói đến địa ngục của 25 bộ Kinh luận ở trong Đại Tạng Kinh này trích lục ra thành một quyển sách có tựa đề là Chư Kinh Phật Thuyết Địa Ngục Tập Yếu. Chúng tôi muốn nhanh chóng cho lưu thông với số lượng lớn để mọi người được xem, được nghe những điều Thế Tôn nói với chúng ta như thế nào. Phần cuối có kèm theo sự giới thiệu của Thế Tôn về thiên đường, chủ yếu là giới thiệu với chúng ta về trời Dục Giới, nghiệp nhân gì thì được sanh thiên, nghiệp nhân gì sẽ bị đọa lạc. Sau khi hiểu rồi thì bản thân chúng ta mới có sự lựa chọn chính xác. Sự lựa chọn thù thắng nhất, chính xác nhất là lựa chọn Tịnh Độ Di-đà, tức thế giới Tây Phương Cực Lạc. Nếu bạn không biết được nghiệp nhân của thiên đường, địa ngục, bạn lựa chọn Tây Phương Tịnh Độ thì chưa chắc có thể vãng sanh. Nguyên nhân do đâu? Vì khởi tâm động niệm, lời nói việc làm vẫn không đổi, vẫn tạo nghiệp tội của địa ngục. Vậy thì làm sao có thể vãng sanh? Trong Kinh Di-đà nói với chúng ta rất rõ ràng, không thể lấy chút ít phước đức nhân duyên mà được sanh về nước đó, lại nói với chúng ta ở thế giới Tây Phương Cực Lạc “chư thượng thiện nhân câu hội nhất xứ”. Bạn nghĩ xem thiện căn phước đức của chúng ta nếu như không đủ thì không thể vãng sanh. Nếu như chúng ta không phải là thượng thiện thì không thể vãng sanh.
Trong các buổi giảng chúng tôi thường xuyên nhắc nhở, khuyến khích các đồng tu, Thế Tôn cùng với chư Phật, Bồ-tát hết lòng hết dạ dạy bảo chúng ta, bất luận là tu pháp môn nào, muốn trong một đời này thành tựu thì nền tảng tu học của bạn không thể không tốt. Cũng giống như xây nhà vậy, nền móng không thể không xây vững chắc. Nền móng mà không vững chắc, bất luận là xây nhà kiểu gì cũng sẽ bị sụp đổ, không thành công. Kiến thức này chúng ta đều biết, tu hành cũng không ngoại lệ.