/ 374
521

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 302

Gia đình nào cũng đều có thể cúng phụng một bộ “Đại Tạng Kinh”, việc này ngày xưa là việc không thể tưởng, không có ai dám tưởng tượng ra được. Đây là sự tiện lợi của ngày nay, nhưng nó cũng có tác dụng mặt trái. Tác dụng mặt trái là gì? Là tăng trưởng phiền não. Sự tiến bộ của khoa học ngày nay dụ hoặc bạn, đã dẫn khởi ra tất cả những tham sân si mạn có ở trong “A Lại Da Thức” của bạn. Chiêu trò mới của khoa học rất nhiều, ngày ngày dạy bạn nghĩ tưởng lung tung đến nỗi thân tâm bạn bất an, cho nên Kinh điển tuy rất nhiều nhưng bạn không có cách nào khế nhập. Tâm phải thanh tịnh thì mới có thể khế nhập Kinh điển. Cho nên ngày xưa tự viện am đường đều xây dựng ở thâm sơn cùng cốc, không một bóng người, thậm chí là chùa trên núi và làng ở dưới chân núi cũng không có qua lại. Rất là có đạo lý.

Cư sĩ Hạ Liên Cư cũng thường nói, ví như có một người, bất luận là học pháp môn nào, chỉ cần một môn thâm nhập, buông bỏ vạn duyên, ba năm không nói chuyện, người đó nhất định sẽ khai ngộ. Cái thân này thật sự mà đạt được thanh tịnh thì có sự liên quan rất lớn với bên ngoài. Ngoại duyên ở hiện tại thật sự không tốt, sáu căn của bạn tiếp xúc đều là sự mê hoặc nghiêm trọng, bạn có thể cưỡng lại được sự mê hoặc này hay không? Người xưa cưỡng không nổi thì người hiện nay càng không cần phải nói. Cho nên chân thật tu hành, chân thật muốn khai ngộ, xem ra vẫn là phải dùng cách cũ, lên núi sâu tìm một chỗ nào mà không có ai biết đến, đi đến nơi thâm sơn đó để bế quan tịnh tu, đoạn tuyệt với hết thảy thế duyên. Có lẽ như vậy mới có thể thành tựu. Tôi tin rằng ở Trung Quốc đại lục, trong các thâm sơn cùng cốc thật sự là có cao nhân. Những người này không có bước ra ngoài, tuy rằng công phu tu hành thành tựu rồi nhưng họ cũng không bước ra. Vì sao vậy? Bước ra ngoài thì có lợi ích gì? Nói với bạn, bạn cũng sẽ không tiếp nhận, bạn cũng sẽ không chịu tin.

Tại chỗ này chúng ta xem thấy “tự nhiên đức phong trừ khởi”. Phong là hiện tượng tự nhiên, cũng có đầy đủ đức năng vốn có của tự tánh.

“Xuy chư la võng, cập chúng bảo thụ, xuất vi diệu âm”. Sự việc này là do Phật A Di Đà biến hóa ra, đây là oai thần bổn nguyện của Phật đang khởi tác dụng, nói pháp cho mọi người nghe, “xuất vi diệu âm”. Diễn thuyết, diễn là biểu diễn, thuyết là diễn thuyết. Thuyết khổ, không, vô thường, chư Ba La Mật. Trong câu nói này đã đem tất cả ba đời chư Phật ở thế giới mười phương ở trong mười pháp giới hiện thân thuyết pháp, độ chúng sanh, hết thảy đều bao gồm ở bên trong. “Khổ, không, vô thường” là Tiểu Thừa, chư Ba La Mật là Đại Thừa. Nếu dùng lời hiện nay mà nói, từ lớp mầm non đến tiến sĩ. Câu nói này không phải là có ý như vậy hay sao? Tất cả đều bao gồm ở trong.

Cư sĩ Hoàng Niệm Tổ đã chú giải được khá tường tận ở trong quyển chú giải, có thể đem làm tham khảo. “Khổ, không, vô thường, vô ngã” là bốn tướng của Khổ Đế ở trong pháp Tứ Đế. Chúng tôi vừa mới giảng phẩm “Tứ Thánh Đế” trong “Kinh Hoa Nghiêm”. Tứ Thánh Đế có Tạng - Thông - Biệt - Viên, Tứ Thánh Đế bao hàm tất cả pháp. Kinh văn trong “Kinh Hoa Nghiêm” nói là vô lượng Tứ Đế, là cái mà Bồ Tát Đại Thừa học. Trong Tứ Đế thì mỗi một pháp đều bao gồm hết thảy pháp. Phẩm Kinh này là nói Như Lai thuyết pháp. Ngài vì sao không nói gì khác mà lại nói Tứ Đế? Hầu hết đều cho rằng Tứ Đế là Tiểu Thừa, không biết rằng Tứ Đế thông tất cả pháp, Tứ Đế bao hàm tất cả pháp.

“Khổ, không, vô thường” là từ trên quả mà nói. Đây là Thế Tôn chân thật trí tuệ, thiện xảo phương tiện, thuyết pháp đối với chúng sanh mà nói từ trên quả thì họ dễ dàng hiểu, cảm nhận ngay hiện tiền, ấn tượng rất sâu sắc. Sau đó lại nói nhân với bạn, cái khổ của bạn là từ đâu mà đến, vậy thì bạn mới có thể nghe vào được. Sau đó lại tiến thêm một bước nói với bạn, làm sao để có thể đem cái khổ này diệt trừ, lìa khổ được vui, từng bước từng bước mà hướng dẫn bạn, giúp đỡ bạn phá mê khai ngộ, hồi quy về tự tánh. Cho nên Phật pháp đến mục tiêu cứu cánh, viên mãn Bồ Đề, quy vô sở đắc. Đây là đến cứu cánh viên mãn, chân thật bất hư, hồi quy về tự tánh mà thôi. Chư Phật Như Lai đã viên mãn quay về tự tánh, Pháp Thân Bồ Tát tuy rằng quay về tự tánh, nhưng chưa viên mãn, chưa cứu cánh. Trên quả địa Như Lai thì cứu cánh viên mãn. Sau khi viên mãn cũng không nghỉ ngơi, gọi là thừa nguyện tái lai, giúp đỡ pháp giới, hư không giới. Còn có rất nhiều, rất nhiều những chúng sanh mê hoặc điên đảo chưa chịu quay đầu, các Ngài đi giúp đỡ họ. Đây là sự nghiệp của Phật Bồ Tát, cho nên vì tất cả chúng sanh làm ra các loại thị hiện, làm ra các loại diễn thuyết.

/ 374