/ 374
707

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 301

Kinh văn: “Hoặc tại hư không hoặc tại bình địa, thanh tịnh an ổn, vi diệu khoái lạc, ứng niệm hiện tiền, vô bất cụ túc”.

Đoạn Kinh văn này nói về nơi ở, cũng là thuộc về y báo. Đoạn Kinh văn này Thế Tôn vì chúng ta mà giới thiệu về tình hình đời sống của chúng sanh ở Thế giới Tây Phương Cực Lạc.

Mấy ngày hôm nay, tôi có tiếp kiến một số đồng học, đa số đều từ Trung Quốc, từ nước ngoài đến. Đôi bên sâu sắc cảm thấy nghiệp tập rất nặng, cuộc sống vô cùng vất vả, bất luận là trong việc tu đạo hay là sự nghiệp thế gian, chướng duyên đều rất nhiều. Đây là nguyên nhân gì? Buổi sáng hôm nay, chúng tôi đã giảng tại Tịnh Tông Học Hội khoảng một giờ đồng hồ, thời gian tuy không nhiều, nhưng những gì đã nói đều rất quan trọng. Trọng điểm trong một giờ đồng hồ này cũng chỉ là khuyến khích đồng học chúng ta cần phải có trí huệ, phải biết chuyển biến. “Kinh Lăng Nghiêm” đã nói: “Nhược năng chuyển vật tức đồng Như Lai”. Chữ “Như Lai” ở chỗ này đã nói không nhất định là Phật quả cứu cánh. Trên “Kinh Bát Nhã” thường nói Phật, là từ trên tướng mà nói, nói Như Lai là đều từ trên tánh mà nói. Chúng ta hiểu được cái ý này, “tức đồng Như Lai” chính là đồng với người minh tâm kiến tánh. Người minh tâm kiến tánh thì đều có thể xưng là Như Lai. Chúng ta cũng biết được ở trong “Kinh Hoa Nghiêm”, từ Viên Giáo Sơ Trụ trở lên đều có thể gọi là Như Lai. Tiêu chuẩn như vậy thì cũng không cao lắm. Tuy rằng không cao, nhưng kiến tư phiền não phải đoạn, trần sa phiền não phải đoạn, ít nhất cũng phải phá một phẩm vô minh, hay nói cách khác, không những siêu vượt sáu nẻo mà còn siêu vượt mười pháp giới rồi. Các Ngài có thể chuyển được cảnh giới, không còn bị cảnh giới chuyển nữa. Những lời này thì người mới học Phật sẽ không dễ hiểu. Chúng tôi nói bằng một cách khác thì mọi người sẽ dễ hiểu hơn, phàm là người có thể chuyển biến, họ sẽ không bị hoàn cảnh ảnh hưởng, chính là không bị chuyển bởi hoàn cảnh, họ có thể chuyển hoàn cảnh, cũng chính là nói họ sẽ ảnh hưởng đến hoàn cảnh chứ không bị hoàn cảnh ảnh hưởng, thì người này đồng với Như Lai. Chúng ta học Phật thì phải học cái bản lĩnh này.

Bắt đầu học từ chỗ nào vậy? Không thể từ bên ngoài vào, từ bên ngoài vào thì bạn vĩnh viễn cũng sẽ không có thành tựu, mà phải từ bên trong nội tâm của chính mình, bởi vì vũ trụ, cả cái hư không này đều là tâm biến hiện ra, tâm tạo ra. Đạo lý ở chỗ này thì nhất định phải hiểu.

Trên “Kinh Hoa Nghiêm” có hai câu kệ: “Ưng quan pháp giới tánh, nhất thiết duy tâm tạo”. Oai thần của hai câu này không thể nghĩ bàn, có thể phá địa ngục. Bạn nói xem, cái uy lực này lớn biết bao. Người nào niệm hai câu này thì có thể phá địa ngục? Chúng ta niệm có được không? Không được, chúng ta niệm thì không phá được địa ngục. Có người khi niệm cái này thì được, thật sự có thể phá địa ngục, là người nào? Là người đã nhập cảnh giới. Điểm này thì người học Phật không thể nào không biết. Thế nào thì gọi là nhập cảnh giới? Làm được. Nói được làm được thì họ thành tựu, nói được mà làm không được thì không có tác dụng gì. Quyển Kinh này mở ra bạn hiểu được bao nhiêu? Bạn vì sao mà không hiểu? Lý do rất đơn giản, đó là bạn vẫn chưa làm được. Nếu quả nhiên làm được, thì ý nghĩa trong Kinh này sẽ thông hiểu, sẽ thấu suốt. Một Kinh thông thì tất cả Kinh thông. Việc này không thể nghĩ bàn. Cho nên Thế Tôn mới nói là “pháp môn bình đẳng không có cao thấp”.

Các vị học cái gọi là nhập môn, chúng tôi gọi là bộ Kinh nhỏ: “Thập Thiện Nghiệp Đạo”. “Thập Thiện Nghiệp Đạo” là Phật môn, bất luận là Đại Thừa hay Tiểu Thừa, Tông Môn hay Giáo Hạ, Hiển Giáo hay Mật Giáo thì cũng cùng một khoa mục này, đều là từ chỗ này mà bắt đầu, cũng đều là từ trên sự viên mãn của bộ Kinh này. Nói một cách khác, chư Phật Bồ Tát từ thủy đến chung vẫn không rời Thập Thiện Nghiệp Đạo. Thủy là sơ phát tâm. Chúng ta ngày nay bắt đầu sơ phát tâm học Phật. Chung là đạt được quả vị Như Lai cứu cánh. Khoảng thời gian này là vô lượng kiếp, không có một ngày nào rời khỏi Thập Thiện Nghiệp Đạo. Không những nói là không có một ngày, nếu nói thật sự với bạn, thì không có một niệm rời khỏi Thập Thiện Nghiệp Đạo. Cho nên chúng ta nhìn thấy việc tạo tượng vẽ hình Phật, việc đắp tượng Phật thì chưa thể hiện được biểu pháp này, hình vẽ thì làm được. Chúng ta nhìn thấy rất nhiều hình vẽ Phật, trên đầu của Phật có một vầng hào quang. Hình Phật ở phía dưới kia của chúng ta cũng có một vầng hào quang, nhưng mà trên vầng hào quang có ba chữ mà họ đã không in lên. Trên hình Phật thì chúng ta có thể nhìn thấy ba chữ đó, có khi viết bằng tiếng Phạn, có khi viết bằng tiếng Tây Tạng, cũng có khi viết bằng tiếng Trung Quốc. Việc đó không quan trọng, nhưng âm thì hoàn toàn tương đồng, đó là: “Án - A - Hồng”. Ba chữ này có ý nghĩa là gì? Chính là “thiện hộ tam nghiệp” mà trên “Kinh Vô Lượng Thọ” đã nói. “Án” là thân nghiệp, “A” là khẩu nghiệp, “Hồng” là ý nghiệp, chính là Thập Thiện Nghiệp Đạo. Thân có ba, khẩu có bốn, ý có ba.

/ 374