/ 374
469

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 294

Việc học Phật ngay trong hiện tiền thì phải làm, phải bắt đầu thực hành. Trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, việc xử sự đối người tiếp vật, mọi thứ đều phải xem nhẹ đi. Nếu xem nhẹ thì bạn sẽ ít phiền não. Cho dù quý vị học những điều này, thật sự mà nói, học những việc này cũng phải xem nhẹ. Xem nhẹ thì sẽ học không thành, vậy thì làm sao mới có thể học thành công? Là thâm nhập một môn, chọn lựa một pháp môn, những thứ khác thì nên buông xuống, thâm nhập một môn. Thâm nhập một môn thì được Tam muội. Điều này người thế gian cầu học không như nhau. Thế gian cầu học thực tế mà nói là cầu sự hiểu biết, càng phong phú càng tốt. Việc học đạo không phải là dạy bạn học điều này, sự hiểu biết càng phong phú thì không phải là vọng tưởng càng nhiều hay sao, tạp niệm không phải là càng nhiều sao? Cho nên học đạo, mục đích của bạn là ở chỗ tam muội, là ở chỗ định huệ, cho nên không thể xen tạp, không thể học quá nhiều. Đây là một bí quyết. Nhưng người tin tưởng không nhiều, họ vẫn thích học rộng nghe nhiều. Sau khi học được mấy chục năm, cuối cùng họ chết trong sự hối hận, thật sự mà nói họ chẳng có thành tựu gì. Điều này cổ Đức có nói là do gặp duyên không đồng. Nếu bạn gặp được lão sư tốt thật sự, người xưa thường nói: “Nghiêm sư xuất cao đồ”, Lão sư mà nghiêm khắc, học trò phải nghe lời mới được, học trò mà không nghe lời thì cũng chẳng có cách nào. Học trò mà chịu sự đôn đốc nghiêm khắc của lão sư chính là dạy cho bạn tu học một môn, chỉ trong một môn này thì bạn được tâm  thanh tịnh, bạn sẽ khai trí huệ, bạn mới biết cảm ân lão sư. Thật sự là có thu hoạch.

Kinh văn: “Bất văn tam đồ khổ nạn chi danh, thượng vô giả thiết, hà huống thật khổ”.

Câu này là “nguyện trong nước không ác đạo” trong 48 lời nguyện. Tất cả các nguyện của A Di Đà Phật đều thực hiện được. “Tam đồ” là địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Ở trong chín pháp giới thì ba đường này là khổ nhất. Thế giới Tây Phương Cực Lạc không có ba đường ác. Không có ba đường ác thì chúng ta mới có thể thể hội được, ở đó chỉ có hai cõi trời và người, không có ba đường ác. Hai cõi trời và người này ở đâu? Ở cõi Phàm Thánh Đồng Cư độ. Hai cõi trời và người là phàm, ở cõi Phàm Thánh Đồng Cư độ có Bồ Tát, Thanh Văn, Duyên Giác, mọi người đều sống chung với nhau, cùng nhau học tập nên gọi là Phàm Thánh Đồng Cư. Vì sao gọi là trời và người vậy? Vì phiền não chưa đoạn, chính là những người ở hai cõi trời và người từ phương khác đến, một phẩm phiền não cũng chưa đoạn. Thế giới Tây Phương đến cái tên ba đường ác cũng không được nghe.

Ở chỗ này chúng ta phải nghĩ đến, ba đường ác là quả báo. Có quả thì có nhân. Nhân là gì? Nhân rất là phức tạp. Phật thường nói sự hình thành của quả báo là do vô lượng nhân duyên, trong vô lượng nhân duyên nhất định là có một nghiệp nhân nặng nhất, Phật thường hay dùng điều này để dạy cho chúng ta. Nghiệp nhân của ba đường ác chính là tam độc phiền não tham sân si. Sự chiêu cảm của lòng tham là đường ngạ quỷ, sự chiêu cảm của sân hận là đường địa ngục, sự chiêu cảm của ngu si là đường súc sanh.

Đã không có ba đường ác thì chúng ta biết những người vãng sanh đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc đã đoạn được tam độc phiền não tham sân si rồi. Làm sao đoạn được? Chúng ta ở trong thế gian này muốn đoạn tam độc phiền não thì rất khó khăn, sanh đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc không cần đoạn nhưng tự nhiên sẽ không còn nữa.

Thí dụ như nói lòng tham, chúng ta ở nơi này tại sao lại có lòng tham? Vì vật chất quá ít nên muốn chiếm lấy, thế là lòng tham liền khởi lên. Ở Thế giới Tây Phương Cực Lạc thì tài nguyên quá phong phú, tất cả có đầy đủ, vậy bạn còn tham cái gì chứ? Muốn cái gì thì thứ đó liền hiện ra, vậy là bạn không còn tham nữa. Giống như thế giới này của chúng ta, ở thế gian này thứ gì là quan trọng nhất đối với chúng ta? Tiền bạc? Tiền bạc cũng không quan trọng lắm, không có tiền cũng không đến nỗi phải chết. Không khí là quan trọng nhất, nhưng có ai mà tham không khí không? Không khí mà không có trong khoảng mười phút thì mạng của bạn cũng chấm dứt rồi. Tại sao lại không tham cái này? Tại sao không đem không khí tích trữ lại, mang theo trên mình một bao? Vì có quá nhiều. Vàng bạc bảy báu ở Tây Phương Thế giới cũng giống như không khí của chúng ta, vậy bạn có cần hay không? Vàng bạc ở thế giới này của chúng ta mọi người đều trân quý nó vô cùng, vàng ở bên đó thì dùng để đắp đường đi. Ở đây đá quý thì đem làm đồ trang sức trông rất là đẹp, đá quý ở Thế giới Tây Phương Cực Lạc thì dùng làm vật liệu xây dựng, cho nên các bạn hãy nghĩ xem, có người nào lấy đất đá đắp đường đi đeo lên trên người hay không? Không có chuyện này. Thế giới Tây Phương thì bảy báu nhiều vô cùng, chẳng có ai muốn lấy, khắp nơi đều có. Trong Kinh nói bảy báu, từ bảy này không phải là con số mà là biểu pháp. Bảy là đại biểu cho sự viên mãn. Chúng ta nói bảy chính là đông - nam -  tây - bắc - trên - dưới và chính giữa, cho nên nó đại biểu cho sự viên mãn. Vô lượng châu báu tất cả đều có đủ, có thật là quá nhiều, cho nên không có người tham, lòng tham không thể khởi lên.

/ 374