/ 374
802

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 276

Khoa đề: “Canh Nhị – Tại Hư Không”.

Kinh văn: “Hữu tại hư không giảng tụng thọ thính giả, kinh hành, tư đạo cập tọa thiền giả”.

Hôm qua, trong phần Kinh văn chúng ta đã xem thấy tình trạng đời sống tu học của một số đại chúng Thế giới Tây Phương Cực Lạc, ở trên mặt đất cũng có, ở trên hư không cũng có, không có gì mà không tự tại. Cổ đức nói ở trên mặt đất thì đại khái là người có công phu tu hành kém một chút, ở trong không trung thì có thể là cao hơn một chút. Cách nói này chúng ta cảm thấy có hơi miễn cưỡng. Vì sao vậy? Vì không tương ưng với bổn nguyện của Phật A Di Đà.

Ở trong bổn nguyện của Phật A Di Đà đã nói với chúng ta rất rõ ràng, Thế giới Tây Phương Cực Lạc cùng với tất cả Sát Độ của chư Phật, những địa phương không như nhau này thì Thế giới Cực Lạc là một thế giới bình đẳng chân thật. Đây là việc không thể nghĩ bàn. Vì sao vậy? Tất cả chúng sanh căn tánh không tương đồng, phiền não tập khí cũng không như nhau, việc này thì mọi người đều biết, mặc dù ở trên “Kinh Hoa Nghiêm” chúng ta đã xem thấy vẫn là việc không bình đẳng như vậy. Vì sao vậy? Nó có 41 tầng bậc, là thập trụ, thập hạnh, thập hồi hướng, thập địa và Đẳng Giác, đó là sự không bình đẳng. Thế giới Tây Phương tuy là có bốn độ ba bậc chín phẩm, nhưng mà đó là sự bình đẳng.

Ba đời tất cả chư Phật mười phương đều tán thán đối với Phật A Di Đà là “Quang trung cực tôn, Phật trung chi vương” không phải là không có đạo lý. Tầng bậc có hay không? Có thứ bậc, nhưng mà nó bình đẳng, họ đều cư ngụ ở trong một hội. Đây là cảnh giới không thể nghĩ bàn, thế giới mười phương đều không có, duy chỉ có Thế giới Cực Lạc là có. Đây là ở trong bổn nguyện đã nói thường là những người được vãng sanh “đều là A Duy Việt Trí Bồ Tát”. Ở chỗ này không hề nói thượng phẩm thượng sanh là A Duy Việt Trí, nhưng đã nói “giai thị” thì đã bao gồm Phàm Thánh Đồng Cư Độ hạ hạ phẩm vãng sanh cho đến Thật Báo Trang Nghiêm Độ thượng phẩm thượng sanh, đây mới gọi là “giai thị”. Câu Kinh văn này vô cùng quan trọng.

Chúng ta hiểu được đạo lý, hiểu được chân tướng sự thật, thì ở trên mặt đất hay ở trên không trung là tùy vào sự ưa thích của mỗi người. Tôi thích ở trên mặt đất, người kia thì thích ở trên không trung. Ưa thích việc ở trên không trung thì nhà cửa cung điện của bạn tự nhiên sẽ bay lên không trung, sẽ bay lên trên cao. Cách nói như vậy thì tương ưng với nghĩa nói ở trong Kinh. Vì thế, Thế giới Tây Phương đích thực là nơi đáng để cho chúng ta hướng về, chúng ta phải nên phát nguyện cầu sanh Tịnh Độ.

Trong chú giải của cư sĩ Hoàng Niệm Tổ nói đến việc tọa thiền, ông đã trích dẫn chú giải của các Đại đức xưa. Việc ngồi thiền phía trước cũng đã nói qua với các vị, nhưng cách nói của các Đại đức xưa thì chúng ta cũng phải biết, đây là thuộc về Phật học thường thức. Thiền là tiếng Phạn, là Thiền Na, ý nghĩa là tĩnh lặng suy nghĩ. Thiền Na là lấy tịch tĩnh làm thể. Tuy là tịch tĩnh, nhưng nó có tác dụng quán chiếu.

Sự việc này rất khó hình dung, cho nên người xưa thường hay dùng nước để làm ví dụ. Nước ở trong trạng thái tĩnh lặng thì cũng như là một cái gương soi, cho nên thể của nó phải tĩnh, không thể động. Sau khi tĩnh lặng thì nó mới quán chiếu, giống như cái gương soi vậy, sơn hà đại địa đều phản chiếu bên trong rất rõ ràng, rất minh bạch. Chúng ta muốn có cảnh giới này thì phải tĩnh, phải định mà quán chiếu, đây là chiếu. Đây là ý nghĩa của thiền.

Thiền là Phật tâm. Chúng ta nghe đến danh từ “Phật tâm” này đừng nên nghĩ rằng Thích Ca Mâu Ni Phật, A Di Đà Phật, tất cả chư Phật. Tâm của mỗi một người trong chúng ta cùng với Phật tâm không có khác nhau. Phật tâm chính là chân tâm, chính là thiền tâm. Ý nghĩa này của thiền thì chúng ta đã hiểu rồi, thanh tịnh bất động lại có thể chiếu kiến, cho nên nó không phải là chết cứng mà nó là sống động. Nếu như chỉ có định không có chiếu thì không gọi là thiền, đó chỉ có thể gọi là định chứ không thể gọi là thiền định.

/ 374