PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ
TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 304
Đạt được sự cứu cánh viên mãn, đó là cảnh giới của quả địa Như Lai. Đến lúc đó mới nói Phật Phật đạo đồng. Tại sao vậy? Vì các Ngài đạt được viên mãn rồi. Bồ Tát Đẳng Giác vẫn chưa được viên mãn. Bồ Tát Đẳng Giác so với Bồ Tát Đẳng Giác vẫn có những chỗ không như nhau, bởi vì các Ngài ngộ nhập vô lượng vô biên nghĩa lý, các Ngài ngộ nhập hoàn toàn không như nhau. Có vị ngộ ở chỗ này, có vị ngộ ở chỗ kia, tuy đều đạt đến Đẳng Giác rồi mà vẫn không như nhau. Đến quả địa Như Lai thì mới hoàn toàn như nhau. Cho nên đạo lý này, người thật sự có dụng công thì không có gì khác hơn phải học được thật sự buông bỏ. Buông bỏ, chúng tôi cũng đã nói với chư vị đồng tu rất nhiều lần, phải buông xuống sự việc đối lập ở trong tâm. Từ ở chỗ này mà bắt đầu. Không đối lập với mọi người, không đối lập với tất cả mọi vật. Sau khi bạn buông bỏ được sự đối lập rồi, thì sự mâu thuẫn ở trong tâm bạn tự nhiên sẽ mất đi, như vậy mới có thể đạt được sự nhất tâm. Nhất tâm chính là chân tâm. Nhị tâm là ý niệm, bạn vẫn còn khởi ý niệm. Nhị tâm là vọng tâm, không phải là chân tâm. Điều này nói thì dễ, làm thì không dễ. Hiện nay đối với người thông thường mà nói, ít ra phải công phu ba mươi năm, các bạn công phu ba mươi năm có thể đạt đến cảnh giới ưu việt hơn tôi, tôi không bằng bạn. Tôi học Phật đến năm nay là năm mươi hai năm. Cho nên không phải là một chuyện dễ. Nếu kiên nhẫn miệt mài, nếu chăm chỉ nỗ lực, nếu chịu đựng được khảo nghiệm, vậy là ở thế gian này, sự giày vò của nhân sự, tai họa của thiên nhiên, sự học tập vất vả đều là khảo nghiệm. Nếu bạn đi qua hết các cửa thì mới có được niềm vui, mới có thể thể hội được pháp hỷ sung mãn. Bạn không đi qua được thì lập tức sẽ bị thoái chuyển, thậm chí còn bị đọa lạc. Người bị đọa lạc thì nhiều, người thật sự vượt qua cửa ải không nhiều. Điều này giống như sự thông thường của thế gian, cũng giống như cuộc thi đấu trong thể thao vậy, cuối cùng có thể vượt qua tất cả chướng ngại, bạn mới có thể đạt được quán quân.
Thuyết pháp, hôm qua đã nói với quý vị khổ, không, vô thường, vô ngã, đây là Pháp Tiểu Thừa; sáu Ba La Mật là pháp Đại Thừa. Từ Tiểu Thừa đến Đại Thừa thì hết thảy tất cả Phật pháp bao gồm ở trong đó, cho nên đi đến Thế giới Cực Lạc tốt. Trong Tứ Hoằng Thệ Nguyện đã nói: “Pháp môn vô lượng thệ nguyện học”, đến được Cực Lạc Thế giới mới thật sự có đủ. Thứ nhất là bạn có đủ thời gian. Sanh đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc mọi người đều là vô lượng thọ, có đủ thời gian. Không giống như ở nơi đây thời gian có giới hạn, có được mấy người có thể sống đến một trăm tuổi? Rất là ít. Cổ nhân có nói: “Người sống đến bảy mươi tuổi xưa nay hiếm”, người có thể sống đến bảy mươi tuổi không nhiều. Nếu như chúng ta tỉ mỉ quán sát chung quanh, người thân, bạn bè, bạn học, đồng nghiệp của chúng ta, những người rất quen thuộc, khi còn trẻ sống với nhau, khi đến bảy mươi tuổi, hãy xem còn được mấy người? Hai phần ba là không còn nữa rồi. Tự bản thân tôi nghĩ, những người bạn của tôi khi tôi còn nhỏ, còn thanh niên, hiện nay khoảng sáu, bảy phần mười đều không còn nữa. Nghĩ đến những chuyện này thì cảm thấy xót thương vô cùng. Đời người khổ đau, ngắn ngủi, cho nên thời gian là quý báu hơn tất cả. Cổ nhân thường xuyên động viên chúng ta, một chút thời gian cũng đáng quý, một chút thời gian đều phải biết trân quý. Đạo lý là ở chỗ này. Cho nên bất luận là pháp thế gian hay Phật pháp, có thể làm cho con người trở nên thành tựu xuất sắc, không có thứ gì khác là họ luôn sử dụng thời gian có ý nghĩa, họ không lãng phí thời gian, họ không để thời gian trôi qua vô ích, cuộc sống của họ rất là phong phú.
“Khổ, không, vô thường, vô ngã”, ở trong chú giải của Lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ có giải thích tóm lược. Ông nói đó là bốn loại tướng của khổ đế ở trong pháp Tứ Diệu Đế. Ở trong “Câu Xá Luận” có nói: “Đãi duyên cố phi thường”, đây là vô thường. Tại sao là vô thường? Đây là nói tất cả vạn pháp. Bốn câu này xác thực là chúng tôi cũng thấy khó hiểu, người thật sự hiểu được không có mấy người. Đó chính là tất cả pháp đều là duyên sanh, duyên không có đủ thì nó không thể hiện tiền. Khi duyên tựu thì hiện hành, khi duyên tán thì cái tướng này sẽ bị diệt. Duyên tựu, duyên tán cho nên nó là vô thường.
Thế Tôn nói với chúng ta, thế giới này là nhất hợp tướng. Hiện nay những nhà thiên văn học vào mỗi buổi tối, nhìn vào trong kính viễn vọng thấy các ngôi sao trên bầu trời, thật sự là thế giới vô thường, hầu như mỗi ngày đều nhìn thấy có ngôi sao mất đi, nổ tung ra, tiêu hủy mất; cũng phát hiện ra mỗi ngày đều có ngôi sao mới. Đây là nói thế giới, thế giới vô thường. Cho nên chúng ta biết được (điều này là do các nhà khoa học khẳng định và nói với chúng ta), một ngày nào đó Thái Dương Hệ sẽ bị hủy diệt. Thế nhưng đừng sợ, chắc chắn chúng ta sẽ không gặp được, vì thọ mạng của chúng ta không đủ dài, nhất định là không gặp được. Mặt trời là một quả cầu lửa, nó đang cháy ở chỗ đó, ánh sáng và sức nóng này chính là nó đang cháy mà sanh ra, những nhiên liệu ở trong cái tinh cầu đó sẽ bị đốt cháy hết, không phải là đốt không hết nhiên liệu, nhất định là nó sẽ cháy hết. Ở trong bầu trời có rất nhiều hành tinh, nhìn thấy ánh sáng màu sắc của ngôi sao này biến thành màu đỏ là nó sắp cháy hết rồi, nó đang cháy rất dữ dội, ánh sáng màu xanh, đến khi ánh sáng biến thành màu đỏ thì ngôi sao đó sắp bị diệt vong, nó sắp bị vỡ tan. Cho nên thế giới vô thường.