PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ
TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 307
Kinh văn: “Kỳ Phật quốc độ, mỗi ư thực thời, tự nhiên đức phong từ khởi. Xuy chư la võng, cập chúng bảo thọ, xuất vi diệu âm, diễn thuyết Khổ, Không, Vô Thường, Vô Ngã, chư Ba La Mật”.
Hôm qua chúng tôi giảng đến đoạn này, nói đến “vi diệu âm”. Chữ “Vi” này đã nói với quý vị, phía sau có chữ “Diệu”. Vi là “xuất hữu nhi hữu”, nói rõ cõi Phàm Thánh Đồng Cư độ của Thế giới Tây Phương Cực Lạc cùng với lục đạo nơi đây của chúng ta, cõi Dục Giới, Sắc Giới, Vô Sắc Giới thật sự là có khác biệt, cho nên không thể nói là giống nhau, cũng không thể nói là không giống nhau. Đây là ý nghĩa của chữ Vi. Từ Diệu là “danh có thể khai ngộ nên gọi là diệu”. Danh là danh từ, tướng là hiện tướng. Tất cả danh tướng ở Thế giới Tây Phương Cực Lạc đều có thể giúp cho mọi người khai ngộ. Điều này vi diệu vô cùng.
Nói đến danh tướng, trong Pháp Tướng Tông đem tất cả pháp thế xuất thế gian quy nạp lại thành năm loại lớn gọi là ngũ pháp. Đại khái là các đồng tu học Duy Thức thì những danh từ này đều có thể biết rõ. Cái gọi là ngũ pháp, tam tự tánh, bát thức, nhị vô ngã, ngôn ngữ tuy là nói đơn giản, xác thực là lấy những điều đã nói trong “Kinh Bát Nhã”, thật tướng của các pháp đều nói ra hết.
Cái Ngũ Pháp này là năm loại lớn, thứ nhất là danh, thứ hai là tướng, thứ ba là vọng tưởng, thứ tư là chánh trí, thứ năm là như như. Hai loại ở phía trước là nói đến pháp thế gian và pháp xuất thế gian. Danh và tướng là pháp thế gian. Cảnh giới nói ở trong pháp thế gian, chúng ta nói đến tâm, nói đến cảnh giới, thế gian đương nhiên là nói đến lục đạo, trên thực tế là bao gồm mười pháp giới. Ngoài lục đạo ra, vẫn còn có Tứ Thánh Pháp Giới là Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát, Phật. Phật ở tại chỗ này chúng ta nhất định phải nói cho rõ, Phật ở trong mười pháp giới thì chưa kiến tánh. Nếu như đã kiến tánh thì các Ngài không còn ở trong mười pháp giới, mà các Ngài đã đến Nhất Chân Pháp Giới rồi. Cho nên Phật ở trong mười pháp giới chính là tông Thiên Thai đã nói là Tạng, Thông, Biệt, Viên tứ giáo. Phật của Tạng giáo, Phật của Thông giáo vẫn chưa ra khỏi mười pháp giới, Phật của Biệt giáo thì ra khỏi rồi. Biệt Giáo Sơ Địa giống như Viên Giáo Sơ Trụ, đây chính là trong Pháp Tướng tông thường nói: “Phá một phẩm vô minh, chứng một phần pháp thân”, trong Thiền Tông thì nói là “đại triệt đại ngộ”, chính là cảnh giới này. Đây là đã vượt qua mười pháp giới. Nếu trong Hoa Nghiêm Tông đã nói, đây là Tiểu Giáo, Thủy Giáo. Nói Ngũ Giáo là Tiểu, Thủy, Chung, Đốn, Viên. Phật của Tiểu Giáo, Phật của Thủy Giáo thì nói giống với Tông Thiên Thai, Phật của Tạng Thông thì vẫn chưa kiến tánh. Cho nên người thông thường nói thành Phật, đặc biệt là trong Mật tông thường nói “Tức thân thành Phật” là thành Phật như thế nào? Bạn nên hiểu cho rõ, không thể so với Thích Ca Mâu Ni Phật, càng không thể so với A Di Đà Phật, các vị Phật đó là Phật quả cứu cánh Viên Giáo. Cho dù ở trong Biệt Giáo, Viên Giáo, quý vị đã đọc “Kinh Kim Cang” rất nhiều, ở trong “Giảng Nghĩa Kinh Kim Cang” của lão cư sĩ Giang Vị Nông thì nói rất rõ ràng, “Chư Phật” mà trong “Kinh Kim Cang” đã nói là Phật thật chứ không phải là Phật giả. “Chư Phật” mà cư sĩ Giang Vị Nông nói với chúng ta là bốn mươi mốt vị phần chứng Phật, trong “Kinh Hoa Nghiêm” gọi là bốn mươi mốt vị Pháp Thân Đại Sĩ. Pháp Thân Đại Sĩ cả thảy đều là phá vô minh, chứng pháp thân, các Ngài không ở trong mười pháp giới mà ở trong Nhất Chân Pháp Giới, không phải là ở Thế giới Cực Lạc mà ở Thế giới Hoa Tạng, cho nên đó là Phật thật chứ không phải là Phật giả. Chữ “chư” chính là nói bốn mươi mốt vị. Cách nói này thật là hay vô cùng.
Tại sao gọi bốn mươi mốt vị Pháp Thân Bồ Tát này là Phật thật vậy? Tâm mà các Ngài dùng cùng với tâm của quả địa Như Lai dùng là như nhau, là dùng chân tâm. Quý vị nên biết rằng, ở trong mười pháp giới dùng vọng tâm, không phải dùng chân tâm. Ở trong “Bách Pháp” nói “Đồng sanh tánh, dị sanh tánh” chính là nói điều này. Ở trong mười pháp giới, bao gồm cả lục đạo của chúng ta, đương nhiên bao gồm cả chúng ta trong đó, gọi là dị sanh tánh. Dị là không giống nhau, cách dụng tâm không giống với chư Phật. Chúng ta dụng là tám thức, năm mươi mốt tâm sở, là vọng tâm. Ở trong Pháp Tướng Tông gọi các Ngài là chuyển thức thành trí, chuyển tám thức thành bốn trí, cho nên các Ngài không dùng tám thức, các Ngài dùng là bốn trí Bồ Đề, tâm Bồ Đề. Các Ngài dùng là đại viên cảnh trí không phải là A Lại Da, chuyển A Lại Da thành đại viên cảnh trí, chuyển Mạc Na thành bình đẳng tánh trí, chuyển ý thức thứ sáu thành diệu quan sát trí, chuyển tiền ngũ thức thành sở tác trí, nên chúng ta gọi các Ngài là Pháp Thân Bồ Tát. Không giống như chúng ta, các Ngài thì chuyển tám thức thành bốn trí, như vậy thì giống với cách dụng tâm của Như Lai. Cái này gọi là đồng sanh tánh, không phải là dị sanh tánh. Khác nhau là ở chỗ này. Chúng ta là dùng vọng tâm. Cho nên phải biết điều này.