/ 374
515

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 314

Đây là cộng nghiệp sở cảm. Nếu như bạn thật sự giác ngộ rồi, từ nay về sau không phê bình người khác nữa, vậy là bạn đã tu đại công đức. Tại sao vậy? Vì từ nay về sau bạn không phá hoại sự an định của xã hội nữa, bạn không phá hoại hòa bình của thế giới nữa. Công đức này của bạn lớn biết bao! Tuy nhiên, người thế gian không ai khen ngợi bạn. Tại sao vậy? Vì người thế gian không biết, tôi thì biết, nên tôi khen ngợi bạn. Xin nói với bạn là chư Phật Bồ-tát thì biết, thiên long thiện thần cũng biết.

Trước tiên tu từ khẩu nghiệp. Kinh Vô Lượng Thọ vừa mở đầu là dạy chúng ta: Khéo giữ khẩu nghiệp, không nói lỗi người”. Phật thật sự từ bi đến cực độ. Chẳng những miệng không nói chuyện, không nên nói lỗi của người khác, mà trong tâm cũng không nên ghi nhớ, không thể có ý niệm này. Chúng ta phải nuôi dưỡng cho tâm thanh tịnh. Tâm của chúng ta phải giống như cái ly trà này, cái ly trà này hy vọng chứa đựng cái thiện nhất, cái đẹp nhất của tất cả chúng sanh, thì tâm chúng ta mới thiện mới đẹp. Tuyệt đối không nên chứa đựng rác rưởi của tất cả chúng sanh. Nếu chứa đựng điều bất thiện nhất, điều hư nhất, điều dơ bẩn nhất, điều ác nhất của chúng sanh thì tâm của chúng ta trở thành tâm xấu xa. Đạo lý này cũng dễ hiểu, thời thời khắc khắc tự mình phải chú ý. Nhìn thấy tất cả những điều bất thiện thì tuyệt đối không để trong tâm, tuyệt đối không nói ra. Tu hành là bắt đầu từ chỗ này. Con người vẫn có một mặt thiện, con người dù có ác nhưng trong cuộc đời của họ cũng có những việc làm đáng được khen ngợi. Chúng ta học Phật, ở trong Kinh Phật dạy cho chúng ta, tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, cổ Thánh tiên Hiền thì dạy chúng ta tánh của con người vốn là thiện, điều này chúng ta phải khẳng định.

Lúc ở Úc Châu, tôi cũng thường nói, trường Đại học Queensland có một vị giáo sư già, năm nay đã bảy mươi mấy tuổi rồi, đã nghỉ hưu. Ông là vị giáo sư rất tốt, chúng ta hay gọi là giáo sư nổi tiếng. Sau khi ông về hưu, không còn dạy học nữa, nhà trường có tặng cho ông bằng khen giáo sư danh dự. Ông được nhà trường khen tặng giáo sư danh dự, địa vị thân phận này rất cao, ông được nhà trường khẳng định. Có một hôm ông đến hỏi tôi: “Thưa Pháp sư Tịnh Không, Hitle cũng là người tốt phải không? ”. Tôi gật đầu nói đúng, bản tánh của ông ấy là thiện, ông ấy có Phật tánh. Ông ấy đã tạo nhiều tội ác, đó là tập tánh không phải là bản tánh. Chúng ta phải hiểu được điều này, vì ông ấy không gặp được người tốt để dạy cho ông. Cho nên những người làm công tác giáo dục, nhất định phải khẳng định con người tánh vốn thiện. Sự thành tựu của giáo dục là phải giáo dục người bất thiện trở thành người thiện, thì sự giáo dục của bạn đã thành công. Là chuyển ác thành thiện, chuyển mê thành ngộ, bậc cao nhất là chuyển phàm thành Thánh, thì sự giáo dục của bạn đã thành công. Tuyệt đối không thể nói người này bất thiện, người kia không có thiện căn, chúng ta khai trừ họ, như vậy thì sự giáo dục của bạn đã hoàn toàn thất bại rồi. Trong tăng đoàn của Thích-ca Mâu-ni Phật chưa thấy qua hai chữ khai trừ này. Phật luôn tận tâm để cảm hóa những vị đệ tử của Ngài, những người không có thiện căn thì thời gian cảm hóa dài một chút, những người có thiện căn sâu dày thì thời gian cảm hóa rất mau, chỉ có mấy tháng hoặc một, hai năm thì họ hồi đầu chuyển trở lại. Người có thiện căn kém một chút thì có khi phải cần đến vài năm, mười mấy năm, hai - ba mươi năm mới chuyển trở lại. Phật không bỏ họ. Trong cửa nhà Phật không bỏ một ai, đây gọi là giáo dục. Giáo dục nhất định phải bắt đầu làm từ nơi bản thân mình, cho nên Phật đã cảm hóa nhiều người như vậy.

