/ 374
513

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 288

Trong Tông môn thì không có nói đến Tiểu thừa. Vì sao vậy? Vì đệ tử mà họ nhận đều là trẻ em thiên tài, không phải là người thông thường mà là người thượng thượng căn, họ không cần học theo trình tự đó, chính là một bước lên trời. Loại người này là quá ít. Còn Giáo Hạ thì phải học theo trình tự. Cho nên Phật giáo truyền đến Trung Quốc, vào thời đại Tùy Đường, Câu Xá Tông, Thành Thật Tông là Tiểu thừa. Nhưng thọ mạng của Tiểu thừa không dài, vào khoảng thời đại nhà Đường về sau thì suy yếu đi, cho nên hiện nay ở Trung Quốc không còn Tiểu thừa. Trong Đại Tạng Kinh có Kinh Tiểu thừa, bốn bộ A Hàm là Kinh Tiểu thừa không có người học, đều trực tiếp học Kinh Đại thừa. Đây là do nguyên nhân gì? Người tu học Đại thừa ở Trung Quốc bất luận là tại gia hay xuất gia, thành tích rất là phi phàm. Có phải là lời của Thích Ca Mâu Ni Phật không linh phải không? Không phải. Ngày xưa ở Trung Quốc, người tại gia hay xuất gia tu học pháp Đại thừa, trước khi học Phật, họ đều có nền tảng về nhà Nho và nhà Đạo, cho nên Nho và Đạo đã thay thế pháp Tiểu thừa. Sử dụng nền tảng này thì không có vấn đề gì. Thực tế mà nói, cảnh giới của Nho và Đạo vẫn cao hơn Tiểu thừa, nên vào thẳng Đại thừa thì tiện lợi vô cùng. Nhưng mà ngày nay thì có điều khó khăn. Tại sao vậy? Vì Nho và Đạo đều không còn, Tứ Thư Ngũ Kinh có ai học đâu? Có được mấy người xem qua Chư Tử Bá Gia? Như vậy là chẳng có Nho cũng chẳng có Đạo, Tiểu thừa cũng chẳng có, cho nên đi thẳng vào Đại thừa thì học cả cuộc đời cũng chẳng có kết quả gì. Vấn đề là ở tại chỗ này, chúng ta phải hiểu cho rõ ràng. Trước đây tôi ở Đài Trung theo lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam học Kinh giáo, lão cư sĩ đã dạy cho chúng tôi “Tứ Thư” và giảng cho chúng tôi “Lễ Ký”, cũng có dạy cho chúng tôi “Cổ Văn Quán Chỉ” của nhà Nho. Mỗi một tuần thì giảng một thời ba giờ đồng hồ về thuyết của nhà Nho, Phật pháp thì cũng giảng một thời ba giờ đồng hồ, thời gian như nhau, đồng thời tiến tu. Tôi ở Đài Trung 10 năm như một ngày, mỗi một tuần giảng “Cổ Văn Quán Chỉ” một lần, trong 10 năm thì giảng xong “Cổ Văn Quán Chỉ”, có hơn 300 bài, chọn lọc trong “Lễ Ký” để giảng. Về “Tứ Thư” cũng giảng cho chúng tôi “Đại Học”, “Trung Dung”, “Luận Ngữ”. Học thuyết của nhà Nho là để thay thế cho pháp Tiểu thừa. Điều này chúng ta học Phật không thể không biết được.

Còn tu Tịnh Độ thì sao? Tịnh Độ là pháp môn đặc biệt thì không cần, chỉ cần bạn quyết một lòng thật sự niệm Phật thì sẽ thành công. Cho nên Giáo Hạ là từ cửa Chánh mà đi vào Giác Chánh Tịnh, là chánh tri chánh kiến. Trong tam quy y thì quy y pháp, pháp là chánh tri chánh kiến. Tịnh Độ tông chúng ta và Mật tông đều là từ cửa Tịnh đi vào, là tu tâm thanh tịnh, cho nên đây là một pháp môn đặc biệt. Cho nên phải ghi nhớ: “Tâm tịnh thì cõi Phật tịnh”. Chúng ta tu Tịnh Độ là thường xuyên nghĩ đến tâm phải thanh tịnh, thân phải thanh tịnh. Thân tâm đều thanh tịnh thì hoàn cảnh cuộc sống của chúng ta tự nhiên thanh tịnh. Bạn thật sự muốn đạt được thanh tịnh thì nhất định bạn phải ngăn chặn ô nhiễm, cho nên quyết định không xem truyền hình báo chí thì tâm sẽ thanh tịnh. Mấy mươi năm tôi đã không xem báo chí, không có xem tạp chí, các bạn hỏi tôi hôm nay là thứ mấy ngày mấy tháng mấy tôi cũng không biết, tôi sẽ hỏi người khác hôm nay là ngày mấy. Chuyện của thiên hạ tôi cũng không biết, mỗi ngày thế giới thái bình vô sự. Người ta hỏi tôi, vô sự, thế giới rất là thái bình, rất ổn định. Nếu xem những thứ đó thì tâm sẽ loạn lên. Các bạn sống trong thời loạn còn tôi thì sống trong Tịnh Độ. Cõi Tịnh Độ và ngũ trược ác thế là cùng chung với nhau, chỉ cần bạn không tiếp xúc thì ở đây là Tịnh Độ. Như Thiền sư Trung Phong đã khai thị trong Tam Thời Hệ Niệm, Tịnh Độ chính là nơi đây, nơi đây chính là Tịnh Độ. Không sai, tôi có thể chứng minh được. Người nào không cần quen biết thì không cần quen biết. Người xưa có nói, biết nhiều việc thì phiền não nhiều, biết nhiều người thì thị phi nhiều. Cuộc sống càng đơn giản thì càng tốt, đối với chúng ta tu tâm thanh tịnh, tu Tịnh Độ có sự giúp đỡ rất lớn.

Đại Sư Liên Trì đã thị hiện tấm gương lớn cho chúng ta. Lúc còn trẻ Ngài rất hiếu học, rất thích đọc sách. Sau khi Ngài học Phật cũng là học rộng nghe nhiều. Đến khi tuổi đã lớn thì Ngài giác ngộ, những kiến thức đã học trước đó cả thảy đều buông xuống, chỉ một bộ “Kinh A Di Đà”, một câu sáu chữ hồng danh, chân thật là Ngài đã buông bỏ. Ngài đã được vãng sanh.

/ 374