PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ
TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 305
Kính chúc chư vị Pháp sư, chư vị đồng tu, kính chúc chư vị năm mới tốt đẹp. Năm nay, bắt đầu một năm mới, chúng ta có duyên ở đạo tràng Cư Sỹ Lâm trang nghiêm như thế này cùng nhau học “Kinh Vô Lượng Thọ”. Nhân duyên hiếm có này chúng ta nhất định phải biết trân quý, phải chăm chỉ nỗ lực mà học tập theo Thế Tôn, học tập theo A Di Đà Phật.
Hôm nay chúng ta tiếp tục phần Kinh văn của lần trước: “Đức Phong Hoa Vũ đệ nhị thập”. Đây là phẩm thứ hai mươi. Đoạn thứ nhất của Kinh văn, tôi nhớ lần trước đã có giảng qua, nhưng giảng không nhiều. Hôm nay chúng tôi vẫn phải giảng lại từ đầu. Tôi xin đọc qua Kinh văn một lần.
Kinh văn: “Kỳ Phật quốc độ, mỗi ư thực thời, tự nhiên đức phong từ khởi. Xuy chư la võng, cập chúng bảo thụ, xuất vi diệu âm, diễn thuyết Khổ, Không, Vô Thường, Vô Ngã, chư Ba La Mật”.
Tôi nhớ là lần trước đã giảng đến chỗ này. Chúng tôi xin chia sẻ lại một cách đơn giản đoạn Kinh văn này. Thế giới Cực Lạc, điều quan trọng nhất là phải nhận thức, phải hiểu được. Việc học Phật, năm xưa Phật còn tại thế, quý vị đều biết là đức Phật vì chúng ta mà giảng Kinh thuyết pháp bốn mươi chín năm, nếu dùng từ ngữ hiện nay mà nói, thì cả cuộc đời của Ngài đều là làm công việc dạy học. Người chúng ta hiện nay thường gọi là hoạt động. Nếu như nói năm xưa Thế Tôn còn tại thế, Ngài làm công việc dạy học, hiện nay chúng ta gọi là buổi tọa đàm Phật học, buổi tọa đàm phổ thông, Ngài làm những công việc này. Bốn mươi chín năm tổng cộng có hơn ba trăm hội, vậy là có hơn ba trăm lần hoạt động. Loại hoạt động này có thời gian dài, có thời gian ngắn. Ngắn là một lần một ngày thì viên mãn. Còn thời gian dài thường là mấy tháng hoặc mấy năm, không nhất định. Nơi chốn hoạt động cũng không nhất định. Ở địa phương nào mời thỉnh (Phật pháp thì nói nơi nào có duyên) thì đi đến nơi đó, không nhất định. Phật thị hiện ở thế gian này không có hình tướng nhất định, vì mọi người mà diễn nói, cũng không có phương pháp nhất định.
Trong Kinh thường nói: “Phật không có định pháp để nói”. Tuy là nói như vậy, nhưng chúng ta tỉ mỉ mà quan sát, Phật vẫn có định pháp. Định pháp này là gì? Chính là giới thiệu cõi Tịnh Độ, là khuyên chúng ta niệm Phật cầu sanh Thế giới Cực Lạc, điều này hình như là định pháp. Không những Thích Ca Mâu Ni Phật thị hiện ở thế gian này nhất định là giới thiệu pháp môn này, chúng ta tỉ mỉ mà quán sát, mười phương ba đời tất cả chư Phật Như Lai thị hiện trong chín pháp giới hầu như là không thể không nói Tịnh Độ Tam Kinh, đều là khuyên người vãng sanh Tịnh Độ. Hình như là trong không nhất định cũng có nguyên tắc nhất định. Điều này chúng ta học Phật phải đặc biệt lưu ý. Nếu như bạn thật sự nhận thức rõ ràng thì bạn rất may mắn, cuộc đời này của bạn nhất định sẽ thành tựu viên mãn.
Cầu sanh Tịnh Độ chính là thành tựu viên mãn, không vãng sanh Tịnh Độ thì phiền phức rất lớn. Đặc biệt là cuộc sống trong thời đại hiện nay, ai có năng lực (chính là tam học giới định huệ) có thể chống lại nổi đủ các loại cám dỗ của xã hội hiện nay không? Cho nên ngoại trừ pháp môn đới nghiệp vãng sanh này ra, các pháp môn khác không thể nói là không hay, nhưng không dễ dàng thành tựu. Nguyên nhân chính là tám vạn bốn ngàn pháp môn, mỗi pháp môn đều phải đoạn nghiệp hoặc mới chứng đắc, không có nói đới nghiệp, duy chỉ có pháp môn này là đới nghiệp vãng sanh. Kinh luận của pháp môn này tuy không nhiều nhưng phải hiểu cho thấu triệt.
Tu học Phật pháp phải nên nhớ kỹ, Đại Sư Thanh Lương nói với chúng ta bốn giai đoạn: “Tín, Giải, Hành, Chứng”. Chúng ta nói tu hành không sai, trước khi tu hành thì phải tin, phải hiểu. Hai chữ “tín, giải” này không dễ gì làm được.
Trong các buổi giảng, tôi đã chia sẻ với quý vị rất nhiều lần, tôi học Phật bảy năm mới xuất gia. Sau khi xuất gia thì dạy ở Phật Học Viện, hai năm sau mới thọ giới. Tôi thọ giới khi tôi đã học Phật được chín năm, giảng Kinh được hai năm. Sau khi thọ giới xong thì về Đài Trung gặp lão sư (đây là quy củ). Lão sư vừa nhìn thấy tôi, liền chỉ tôi mà nói: “Ông phải tin Phật!”. Quý vị hãy nghĩ xem, tôi học Phật chín năm, đã xuất gia, cũng đã thọ giới rồi, cũng đã dạy ở Phật Học Viện hai năm rồi, câu nói đầu tiên của lão sư là “Ông phải tin Phật!”, làm tôi ngẩn người. Sau đó lão sư bảo tôi ngồi xuống và nói với tôi: “Đừng nói là ông mới thọ giới tôi kêu ông phải tin Phật, có rất nhiều vị lão Hòa thượng xuất gia đã tám, chín mươi tuổi rồi mà vẫn chưa tin Phật”. Tôi nghe xong thì cảm thấy kỳ lạ. Không tin Phật thì làm sao mà xuất gia, đã xuất gia mấy chục năm rồi mà vẫn chưa tin Phật? Vậy phải làm sao thì mới gọi là tin Phật? Cuối cùng lão sư nói với tôi, họ không thực hành được nên nói là họ không tin Phật. Nếu họ tin Phật thì đâu có chuyện không thực hành được. Vì sao họ không thực hành được? Vì họ không tin.