Khổng Lão Phu Tử cũng cảm hóa được nhiều người như vậy, nguyên nhân là gì vậy? Những điều các Ngài đã nói cả thảy các Ngài đều làm được. Dạy bạn không vọng ngữ thì các Ngài đã làm được không vọng ngữ, dạy bạn không nói hai lời thì các Ngài làm được không nói hai lời, cho nên đệ tử không có ý kiến. Đời sau, những vị Pháp sư đại đức dạy học thì sức cảm hóa này rất yếu. Nguyên nhân là gì vậy? Dạy bạn không vọng ngữ nhưng họ vẫn vọng ngữ, người ta sẽ nói đây không phải là lừa gạt người hay sao? Người khác không tin, cho nên thành tích giảng dạy không bằng người xưa, hiệu quả dạy học không những không bằng Phật Bồ-tát, mà còn kém hơn tổ sư đại đức rất nhiều. Chúng ta biết đạo lý này thì bản thân mình nhất định phải nỗ lực chăm chỉ tu hành. Bản thân mình thật sự có thành tựu thì mới cảm hóa được người khác, mới có thể làm công tác dạy học. Ở thế gian này, trong tất cả các ngành nghề thì dạy học là công việc thù thắng nhất. Những người làm công việc dạy học đều là Thánh Hiền của thế gian, đều là người thông minh bậc nhất, đến thế gian này để hy sinh cống hiến. Trong Phật pháp có câu “cứu độ tất cả chúng sanh”, bản thân bạn phải làm gương cho mọi người thấy thì bạn nói người ta mới tin. Những điều Thích-ca Mâu-ni Phật nói cả một đời thì Ngài hoàn toàn làm được, tuyệt đối không có câu nào Ngài nói mà làm không được. Khổng Lão Phu Tử cũng nhưvậy, cả cuộc đời của Khổng Tử làm công tác dạy học chỉ có năm năm, thời gian không dài. Khổng Lão Phu Tử cũng là thị hiện ra. Lúc tôi vẫn còn đang cầu học, đã từng thỉnh giáo qua với thầy Lý là Khổng Lão Phu Tử có phải là Phật Bồ-tát ứng hóa ở Trung Quốc không? Thầy Lý trả lời, về mặt lý thì nói được thông, về mặt sự thì không có chứng cứ. Câu trả lời này chúng ta phải nên học tập. Về mặt lý thì nên lấy thân gì để độ thì liền hiện ra thân đó, về mặt sự thì không có chứng cứ, cho nên chúng ta khẳng định đó là Phật Bồ-tát tái lai. Thiện căn phước đức của người Trung Quốc so với người Ấn Độ xưa vẫn còn kém hơn một bậc. Người Ấn Độ xưa thích tu hành, luôn luôn mong muốn chấm dứt sanh tử ra khỏi tam giới, người Trung Quốc thì không có ý niệm này. Người Trung Quốc là cầu công danh phú quý, người Trung Quốc học hành trong ý niệm luôn luôn nhớ tam bất hủ là lập công, lập đức, lập ngôn, không có ý niệm xuất thế, cho nên không có ý niệm ra khỏi sáu nẻo sanh tử luân hồi. Phật Bồ-tát đến Trung Quốc thị hiện làm Khổng Tử, làm Mạnh Tử, điều này là có đạo lý. Cho nên Khổng Lão Phu Tử đã biểu hiện sự thành tựu đạo đức học vấn của bản thân mình. Chúng ta từ trình độ thấp nhất mà nói, sự thành tựu này chính là lời nói việc làm thống nhất, trong ngoài như một, không có một chút giả dối. Khổng Lão Phu Tử đã thật sự làm được. Ngài đã chu du liệt quốc, đi khắp nơi hoằng dương đạo lý của Ngài, không ai chịu dùng Ngài. Ngài cũng đã từng đi bái kiến rất nhiều chư hầu đại thần của rất nhiều quốc gia, họ nghe Ngài nói cũng rất tán thán, nhưng chẳng có ai mời thỉnh và trọng dụng Ngài. Cho nên cuối cùng Khổng Tử phải trở về quê nhà dạy học. Lúc đó Ngài đã lớn tuổi rồi. Ngài qua đời vào năm 73 tuổi. Ngài dạy học chỉ có năm năm, nhưng sự thành tựu của năm năm dạy học được hậu thế tôn xưng Ngài là Vạn Thế Sư Biểu. Ở mỗi huyện thị của đại lục Trung Quốc đều có xây miếu để tưởng niệm Ngài. Tôi nghĩ rằng lúc Khổng Lão Phu Tử còn tại thế vẫn không ngờ có chuyện này. Năm xưa nếu như có chư hầu nào thỉnh Ngài làm Tể tướng thì Ngài đi làm quan rồi. Tôi nghĩ sự thành tựu cao nhất của Ngài chỉ giống như Chu Công, Quản Trọng thôi. Những người này thì hậu thế không có xây miếu để tưởng nhớ họ. Từ ở chỗ này, chúng ta tỉ mỉ mà quan sát, thì công đức của việc dạy học là quá lớn.

/ 374