/ 374
483

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 289

Kinh văn: “Hoặc văn vô tánh vô tác vô ngã thanh”.

Phía sau câu này có “vô ngã”. Vô ngã cũng đáng để nói. Thực tế mà nói, “vô ngã” đối với những người học Phật chúng ta rất là quan trọng. Đây là một chân tướng sự thật. Vậy cuối cùng là có ngã hay không? Ngã có ý nghĩa là gì? Trong Phật pháp nói định nghĩa của chữ “ngã” này cần phải có đủ một thể thường nhất. Cái thường này chính là vĩnh hằng, một thì không phải là hai, đây là bản thể của ngã. Tác dụng của ngã thì có đức dụng chủ tể tự tại. Nếu từ trên định nghĩa này mà nhìn thì cái thân này không phải là ngã. Vì sao vậy? Cái thân này là vô thường, không những mỗi năm mỗi khác đi, mà nó thay đổi mỗi ngày.

Trong “Kinh Lăng Nghiêm”, Thích Ca Mâu Ni Phật nói với vua Ba Tư Nặc, trong từng sát na đều có sự thay đổi. Trong hội Lăng Nghiêm, Đại Vương Ngài đã 62 tuổi rồi, Ngài với Thích Ca Mâu Ni Phật là cùng một tuổi, cho nên chúng ta có thể hiểu được, Thích Ca Mâu Ni Phật giảng “Kinh Lăng Nghiêm” khi Ngài 62 tuổi. Trong thân thể thì tìm không thấy cái thường, cũng tìm không thấy cái nhất, ở trên tác dụng càng không có chủ tể, cũng không có tự tại, cho nên Phật thường hay nói với chúng ta về “Vô ngã”.

Chín pháp giới chúng sanh đều không có ngã, đều vô ngã. Đến lúc nào thì mới có ngã? Ở trong Kinh Phật thường hay nói “thường, lạc, ngã, tịnh”, bốn cái tịnh đức này. “Thường” nhất chính là cái thể của Ngã. “Lạc, Ngã , Tịnh”, đây là từ thể khởi tác dụng. Tông môn thường nói: “Mặt mũi trước khi cha mẹ chưa sanh ra”, đó chính là ngã, cho nên mục đích cuối cùng của việc học Phật là tìm lại cái mặt mũi vốn có của mình. Mặt mũi vốn có là chân ngã, nó không phải là giả mà là vĩnh hằng không mất, bản thân mình có thể làm chủ được thì được đại tự tại. Do vậy mới biết, vô ngã là điều đã nói với phàm phu của chín pháp giới.

Người phàm phu luôn chấp trước cái thân thể này cho rằng nó chính là ta. Đây là điều sai lầm thứ nhất, có thể nói đây là sai lầm căn bản. Sai lầm ở chỗ nào vậy? Sai ở chỗ là bạn cho rằng cái thân thể này chính là ta. Nếu như nói với bạn rằng cái thân thể này không phải là ta thì bạn hoang mang, bạn sẽ khủng hoảng, cái thân này không phải là ta thì nó là cái gì? Vấn đề này lại nghiêm trọng rồi. Cái thân thể này không phải là ta mà là cái của ta, cái ta sở hữu. Giống như chiếc áo này vậy, cái áo không phải là ta, chiếc áo này là cái ta sở hữu; thân thể không phải là ta, giống như quần áo là cái ta sở hữu. Vậy thì cái ta ở đâu? Cái ta không có rời thân thể này, hay nói cách khác, quần áo ta mặc ở trên người, ta thì không có rời khỏi quần áo, quần áo và ta vĩnh viễn cùng chung với nhau. Bạn nên nhận thức rõ ràng, không thể xem quần áo là ta, quên mất cái ta của mình đi. Chúng sanh trong chín pháp giới đều phạm phải lỗi lầm này, thật sự là mặc cái áo vào người thì xem quần áo đó chính là ta, thật sự là quên sạch cái ta đi.

Vậy cuối cùng chân ngã là cái gì? Cái chân ngã mà trong Kinh điển Đại Thừa Thế Tôn thường hay nói, căn tánh của sáu căn chính là chân ngã. Căn tánh của sáu căn chính là chân như bổn tánh, chính là Phật tánh, chính là chân tâm. Đây là ý nghĩa thứ nhất. Danh từ mà Phật nói có hơn mấy chục từ, đều là nói sự việc này.

Chân ngã thì không sanh không diệt, cái thân thể của chúng ta thì có sanh diệt. Căn tánh của sáu căn thì không tùy theo cái thân này mà sanh diệt. Thân thể này là gì? Thân thể là do duyên sanh. Duyên có sanh có diệt. Chân tánh nhất định là không theo các duyên này (không có duyên sanh thì nó sanh, duyên diệt thì nó diệt), mà nó là vĩnh hằng, không sanh không diệt, là một thể thường nhất, nó có thể làm chủ tể, nó được đại tự tại, có đủ vô lượng trí huệ, vô lượng đức năng, vô lượng tướng hảo, tiếc là chúng ta không có cách để chứng đắc. Tại sao không thể chứng đắc? Ở trong “Kinh Hoa Nghiêm”, Thế Tôn nói rất hay, bởi vì vọng tưởng chấp trước mà không thể chứng đắc. Điều này Thích Ca Mâu Ni Phật rất từ bi, đem chân tướng sự thật nói cho chúng ta biết. Nếu như chúng ta buông bỏ được vọng tưởng chấp trước thì chân ngã sẽ hiện tiền, bạn sẽ tìm lại được mặt mũi vốn có của mình, lúc này ở trong Phật pháp Đại Thừa sẽ gọi bạn là Pháp Thân Bồ Tát, hoặc gọi bạn là Như Lai, là Phật.

/ 374