/ 374
972

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 277

Một câu sau cùng là: “Hoặc đắc Tư Đà Hàm”. Tư Đà Hàm là nhị quả Tiểu Thừa, dịch ra thành ý nghĩa là “nhất lai”. Thế nào thì gọi là nhất lai? Người ở trên trời không phải là tái sanh bảy lần hay sao? Họ vẫn phải đến nhân gian này một lần. Vì sao vậy? Dục Giới có chín phẩm tư hoặc, đây là tư phiền não, chính là tư tưởng sai lầm. Tư tưởng sai lầm của tam giới (Dục Giới, Sắc Giới, Vô Sắc Giới) tổng cộng có 81 phẩm, nó chia làm cửu địa. Tam giới cửu địa, mỗi một địa có chín phẩm, chín lần chín là 81 phẩm. Dục Giới là một địa, Sắc Giới Tứ Thiền là bốn Địa, Vô Sắc Giới Tứ Không là bốn Địa, cho nên tổng cộng là chín địa. Chín phẩm tư hoặc, Dục Giới đoạn được sáu phẩm phía trước, ba phẩm phía sau vẫn còn. Hay nói cách khác, họ vẫn còn cái duyên với Dục Giới, cần phải tái lai trở lại Dục Giới một lần, cho nên gọi là nhất lai, là một lần trở lại. Từ Tư Đà Hàm đến A La Hán, họ cần phải đem 81 phẩm tư hoặc của tam giới đoạn tận, gọi là kiến tư phiền não.

Kiến tư phiền não ở trong “Kinh Hoa Nghiêm” gọi là chấp trước. Bạn xem trong Phẩm Xuất Hiện của “Kinh Hoa Nghiêm”, Phật nói tất cả chúng sanh đều có trí huệ đức tướng của Như Lai, nhưng vì vọng tưởng phân biệt chấp trước mà không thể chứng đắc. Vọng tưởng chính là vô minh phiền não, phân biệt là trần sa phiền não, chấp trước chính là kiến tư phiền não. Nói một cách khác, chấp trước nếu không đoạn thì không thể ra khỏi sáu cõi. Bản lĩnh của A La Hán chính là trên trời dưới đất, thế xuất thế gian tất cả chư pháp các Ngài đều không còn chấp trước nữa, cho nên các Ngài siêu vượt sáu nẻo luân hồi. Cho nên chúng ta phải thường suy nghĩ, thấy sắc nghe tiếng đều chấp trước nghiêm trọng thì làm sao có thể nhập môn? Cái cửa này là cửa Tu Đà Hoàn. Tu Đà Hoàn không thể chứng đắc, thì chúng ta học Phật vĩnh viễn cũng ở ngoài cửa. Việc này các vị nhất định phải hiểu được. Tiểu thừa Tu Đà Hoàn nhập môn, Bồ Tát Đại Thừa Sơ Tín Vị (Sơ tín là tầng thứ nhất của thập tín, Bồ Tát thập tín vị), cảnh giới của Sơ Tín Vị và Tu Đà Hoàn hoàn toàn giống nhau, cũng là đoạn 88 phẩm kiến hoặc của tam giới, bạn là người học Đại Thừa thì liền chứng Đại Thừa, Bồ Tát Đại Thừa Sơ Tín Vị, Tiểu Thừa thì chứng quả Tu Đà Hoàn. Cho nên chúng ta học Phật quan trọng nhất là nói công phu đoạn chứng, không phải ở trên văn tự, cũng không phải ở trên lý luận. Văn tự và lý luận thì bạn đã thông được hay chưa? Căn bản là bạn chưa có thông, bạn chưa nhập cảnh giới thì làm sao mà thông?

Bạn giảng Kinh bạn lại chưa có chứng được cảnh giới này, bạn giảng đó là cái ý của chính mình mà thôi, không phải ý của Phật. Đoạn Kệ Khai Kinh: “Nguyện giải Như Lai chân thật nghĩa”, bạn không phải giảng Như Lai chân thật nghĩa, bạn là giảng cái ý của chính mình. Bạn giảng cái ý của chính bạn thì chính bạn tự độ mình cũng không được, bạn làm sao có thể độ người khác? Cho nên, sự việc giảng Kinh này khó. Ngày xưa, tiêu chuẩn của việc giảng Kinh là sau khi ngộ rồi mới đi giảng Kinh, mới làm chú giải cho Kinh điển, đều là sau khi ngộ rồi có tu có chứng, giảng giải của họ mới không có sai lầm, chú giải của họ mới không có sai lầm. Người hiện tại thì không được.

Người chứng quả, lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ nói với tôi, đại khái trên thế giới này không có một người nào cả, vậy thì chúng ta bất đắc dĩ mà cầu người kém hơn. Kém hơn nghĩa là gì? Là có tu, chân thật có tu hành, họ chưa có chứng, lắng nghe họ báo cáo việc tu học để cho chúng ta làm tham khảo. Vậy thì còn có thể. Họ thật sự có tu, thật tu chính là thật làm. Cũng như Thiện Đạo Đại Sư đã nói ở trong chú sớ “Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật” (Chú sớ này của Ngài thông thường gọi là Tứ Thiếp Sớ, Quán Kinh Tứ Thiếp Sớ là Thiện Đạo Đại Sư làm ra), ở trong “Thượng Phẩm Thượng Sanh Chương” Đại Sư nói rất hay: Điều mà Phật dạy chúng ta làm, chúng ta nhất định phải chăm chỉ nỗ lực mà làm; Phật dạy chúng ta không được làm, chúng ta nhất định phải tuân thủ, không thể vi phạm. Đây là chân tu hành, là y giáo phụng hành.

/ 374