/ 374
494

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 295

PHẨM THỨ MƯỜI TÁM

SIÊU THẾ HY HỮU

Lão cư sĩ Hạ Liên Cư đem bộ Kinh này phân thành 48 phẩm. Phía trước chúng ta đã đọc qua, Thế Tôn vì chúng ta mà giới thiệu y báo của Thế giới Tây Phương, cũng chính là hoàn cảnh sinh hoạt. Phẩm này muốn giới thiệu chánh báo cho chúng ta, chính là cư dân của Thế giới Tây Phương Cực Lạc. Đương nhiên điều này đối với chúng ta là vô cùng quan trọng. Chúng ta học Phật, đặc biệt là tu học pháp môn Tịnh Độ, mục đích của chúng ta là mong muốn trong tương lai có thể vãng sanh Thế giới Tây Phương Cực Lạc, dùng lời hiện nay mà nói thì gọi là di dân. Chẳng có thế giới nào có thể so sánh với Thế giới Tây Phương, trong đoạn Kinh văn này chúng ta có thể nhìn thấy.

Kinh văn: “Bỉ Cực Lạc quốc, sở hữu chúng sanh, dung sắc vi diệu, siêu thế hy hữu, hàm đồng nhất loại, vô sai biệt tướng”.

Đến chỗ này là một đoạn nhỏ. Kinh văn tuy là không dài, nhưng hàm ý thì vô cùng sâu rộng. Điều trước tiên mà chúng ta cần lưu ý là tất cả chúng sanh ở Thế giới Tây Phương. Câu này vô cùng quan trọng. Theo chúng ta biết, Thế giới Tây Phương Cực Lạc không phải là một nơi thông thường. Tại sao vậy? Mười phương ba đời tất cả chư Phật đều tuyên dương nơi này. Thích Ca Mâu Ni Phật ở thế giới này của chúng ta, Ngài đem Thế giới Tây Phương Cực Lạc giới thiệu cho chúng ta. Tất cả chư Phật Như Lai cũng giống như Thích Ca Mâu Ni Phật vậy, đem Thế giới Tây Phương Cực Lạc giới thiệu cho Ngài quốc độ này. Tất cả chúng sanh, không những chúng sanh trong chín pháp giới, trong Kinh Hoa Nghiêm chúng ta nhìn thấy, thậm chí ở Thế giới Hoa Tạng - quốc độ của Tỳ Lô Giá Na Phật, Văn Thù, Phổ Hiền đều ra sức thúc đẩy, khuyên bảo bốn mươi mốt vị Pháp Thân Đại Sĩ cầu sanh Di Đà Tịnh Độ. Quý vị hãy nghĩ xem, đây là cảnh tượng như thế nào. Bốn mươi mốt vị Pháp Thân Đại Sĩ chính là tất cả chúng sanh của Thế giới Hoa Tạng. Ngay đến pháp thân Bồ Tát đều phải cầu sanh Thế giới Tây Phương Cực Lạc, vậy thì tại sao chúng ta không chịu đi? Đương nhiên là Thế giới Cực Lạc thù thắng hơn Thế giới Hoa Tạng, nếu như không bằng Thế giới Hoa Tạng thì Bồ Tát ở Thế giới Hoa Tạng sẽ không di dân đến Thế giới Cực Lạc (hôm nay chúng tôi nói là di dân mà không nói vãng sanh), khẳng định là tốt hơn Thế giới Hoa Tạng thì mới đi chứ.

Nhưng chúng ta biết, mười phương vô lượng vô biên thế giới chính là nói Thế giới Hoa Tạng này của chúng ta phạm vi rất rộng, bên trong có vô lượng sát độ của Chư Phật. Tình hình mỗi một sát độ của Chư Phật đều hoàn toàn không giống nhau, có Phàm Thánh Đồng Cư độ, cũng có quốc độ thanh tịnh. Điều này là chúng tôi đã đọc được ở trong “Kinh Hoa Nghiêm”, quý vị đã nghe “Kinh Hoa Nghiêm” thì có thể hiểu được. Thế nhưng quốc độ thanh tịnh thì ít, cuối cùng vẫn là Phàm Thánh Đồng Cư độ chiếm số nhiều, cũng chính là nói sát độ của chư Phật cùng với Thế giới Ta Bà của chúng ta là giống tương tợ nhau, giống như ở quốc độ thanh tịnh không có lục đạo, ở cõi quốc độ Phật này không có sáu nẻo, sự thật là có cũng không ít. Trên nguyên tắc mà nói quốc độ có lục đạo thì nhiều.

