/ 374
572

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 308

Đã bị nhiễm tam độc, quay lại là tâm của bạn bị nhiễm ô. Đây là việc phiền phức, vĩnh viễn không thể giải quyết vấn đề. Trên thế giới này, năm ngoái xuất hiện dịch bệnh SARS truyền nhiễm. So với năm ngoái thì năm nay còn nghiêm trọng hơn. Hiện giờ có rất nhiều đồng tu hỏi tôi, dịch bệnh SARS này sẽ biến dạng, càng biến dạng càng độc hơn, dùng đến loại thuốc cuối cùng đã không còn cách nào khống chế được, việc này là do nguyên nhân gì tạo ra vậy? SARS là vi khuẩn mang bệnh độc, vi khuẩn vốn không độc, độc của nó là do truyền nhiễm. Ai truyền nhiễm cho nó vậy? Do tham sân si của chúng ta truyền nhiễm cho nó, sau đó nó truyền nhiễm lại cho chúng ta, một chuyện nhỏ rất bình thường. Cho nên bạn dùng tâm thương yêu, dùng tâm từ bi đối với nó thì độc của nó sẽ được hóa giải, không còn nữa. Thế nhưng bạn cố ý phải giết chết vi khuẩn này thì vi khuẩn này càng độc. Ý niệm giết này nhằm vào nó thì lập tức độc của nó sẽ tăng lên, cho nên đến cuối cùng nó đã thay đổi hình dạng mười mấy lần, càng thay đổi thì càng độc. Nguyên nhân là do đâu? Chính là ý niệm của con người chúng ta muốn tiêu diệt nó, muốn giết chết nó, cho nên nó thay đổi hình dạng, càng thay đổi càng độc. Nếu như bạn hiểu được đạo lý của Phật pháp, thông suốt chân tướng sự thật, chúng ta dùng tâm từ bi, tâm thanh tịnh đối xử với nó, thì độc của nó lập tức không còn. Phật pháp trị bệnh hay, trị bệnh rất dễ dàng. Cho nên gặp phải những chuyện như vậy, điều quan trọng nhất là tâm địa phải thanh tịnh, tâm địa phải từ bi, thì bạn sẽ không bị nhiễm bệnh; nó càng độc, truyền đến thân thể chúng ta thì liền được hóa giải, độc cũng không còn, bệnh cũng không còn. Trong y học hiện nay gọi là hệ miễn dịch, hệ miễn dịch của chúng ta là chân tâm, là chân thành, thanh tịnh, từ bi. Đây mới thật sự là hệ miễn dịch của chư Phật, Như Lai, tất cả chúng sanh ai ai cũng đều có, chẳng qua là bạn không biết sử dụng như thế nào mà thôi. Trong tâm của bạn mỗi ngày đều khởi tham sân si thì hết cách rồi, làm cho hệ miễn dịch của bạn bị phá hỏng rồi.

Trong Kinh nói “trần lao cấu tập tự nhiên bất khởi”. Câu nói này rất hay. Bạn xem, chẳng có một chút miễn cưỡng nào, không cần phải thêm bất kỳ ý nghĩa nào vào trong đó, rất là tự nhiên. Cho nên tâm địa từ bi, thanh tịnh, chân thành là quan trọng hơn tất cả. Đặc biệt là thời đại hiện nay có rất nhiều tai nạn, làm sao để có thể tiêu tai giải nạn? Chính là chân thành -thanh tịnh - bình đẳng - từ bi thì bạn có thể tiêu tai miễn nạn. Nếu như bạn có thể tu thêm chánh giác thì tốt, đối với tất cả nghiệp nhân quả báo bạn sẽ hiểu được rất rõ ràng, minh bạch, bạn có trí huệ.

**********************

Kinh văn: “Phong xúc kỳ thân, an hòa điều thích, do như tỳ kheo đắc diệt tận định”.

Đoạn này là nói “Diệu xúc”. Xúc là thân thể của chúng ta tiếp xúc, thân được diệu xúc. “Đức phong xúc thể, tự nhiên an lạc hòa hài, điều tâm thích ý”. Bạn nói xem, cảnh giới này vui vẻ bao nhiêu, tốt đẹp biết bao nhiêu. Ở chỗ này, Thế Tôn hình dung sự vui vẻ đó thí dụ giống như “Tỳ kheo đắc diệt tận định”. Diệt tận định là sự chứng đắc của A La Hán, chính là kiến tư phiền não cả thảy đều diệt tận. Bạn nên biết, nguyên nhân phàm phu không thể ra khỏi lục đạo là gì? Nguyên nhân chính là kiến tư phiền não. Kiến là kiến giải, kiến giải sai lầm, người thông thường chúng ta nói là nhìn thấy sai lầm. Tư là tư tưởng, tư hoặc. Hay nói cách khác, bạn nghĩ sai lầm, bạn thấy sai lầm, bạn tưởng sai lầm, đây là nguồn gốc của lục đạo luân hồi. Nếu như bạn không thể đem kiến giải tư tưởng của bạn tu chỉnh trở lại thì bạn vĩnh viễn không có cách nào để ra khỏi sáu nẻo luân hồi. Nói tổng quát là chúng ta đã nhìn sai ở chỗ nào? Trên thực tế mà nói thì nhìn sai rất nhiều, nói không hết!

Phật ở trong Kinh đem tất cả lỗi lầm của chúng ta quy nạp thành năm loại lớn.

Thứ nhất gọi là “thân kiến”. Thân kiến là lầm tưởng cái thân này chính là ta, bạn xem cái thân này chính là mình. Điều này đã nói với quý vị rồi, thân là cái ta sở hữu chứ không phải là ta, là phương tiện mà ta sở hữu, nó không phải là ta. Ý niệm này đến lúc nào thì bạn mới có thể chuyển trở lại?

Loại thứ hai là “biên kiến”. Biên kiến chính là ngày nay trong khoa học được gọi là kiến giải tương đối. Có ngã, tương đối với ngã là con người. Lục đạo phàm phu của thế gian này là thế giới tương đối, đối lại với lớn là nhỏ, đối lại với dài là ngắn, đối lại với thiện là ác, đối lại với chánh là tà. Cả thảy đều là tương đối. Đây là biên kiến, hai bên, chấp trước hai bên. Cách kiến giải này là sai lầm. Lục đạo là từ đây mà có. Bạn mà có kiến giải này thì bạn sẽ không ra khỏi lục đạo.

/ 374