411

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 293

Đề mục là “Vãng Sanh Thắng Lạc”. Chúng ta xem đoạn thứ nhất.

Kinh văn: “Thập phương thế giới, chư vãng sanh giả, giai ư thất bảo trì liên hoa trung, tự nhiên hóa sanh, tất thọ thanh hư chi thân, vô cực chi thể ”.

Đoạn Kinh văn này chính là nói việc thực tiễn nguyện thứ 24 trong 48 lời nguyện: “Nguyện Liên Hoa Hóa Sanh”. Có thể thấy được hoằng nguyện đã phát trong nhân địa của A Di Đà Phật ở trong quả địa đều có thể thực hiện được, không có nguyện nào là hư nguyện. Nói đến chỗ phát nguyện này cũng giống như người thế gian nói lập chí. Cổ nhân thường nói, nếu con người không có chí thì trong cuộc đời này của họ không có phương hướng mục tiêu để mà nỗ lực, hay nói cách khác, trong cuộc đời này của họ, bất luận việc gì cũng không thể thành tựu. Phật pháp cũng là như vậy, Phật pháp mà không có nguyện thì việc tu học của chúng ta rất là mù mờ, không biết làm thế nào cho đúng, cho dù dụng công và nỗ lực rất nhiều, tinh tấn nhưng mà tinh tấn không có phương hướng, không có mục tiêu, cuối cùng là đi đường nào chính bản thân mình cũng không biết. Trong số các đồng tu học Phật, đích thật là cũng có không ít những trường hợp như vậy.

Tại sao lại xảy ra những sự việc này? Chúng ta nhất định phải hiểu, Phật pháp là giáo dục. Nền giáo dục của thế gian như Nho Gia chỉ nói có một đời, nhưng mà nói rất là triệt để, bắt đầu từ thai giáo mãi cho đến già chết, an táng người mất theo lễ, cúng giỗ thành tâm, đây là sự giáo dục một đời. Còn phạm vi giáo dục của Phật pháp thì lớn hơn, Phật giáo thì nói ba đời: đời hiện tại, đời quá khứ và đời vị lai. Quá khứ còn có quá khứ, quá khứ vô thủy; vị lai vẫn còn có vị lai, vị lai vô chung. Cho nên phạm vi giáo học của Phật pháp vô cùng sâu rộng, có thể nói là không có bờ mé; cổ Đại đức thường nói “sâu không thấy đáy, rộng không bờ bến”, điều này xác thực là như vậy. Càng khiến cho người ta kinh ngạc, kết luận cuối cùng của sự sâu rộng này đều là quy về với chính bản thân mình, là quay về với tự tánh, tự tánh mới thật sự là chính mình. Điều này khiến cho chúng ta vô cùng kinh ngạc. Lòng tin của chúng ta không kiên cố, nguyện không tha thiết, hành không chân thật, vì những điều này mà chúng ta phải tỉ mỉ mà quan sát, nguyên nhân ở chỗ nào? Nguyên nhân là ở chỗ đối với lời giáo huấn của Phật vẫn còn hiểu quá ít, thực tại chẳng khác gì so với pháp thế gian, vì đọc sách quá ít, sự hiểu biết còn giới hạn, cho nên thường làm cho tín tâm bị dao động. Nếu chúng ta đọc được nhiều, tự mình sẽ có trí huệ phân biệt, thì tín nguyện của bạn sẽ không bị cảnh giới bên ngoài làm ảnh hưởng.

Kinh điển của Phật giáo được phiên dịch từ Phạn văn của Ấn Độ, cho nên thành phần tri thức trẻ tuổi sanh lòng hoài nghi về điều này. Lúc tôi còn trẻ khi vừa tiếp xúc với Phật Giáo cũng có hoài nghi, sự hoài nghi rất là tự nhiên. Tại sao lại có sự hoài nghi này? Năm xưa ở Đài Loan có tờ “Nhật Báo Đài Loan” có đăng một phụ bản tên là “Cổ Kim Văn Tuyển”, mỗi tuần đăng một lần bài cổ văn có phiên dịch, dùng văn bạch thoại để phiên dịch, cũng có chú giải, chú giải cũng rất hay. Phần văn dịch bạch thoại đó chúng tôi đem bản gốc tỉ mỉ mà đối chiếu thì có vấn đề, bản cổ văn dịch thành văn bạch thoại cũng có vấn đề, vậy Phạn văn dịch thành Trung văn làm sao mà không có vấn đề được chứ? Cho nên chúng tôi liền nghĩ tại sao không đi tìm bản nguyên văn để đọc mà lại đọc bản đã phiên dịch này? Vấn đề này đích thực đã tồn tại trong tâm tôi nhiều năm. Có một lần, tôi đem điều nghi vấn này thưa với lão sư Phương Đông Mỹ, lão sư trả lời thì tôi mới hiểu. Lão sư là một học giả, không phải là một Phật giáo đồ, lão sư hoàn toàn dùng học thuật để giải đáp cho tôi.

Lão sư nói, năm xưa các vị cao Tăng, Đại đức dịch Kinh, ở trong dịch trường, cư sĩ tại gia cũng có nhiều, hầu như là những nhà đại văn học bậc nhất trong nền lịch sử Trung Quốc cũng đã từng tham gia công việc dịch Kinh này. Lão sư nói từ Phạn văn dịch thành Trung văn không những ý nghĩa chắc chắn không có sai lầm, mà trong văn tự Hoa văn còn hoàn mỹ, còn hay hơn so với Phạn văn, có nghĩa là đọc Kinh Phật thì đọc bản Trung văn là đủ rồi, không cần đọc bản Phạn văn. Lão sư còn nói với chúng tôi, người Trung Quốc xưa có lòng tự tin rất mạnh, không giống như người Trung Quốc hiện nay, lòng tự tin đã hoàn toàn mất hết rồi, cho nên mới chịu nhiều khổ nạn như vậy. Thế là số Kinh điển nguyên bản tiếng Phạn được truyền từ Ấn Độ sang nhiều như vậy bây giờ cũng không còn nữa, tìm khắp nơi ở Trung Quốc cũng tìm không thấy. Theo sự hiểu biết thông thường của chúng ta mà nói, số Kinh điển nguyên bản tiếng Phạn này phải nên bảo tồn lại, tại sao lại không cần? Lão sư Phương giải thích điều này cho chúng tôi nghe. Sau khi chúng tôi nghe rồi, cảm thấy cũng rất có lý.