480

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 274

PHẨM THỨ MƯỜI SÁU

ĐƯỜNG XÁ LU QUÁN 

Ở trong phẩm Kinh này, Thế Tôn vì chúng ta giới thiệu Phật A Di Đà cùng với Thế giới Tây Phương Cực Lạc, chư thượng thiện nhân, hoàn cảnh cư ngụ của các Ngài. Chúng ta từ trong phẩm Kinh này có thể nhìn thấy đại chúng của Thế giới Tây Phương Cực Lạc, cuộc sống tu hành của các Ngài không chỉ đáng để cho chúng ta hướng về, mà còn phát khởi nguyện vọng cầu sanh Tịnh Độ. Điều quan trọng hơn chính là chúng ta phải học hỏi các Ngài, trong hoàn cảnh trước mắt này nên phải tu học như thế nào. Bây giờ mời đại chúng xem Kinh văn.

Kinh văn: “Hựu Vô Lượng Thọ Phật, giảng đường tinh xá, lâu quán lan thuẩn, diệc giai thất bảo, tự nhiên hóa thành. Phục hữu bạch châu ma ni, dĩ vi giao lạc, minh diệu vô tỉ”.

Đây là đoạn thứ nhất. Trước tiên nói trú xứ của Phật. Chúng ta đã đọc đoạn Kinh này, cùng với Thích Ca Mâu Ni Phật năm xưa còn tại thế, nơi cư trú của Ngài là vô định xứ. So sánh ở dưới đây, mới biết được phước báu ở Thế giới Tây Phương Cực Lạc xác thực là Thế giới Ta Bà không thể nào so sánh được. Nhưng chúng ta nhất định phải hiểu được, Phật Phật đạo đồng, phước đức trí huệ đều là bình đẳng. Tại sao Thích Ca Mâu Ni Phật lại thị hiện ở thế gian này của chúng ta?

Giảng đường là nơi để thuyết pháp giảng Kinh dạy học, Thế Tôn năm xưa còn tại thế, nơi thuyết pháp này là ở chỗ nào? Hơn phân nửa là trong rừng núi hoặc dưới gốc cây, hoàn toàn không có nhà cửa phòng ốc. Các vị trong hiện tại, nếu như có thời gian, có thể đi đến Ấn Độ để tham quan du lịch, xem thử cái nơi mà năm xưa Thế Tôn đã dạy học, di tích đó vẫn còn. Tất nhiên là có quốc vương, đại thần trưởng giả cư sĩ cúng dường tịnh xá. Hình như các vị rất hiểu rõ, Trúc Lâm Tịnh Xá ở vườn Kỳ Thọ Cấp Cô Độc. Chế độ ở vào thời đó, Phật là vì chúng ta mà thị hiện hình tướng xuất gia, xuất gia nếu như mà lại có một cái gia khác thì hỏng rồi, đó không phải là xuất gia. Giống như hiện nay chùa miếu am đường xây dựng rất là nguy nga tráng lệ, các vị hãy suy nghĩ cho tường tận, có phải là bạn xuất cái nhà nhỏ để vào cái nhà lớn hay không? Cái nhà lớn này so với cái nhà nhỏ thì thích thú hơn nhiều. Chúng ta nhất định phải biết được, đây là người đời sau dựng nên, không phải là ý của Phật. Năm xưa, các tịnh xá là Phật nhận sự cúng dường từ quốc vương, đại thần, trưởng giả cư sĩ, quyền sở hữu tài sản là thuộc về người tại gia, chỉ là cúng dường cho Phật và những vị đệ tử của Phật dùng để giảng đạo và tu hành. Cho nên tôi thường nói, người xuất gia có quyền sử dụng, không có quyền sở hữu, quyền sở hữu là của quốc vương, đại thần, trưởng giả, cư sĩ. Tâm địa thanh tịnh, thật sự rời xa tham sân si mạn.

Phật pháp khi được truyền đến Trung Quốc là lúc Phật đã diệt độ một ngàn năm rồi, tình hình ở Trung Quốc, phong tục tập quán thì khác với người Ấn Độ. Người Trung Quốc xem trọng hiếu đạo, hiếu thân tôn sư, đặc biệt là lúc đó Ngài Ma Đằng, Ngài Trúc Lan đến Trung Quốc, vua chúa Trung Quốc đều thỉnh lão sư về cung để tiếp đãi, đâu có để cho lão sư ở trong rừng núi dưới gốc cây, đâu có để lão sư đi khất thực? Ở Trung Quốc thì nhất định không thể được. Chỗ thù thắng của Phật pháp, chúng ta từ ở chỗ này cũng có thể nghiệm thấy được, Phật pháp là hằng thuận chúng sanh, tùy hỉ công đức, tuyệt  đối là không có phân biệt chấp trước. Ở trong hội Lăng Nghiêm, Thế Tôn nói rất là hay: “Tùy chúng sanh tâm ứng sở tri lượng”. Mọi người thích làm như thế nào, Phật cũng gật đầu, đều hoan hỉ. Cho nên khi đến Trung Quốc mới xây cất tịnh xá, mà nhất định là kiến trúc của tịnh xá này cùng với hoàng cung là như nhau, kiến trúc theo kiểu cung điện, có ý nghĩa là người Trung Quốc đối với Phật rất là tôn trọng, đối với lão sư rất là tôn trọng. Tôn sư là vì trọng đạo. Cho nên ở vào thời đó, tự viện am đường rất nhiều là do nhà nước xây cất. Hiện nay quí vị đi đến Trung Quốc du lịch, nhìn xem các ngôi chùa lớn, trên bức hoành phi là chữ Sắc Kiến. Hai chữ Sắc Kiến này có nghĩa là nhà vua ra lệnh xây cất, tài sản này là thuộc về của quốc gia, tài sản của đất nước, người xuất gia chỉ cần cạo tóc, chính thức thọ giới, có được giới điệp, thì có thể đến ở bất kì đạo tràng nào. Tòng Lâm được gọi Tòng Lâm mười phương, đạo tràng mười phương. Do đó thân tâm người xuất gia luôn an ổn, không sợ không có nơi để ở, không sợ không có chỗ để ăn. Chỉ cần người xuất gia ở trong tự viện am đường có trách nhiệm, đều có thể đi đến ở các chùa khác. Các đạo tràng ở Trung Quốc những năm đầu tiên, đại đa số là do nhà nước xây cất, cũng có người dân phụng hiến, nhưng đều là thập phương thường trụ. Từ thập phương thường trụ lại biến thành chùa miếu của con cháu, lịch sử này không có lâu, nhưng sự phát triển biến đổi của nó rất là nhanh. Hiện nay, hầu như tất cả tự viện đều biến thành tự viện am đường của con cháu. Nếu bạn không quen biết với trụ trì của chùa, không có thân thích, bạn muốn nghỉ lại ở chỗ này một đêm e rằng chẳng có dễ dàng gì, khách sáo lắm thì đãi cho bạn một bữa cơm, cúng dường cho bạn một bữa cơm. Cho nên hiện nay người xuất gia chẳng dễ dàng gì. Điều này chúng ta cần phải nên biết.