“Hết thảy chúng sanh”.

Ở cõi Hoa Tạng không những không có lục đạo, ngay cả mười pháp giới cũng đều không có, đó là Nhất Chân Pháp Giới, địa vị thấp nhất của chúng sanh nơi đó là Viên Giáo Sơ Trụ Bồ Tát. Trong pháp Đại Thừa, Phật thường hay nói, kiến tư phiền não của họ đã đoạn rồi, trần sa phiền não cũng đoạn rồi, vô minh cũng đã phá một phẩm, như vậy mới có thể sanh đến Thế giới Hoa Tạng. Những người được sanh đến Thế giới Hoa Tạng đến từ các quốc độ Phật khác nhau, không phải chỉ có Thế giới Ta Bà của chúng ta, các thế giới khác thảy đều có vãng sanh đến nơi đó. Có một số cõi nước có duyên với A Di Đà Phật, chúng ta đã từng nghe nói qua, cũng có không ít cõi nước Phật không có duyên, từ trước đến giờ vẫn chưa nghe nói qua, nhưng mà sau khi đi đến Thế giới Hoa Tạng, hai vị Đại Bồ Tát Văn Thù, Phổ Hiền ra sức tuyên dương giới thiệu. Bồ Tát Tam Hiền Vị vẫn do dự chưa quyết định, có người thì tin tưởng cùng với hai vị Đại Bồ Tát này đi đến Thế giới Cực Lạc, vẫn có người không muốn đi, thích thân cận với Tỳ Lô Giá Na Như Lai, cũng gần giống như thế giới này của chúng ta.

Trước đây, tôi ở Hồng Kông giảng Kinh, tôi cũng quen biết không ít các vị pháp sư ở Hồng Kông, tuổi tác cũng tương đương với tôi. Các vị ấy mỗi ngày đều niệm Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, họ không niệm A Di Đà Phật. Tại sao vậy? Vì họ không muốn đi đến Thế giới Cực Lạc. Bổn Sư rất là thân thiết, nên họ niệm Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Từ tình huống như thế này bạn mới hiểu ra được, trong Kinh có nói đây là pháp khó tin. Thông thường nói tin tưởng pháp môn này cần phải có đủ hai điều kiện. Trong hai điều kiện này, có một cái là phải tin tưởng. Điều kiện thứ nhất là thiện căn, trong đời quá khứ đã nghe nói qua pháp môn này, nên trong cuộc đời này vừa tiếp xúc liền sanh tâm hoan hỷ. Đây là điều kiện thứ nhất. Điều kiện thứ hai là trí huệ, trí huệ thật sự khai rồi, Thế giới Tây Phương Cực Lạc họ đã thật sự hiểu rõ, thông suốt rồi, không còn hoài nghi. Hai loại người này có thể thành tựu. Người không có hai điều kiện này, nghe xong thì nửa tin nửa nghi, chần chừ, do dự, cho nên đến Thế giới Hoa Tạng chúng ta dễ dàng phát hiện. Trong “Kinh Hoa Nghiêm” đã nói, Bồ Tát Thập Địa xưa nay chưa từng rời bỏ niệm Phật, điều này là chắc chắn. Ở Thế giới Hoa Tạng, Bồ Tát Đăng Địa thì không có vấn đề, các Ngài đều đã tin tưởng. Lúc chưa đăng địa Bồ Tát, Tam Hiền Bồ Tát Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng vẫn chưa tin tưởng. Cho nên lão cư sĩ Hạ Liên Cư thường nói, pháp môn này khó tin, thật là khó tin. Không phải là nói chúng ta, chúng ta thì đã tin rồi. Nhưng mà bạn xem, người học Phật ở thế gian này rất nhiều, người không tin tưởng, không thể tiếp nhận pháp môn này thì cũng quá nhiều quá nhiều, ngay cả Bồ Tát Tam Hiền Vị của Thế giới Hoa Tạng vẫn còn do dự chưa tin. Thế giới này của chúng ta, người học Phật không thể tiếp nhận pháp môn này, điều này chẳng có gì là lạ, chúng ta tin tưởng pháp môn này mới thật sự là kỳ lạ. Tại sao bạn lại tin tưởng pháp môn này vậy?

/ 374