/ 374
530

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 287

Hôm qua giảng đến “Thập Lực”, tiếp theo là “Tứ Vô Úy”.

TỨ VÔ ÚY

Vô úy là ngữ khí khẳng định, là ngữ khí chân thành, khiến cho chúng ta sau khi nghe xong thì có thể đoạn nghi sanh tín. Vô úy cũng được gọi là vô sở úy. Đây là nói Thế Tôn thuyết pháp ở trong đại chúng an nhiên tự tại. Thông thường người phàm phu chúng ta, đặc biệt là người mới bắt đầu học, ở dưới giảng đài thì biết nói chuyện nhưng lên giảng đài thì nói không được, cho nên lên giảng đài cũng phải luyện tập. Nhưng muốn làm giống như Phật, thản nhiên không lo sợ, thì không phải là chuyện dễ dàng. Trong quá khứ, những người thông thường, đặc biệt là người đến nghe giảng Kinh hoặc người nghe giảng pháp, đại khái là họ đều có một chút văn hóa căn bản, hay nói cách khác, những người xưa đều là có sự tu dưỡng văn hóa, dù cho gặp phải người giảng hơi kém một chút thì cũng bao dung, cũng có thể tha thứ cho. Nhưng người hiện nay thì không có tâm độ lượng rộng rãi, chẳng những không có cái tâm độ lượng rộng rãi, mà còn có người chuyên môn đến gây phiền phức. Trong số thính chúng sau khi nghe xong chuyên môn tìm câu hỏi làm khó bạn. Cho nên, giảng Kinh thuyết pháp ở bên ngoài đích thực không phải chuyện dễ dàng. May mắn là ở Singapore vẫn còn tốt một chút, có lẽ những vị pháp sư trẻ tuổi lên đài giảng Kinh không đến nỗi có người đến gây phiền phức, nhưng ở trong các trường hợp khác thì không thể đảm bảo, đặc biệt là ở nước ngoài.

Tập tục của người nước ngoài và người Trung Quốc không như nhau. Thí dụ như buổi giảng một tiếng rưỡi đồng hồ thì họ chỉ cho bạn giảng có một tiếng, nửa tiếng còn lại thì họ nêu ra câu hỏi để cho bạn trả lời. Đây là cách phổ biến nhất. Cũng có khi họ để cho bạn giảng có nửa tiếng, còn một tiếng là họ nêu ra câu hỏi để cho bạn trả lời. Thật là khó đối phó. Người đặt ra câu hỏi rất là phức tạp. Như ở trong Kinh Phật nói những câu hỏi đó hầu như đều có, họ đến hỏi bạn, thật sự có lúc nghe cũng không hiểu được, có những lúc họ chuyên môn đến gây phiền phức, cho nên bạn cũng phải biết cách đối phó. Nếu đối phó không được thì họ sẽ không lễ độ với bạn, làm cho bạn mất mặt, tục ngữ gọi là làm cho bạn không có lối thoát.

Tôi vẫn nhớ lần đầu tiên đi đến Hồng Kông giảng Kinh, chư vị đồng tu bên đó thỉnh tôi giảng “Kinh Lăng Nghiêm”, thời hạn là bốn tháng, mỗi ngày giảng một tiếng rưỡi hay là hai tiếng đồng hồ, tôi cũng không nhớ. Đó là vào năm 1977. Hôm đó tôi đến Hồng Kông, ở trong Thư viện Phật Giáo Trung Hoa, Quán Trưởng là Pháp sư Thường Hoài. Buổi tối Pháp sư tiếp đãi tôi và nói với tôi tình huống thông thường của những vị Pháp sư đến Hồng Kông giảng Kinh. Ngài nói: “Pháp Sư Tịnh Không à, trong tâm ông nên chuẩn bị sẵn”. Tôi hỏi chuẩn bị cái gì? Thói quen nghe giảng Kinh của người Hồng Kông, ngày đầu tiên người đến nghe giảng Kinh rất là đông, ngày cuối cùng mọi người cũng đến rất đông, là có đầu có đuôi, khoảng giữa thì rất ít người đến. Ngài nói ở khoảng giữa có thể chỉ có hai - ba người đến nghe, vì vậy trong tâm ông phải có sự chuẩn bị. Tôi liền nói với Ngài, tôi là người mới học giảng Kinh nên chẳng sao, nếu không có người đến nghe, chỉ cần có bàn ghế sắp bày ở chỗ đó thì tôi giảng cho bàn ghế nghe cũng được rồi. Ngài nói: “Vậy thì được, vậy thì chẳng có vấn đề”. Ngài nói tiếp: “Ở Hồng Kông còn có một nhóm người chuyên môn gây phiền phức, chuyên môn làm cho các vị Pháp sư gặp phải khó khăn. Ông phải cẩn thận, phải lưu ý điều này”. Tôi trả lời: “Dạ được, những người đến để gây phiền phức, chúng con cũng có thể tăng thêm chút ít kiến thức, được học thêm nhiều thứ, ắt hẳn đây là chuyện tốt”. Tôi cứ liên tục giảng Kinh, hình như mỗi ngày đều có nhiều người đến nghe. Pháp sư Thường Hoài nói pháp duyên của tôi khá lắm, pháp duyên rất là thù thắng. Bốn tháng trôi qua rất là thuận lợi, nhóm người gây phiền phức đó cũng thường xuyên đến nghe. Sau đó tôi cũng quen với họ, họ còn mời tôi đi dùng cơm, không còn gây phiền phức nữa. Cho nên những chuyện này Thế Tôn tuy là đức năng trên quả địa Như Lai, chúng ta cũng phải nên học tập.

Vô sở úy chia thành bốn loại lớn, gọi là tứ vô sở úy.

Loại thứ nhất là “nhất thiết trí vô sở úy”. Hay nói cách khác, không những Phật pháp các bạn phải thật sự tu học, phải khế nhập cảnh giới. Nếu chỉ là ở trong chú sớ của Kinh điển, trên bề mặt của văn tự mà công phu thì khó khăn, bạn mà gặp phải những người chuyên gây phiền phức, bạn sẽ không có cách đối phó. Đồng thời phải có kiến thức phổ thông thật là phong phú. Chỗ đắc lực của bản thân tôi là từ nhỏ đã thích đọc sách, sách tôi đọc rất là nhiều loại, vì vậy kiến thức rất là phong phú, đến sau này đi ra giảng Kinh hoằng pháp có được sự giúp đỡ rất lớn.

/ 374