/ 374
563

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 296

“Liễu Phàm Tứ Huấn” là một tấm gương rất hay. Gần đây ở Đại lục có làm phim “Du Tịnh Ý Công gặp Táo Thần”, hình như đã quay thành phim truyền hình nhiều tập. Hai tác phẩm này đều là giáo dục chúng ta về nhân quả báo ứng. Thiện có thiện báo, ác có ác báo. Điều này là chân thật không phải giả, tuyệt đối không phải là mê tín. Bạn chỉ cần y theo phương pháp, luân lý này mà học, bản thân bạn có thể thọ nhận được quả báo. Nhất định không phải là giả. Bản thân tôi là một thí dụ điển hình cho mọi người.

Khi tôi còn trẻ, có rất nhiều người xem tướng đoán mạng cho tôi, tôi có một chút thông minh, nhưng một chút phước báu cũng chẳng có mà lại bị đoản mạng nữa. Tôi có thể chuyển đổi lại, hoàn toàn nhờ học Phật, những bệnh tật, tập khí của bản thân cả thảy đều sửa đổi, thuận theo lời dạy bảo của Phật Đà, chính là Kinh luận dạy ta như thế nào thì ta làm như thế đó, dạy ta không nên làm thì tuyệt đối ta không làm.

Ngày xưa có không biết bao nhiêu người đến nói với tôi là tôi sống không qua khỏi 45 tuổi. Vào năm 45 tuổi, thật sự là tôi bị một cơn bệnh hết một tháng. Cả cuộc đời tôi chưa hề bị bệnh, vậy mà vào năm đó lại bị bệnh hết một tháng, tôi nghĩ là thọ mạng đã hết rồi, cho nên tôi cũng không đi bác sĩ khám, cũng không uống thuốc, bởi vì tôi biết bác sĩ chỉ có thể chữa bệnh chứ không thể chữa mạng, họ không có cách nào để chữa mạng, nên tôi niệm Phật cầu vãng sanh. Cứ như vậy mà niệm Phật hơn một tháng thì hết bệnh. Điều này bạn nên nghĩ là do tín tâm. Tôi không cầu sống lâu mà thật sự là chỉ cầu vãng sanh, thật không ngờ là bệnh đã hết mà cũng chẳng được vãng sanh. Thực tế mà nói, phước báu là do cả đời học Phật và tu hành của tôi. Tất cả đồng tu đến cúng dường cho tôi, tôi đều mang tiền này đi bố thí. Tôi học theo Đại Sư Ấn Quang, cả cuộc đời của Đại Sư Ấn Quang chỉ làm công việc in Kinh và bố thí. In Kinh là bố thí pháp, dùng tiền để in là tài bố thí, cho nên nói cả cuộc đời của Ngài là làm bố thí cả hai loại tài và pháp. Tôi học theo Đại Sư Ấn Quang, cả cuộc đời không xây cất chùa, không lập đạo tràng, cả đời tu bố thí pháp, cho nên kết được pháp duyên rất là rộng lớn.

Tôi nghĩ, mọi người chúng ta đều biết Pháp sư Diễn Bồi. Ông là người bạn cũ của tôi, ông lớn hơn tôi mười tuổi. Mười năm trước, khi tôi vừa đến Singapore, lúc tôi đến lần thứ nhất và lần thứ hai, ông đều đến sân bay để đón tôi, nhất định là phải mời tôi đi dùng cơm. Có một lần đặc biệt ở Linh Chi, Ngài đặt một mâm cơm để đãi tôi. Ngài hỏi tôi: “Thưa Pháp sư Tịnh Không! Hôm nay tôi mời Pháp sư dùng cơm, vậy Pháp sư có biết ý nghĩa gì không ạ?”. Tôi nói tôi không biết vì tôi chưa có thần thông. Ông nói: “Pháp sư đi khắp nơi giảng Kinh, pháp duyên thù thắng như vậy, vậy tu như thế nào mà được như vậy? Xin Pháp sư chỉ dạy cho tôi”. Tôi nói: “Sự việc là như thế này, điều này thực tại mà nói cũng là do lão sư của tôi dạy cho tôi, tôi theo lão sư Lý Bỉnh Nam học Kinh giáo, lão cư sĩ rất coi trọng việc kết pháp duyên. Ngài dạy cho tôi, các con nhất định nên kết pháp duyên với mỗi một vị đồng tu, không kết pháp duyên thì tương lai con giảng Kinh được tốt, có giảng đến hoa trời rơi rụng cũng chẳng có ai đến nghe”. Kết duyên như thế nào? Năm xưa, khi mà Ngài giảng Kinh, đồng tu không có nhiều như tôi giảng hiện nay. Ngài đã ở Đài Trung giảng Kinh ba mươi tám năm, lúc hưng vượng nhất, thính chúng có khoảng hơn bốn trăm người. Ở Đài Loan như vậy thì cũng khá lắm rồi, người nghe nhiều như vậy rất khó được, có thể là các vị Pháp sư khác đều cũng chẳng có cách gì so với Ngài. Ngài đã dạy tôi cách tiếp đãi, dạy tôi đứng ở cửa, khi mỗi đồng tu đến nghe giảng Kinh đều hướng dẫn, sắp xếp chỗ ngồi cho họ, tiếp đãi họ. Ngài dạy chúng tôi phải tôn trọng đối với thính chúng, gương mặt phải tươi cười trong khi đón tiếp. Đây chính là kết pháp duyên. Chúng tôi từ chỗ này mà học. Không những có cách này mà còn phải mời dùng kẹo. Chúng tôi không có tiền nên chỉ mua một bao đậu phộng to, mời mỗi người hai hạt, như vậy kết pháp duyên rất nhiều. Lão sư chỉ chúng tôi cách này. Sau này ở nước ngoài giảng Kinh, chúng tôi in rất nhiều Kinh sách, tượng Phật... Chúng tôi chưa đi đến nơi nhưng vật phẩm kết pháp duyên đã gửi đến trước rồi. Tôi nhớ có một năm tôi ở Kuala Lumpur, ông Tan Sri Lý Kim Hữu tổ chức một hoạt động có mười lăm ngàn người tham gia. Người của chúng tôi chưa đến đó nhưng vật phẩm kết pháp duyên của chúng tôi (hình như là có năm tấn) đã được đưa đến trước rồi. Cho nên, tôi liền nói với Pháp sư Diễn Bồi là nên kết duyên trước. Nghe xong câu nói này, Pháp sư liền chau mày, Pháp sư nói: "Tôi rất cô hàn!". Cô hàn có nghĩa là gì? Là hẹp hòi, Pháp sư chưa từng làm việc này. Tôi nói: "Việc này nhất định phải làm, nhất định phải làm!". Rộng kết thiện duyên. Pháp duyên của chúng tôi đã kết toàn thế giới, có rất nhiều nơi chúng tôi đã kết duyên từ rất lâu mà bản thân tôi chưa từng đến đó, vẫn chưa đến được nơi đó. Cho nên, kết duyên không những là tu phước cho kiếp sau, mà hiện tiền cũng được phước báu.

/ 374