PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ
TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 309
PHẨM HAI MƯƠI MỐT: BẢO LIÊN PHẬT QUANG
Lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ nói với chúng ta, ở trong phẩm Kinh này miêu tả hoa sen báu ở Thế giới Cực Lạc của A Di Đà Phật. Chủng loại của sen báu rất nhiều rất nhiều, không chỉ là bốn màu mà thôi. Bốn màu sắc mà trên “Kinh Di Đà” nói là bốn màu gốc, bốn màu đó mà pha trộn với nhau thì tạo ra vô lượng vô biên màu sắc. Chúng ta phải hiểu được ý nghĩa này.
Trân bảo ý là nói bảy báu. Bảy là biểu pháp, không phải con số. Con số thì có đến vô lượng vô biên. Cho nên, bảy có ý nghĩa viên mãn. Hầu hết mọi người nói là bốn hướng, ở trên và ở dưới nữa là sáu, lại thêm ở giữa vào nữa là bảy, vì vậy bảy là đại biểu cho ý nghĩa viên mãn, không phải là con số, nó có nghĩa là có vô lượng vô biên quang sắc.
Trong phẩm Kinh này, Thế Tôn vì chúng ta giới thiệu hoa sen báu có màu sắc và ánh sáng vi diệu, trong ánh sáng lại hiện Phật. Trên phần Kinh văn chúng ta xem thấy, số Phật hiện ra là vô lượng vô biên vì hết thảy chúng sanh thuyết vi diệu pháp. Mục đích của việc thuyết pháp là ở đâu? Việc này rất quan trọng. Mục đích là “an lập vô lượng chúng sanh”. “Lập” là kiến lập. “An” là bình an. Hay nói cách khác, là khiến cho biến pháp giới hư không giới mỗi một chúng sanh đều có thể an lập ở trong một hoàn cảnh cuộc sống bình an. Ý nghĩa này rất quan trọng. Vì vậy, mười phương ba đời tất cả chư Phật Như Lai vì chúng ta mà diễn thuyết các loại diệu pháp. Cái diệu là ở chỗ nào? Phía trước đã giới thiệu qua với các vị ý nghĩa của sự vi diệu. Diệu là có thể khiến tất cả chúng sanh giác ngộ mới gọi là diệu. Nếu như không thể khiến chúng sanh giác ngộ, ngược lại khiến chúng sanh mê hoặc thì không diệu. Đây chính là nói, chư Phật Bồ Tát thuyết pháp cùng với phàm phu sáu cõi thuyết pháp nghĩa thú không như nhau. Phàm phu sáu cõi thuyết pháp là tăng trưởng sự mê hoặc. Chúng ta tỉ mỉ mà quan sát, suy xét thì bạn sẽ phát hiện sự khởi tâm động niệm, lời nói việc làm của chúng sanh đều là tạo ra vô vàn sự ảnh hưởng bất thiện với tất cả chúng sanh, bất tịnh bất thiện. Chư Phật Bồ Tát các Ngài đã thị hiện, các Ngài đã diễn thuyết (diễn là biễu diễn, thuyết là ngôn thuyết), không gì không phải là giúp đỡ chúng sanh phá mê khai ngộ. Phá mê khai ngộ là nhân, quả chính là “lìa khổ được vui”. Tất cả khổ là từ đâu mà ra? Từ mê hoặc điên đảo. Tất cả vui là từ trong giác pháp minh liễu mà ra. Điều này chúng ta không thể nào không biết.
Học Phật, phía trước đã báo cáo qua với các vị đồng học rồi, phải học chư Phật Như Lai, chư pháp thân Bồ Tát biết chuyển cảnh giới, phải học bản lĩnh này. Học được cái này rồi thì sẽ được tự thọ dụng. Trong Phật pháp thường nói pháp thân, Bát Nhã, giải thoát. Giải thoát chính là tự tại, tự thọ dụng. Tự thọ dụng tuyệt đối không quên đi tha thọ dụng, niệm niệm thân ngữ ý nghiệp đều phải giúp đỡ hết thảy chúng sanh giác ngộ. Tâm này chính là tâm đại bi, tâm này chính là đại từ đại bi mà Bồ Tát Quan Thế Âm đã biểu lộ ra, niệm niệm không xả một chúng sanh nào. Bạn có cái tâm này thì bạn nhất định có hành. Tâm là nguyện, nhất định phải lấy hành để thực tiễn nguyện thì nguyện của bạn mới có ý nghĩa, bạn nhất định giống như chư Phật Như Lai, giống như Pháp Thân Bồ Tát vậy, mọi thời mọi chỗ đều vì chúng sanh mà thị hiện ra cái tướng của sự giác ngộ.
Tướng của sự giác ngộ là gì? Bạn phải tỉ mỉ mà quan sát ở trên các Kinh điển, Phật Bồ Tát cùng chư Thiên quỷ thần đều vì tất cả chúng sanh mà biểu diễn. Thực ra mà nói, việc này giống như ca kịch vậy. Vũ trụ là một sân khấu lớn, cũng giống như là phông màn trên sân khấu vậy, tất cả chúng sanh đang biểu diễn ở trên đó. Không những là hữu tình chúng sanh đang biểu diễn mà vô tình chúng sanh cũng đang biểu diễn, cho nên ở trên “Kinh Hoa Nghiêm” nói là “tình dữ vô tình đồng viên chủng trí”. Cả thảy đều đang biểu diễn. Biểu diễn này có chính diện có phản diện, cũng như ca kịch, bạn hãy xem các nhân vật trong vai diễn xuất, có người biểu diễn đại trung đại hiếu, có người thì diễn phản diện, bất trung bất hiếu, đều là những vai diễn quan trọng. Nếu bạn đem những sự tình này làm cho rõ ràng, minh bạch thì bạn mới thật sự hiểu được cảnh duyên mà Phật đã giảng nói trên Kinh không có tốt xấu.