PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ
TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 268
PHẨM THỨ MƯỜI LĂM: BỒ ĐỀ ĐẠO TRÀNG
Từ phẩm thứ mười ba đều là giảng y báo trang nghiêm. Thế Tôn vì chúng ta mà giới thiệu Thế giới Tây Phương Cực Lạc, nhìn từ mặt ngoài là nói hoàn cảnh sinh hoạt của Thế giới Tây Phương, thực tế bên trong hàm chứa nghĩa lý rất sâu, rất đáng để cho chúng ta học tập. Đầu đề từ phẩm thứ 14 đến phẩm thứ 17, ở trong khoa phán các bạn nhìn thấy “trùng hiển y báo trang nghiêm”. Chúng ta đọc qua “Kinh Hoa Nghiêm”, đều biết rằng bên trong y báo không có một pháp nào, không phải là biểu pháp, nghĩa thú rất sâu rất rộng. Chúng ta từ ở chỗ này mà quan sát, mà tư duy, mà thể hội, mới có thể đạt được diệu pháp thậm thâm của Như Lai.
Phẩm thứ mười lăm của ngày hôm nay là Bồ Đề Đạo Tràng. Chữ quan trọng nhất của phẩm đề chính là chữ “Đạo”, ở trong đầu đề quan trọng nhất là đạo. Đạo gì vậy? Đạo Bồ Đề. Ba chữ Đạo Bồ Đề này là chỉ đại đạo mà Thế Tôn đã chứng đại giác viên mãn cứu cánh, đây là chỗ chuyển phàm thành Thánh, cho nên gọi là Bồ Đề đạo tràng. Người ở mười phương thế giới vãng sanh Thế giới Tây Phương Cực Lạc, ở cái đạo tràng này rất là tự nhiên, rất dễ dàng chứng được Phật quả cứu cánh viên mãn. Đây là một việc mà ở thế giới của tất cả chư Phật đều không có, là điểm đặc thù của Tịnh Độ Di Đà. Cho nên, mười phương chư Phật chẳng có vị Phật nào mà không tán thán, trong Kinh Di Đà mà chư vị thường hay tụng (bản dịch của Ngài Cưu Ma La Thập) thì sáu phương Phật tán thán. Bản dịch của Đại Sư La Thập là thuận theo sự ưa thích của người Trung Quốc, người Trung Quốc thích sự đơn giản, đem mười phương giản lược còn sáu phương. Nếu như chư vị nhìn thấy bản dịch của Đại Sư Huyền Trang, các vị sẽ biết được trong “Kinh A Di Đà”là mười phương chư Phật tán thán. Mười phương hay sáu phương ý nghĩa đều giống nhau, nói rõ tất cả chư Phật đều là tán thán Phật A Di Đà. Mà trung tâm của Tịnh Độ Di Đà chính là Bồ Đề đạo tràng. Điều không thể nghĩ bàn là Bồ Đề đạo tràng đều có khắp nơi, không phải chỉ có ở một nơi. Nếu chỉ có ở một nơi, chúng ta lại cảm thấy khó khăn, e rằng bản thân mình có rất ít cơ hội để thân cận, không biết rằng Phật Di Đà thần thông thật sự rộng lớn. Bồ Đề đạo tràng như vậy ở Thế giới Tây Phương Cực Lạc có khắp quốc độ, khắp nơi đều có. Ở trong “Kinh Hoa Nghiêm”, chúng ta nhìn thấy mỗi lúc mỗi nơi đều là Bồ Đề đạo tràng, vấn đề chính là bạn có biết hay không.
Chư vị đại đức bên Thiền tông thường trắc nghiệm đệ tử, hỏi bạn biết không. Ý nghĩa ở trong hai chữ này thâm diệu vô cùng. Vấn đề là bạn biết hay không biết. Biết là cái gì? Bạn có thể hiểu được lục trần thuyết pháp, thấy sắc nghe tiếng chẳng có cái nào mà không là chỗ ngộ, trong nhà Phật chúng ta thường nói khai ngộ, giúp cho bạn khai ngộ, chuyển mê thành ngộ, chuyển thức thành trí, chuyển phiền não thành Bồ Đề, chuyển lục đạo thành nhất chân pháp giới, chuyển tất cả chúng sanh thành chư Phật Như Lai. Đây là Bồ Đề đạo tràng. Đạo lý này bạn nhất định phải hiểu, sau đó bạn mới biết được ở bên trong của Bồ Đề đạo tràng, bên trong việc này hiển thị ý nghĩa sâu xa của nó. Mật nghĩa của nó, các đồng tu học Phật chúng ta đều hiểu rằng, mười phương ba đời tất cả chư Phật Như Lai, bản thân của các Ngài cũng là từ phàm phu giống như chúng ta tu thành chánh quả, tu thành Phật quả vô thượng. Các Ngài tu như thế nào? Không lìa xa giới định huệ tam học. Chư Phật Như Lai giúp đỡ tất cả chúng sanh chính là kinh nghiệm tu hành chứng quả của bản thân các Ngài truyền lại cho chúng ta, cung cấp cho chúng ta, cũng là tam học. Chuyển ác thành thiện là giới học, chuyển tạp loạn thành chuyên nhất là định học, chuyển mê hoặc thành sáng suốt là tuệ học. Bạn chuyển ở chỗ nào thì chỗ đó gọi là đạo tràng. Đạo tràng không nhất định là phải có nhà cửa cung điện cao ốc, mà bạn chuyển được vào lúc nào thì lúc đó chính là đạo tràng. Cách giảng pháp này của tôi chư vị dễ hiểu. Nhất định phải ghi nhớ.
Chúng ta xem, Phật vì chúng ta mà để lại rất nhiều Kinh điển như vậy, hiện giờ được sắp xếp thành một bộ tùng thư, chúng ta gọi là “Đại Tạng Kinh”. “Đại Tạng Kinh” trong đó phân ra thành Kinh, Luật và Luận nên gọi là ba tạng. Kinh thì chú trọng về định học, luật thì chú trọng về giới học, luận thì chú trọng về tuệ học, không phải dùng Kinh điển này để dạy người hay sao? Điều quan trọng nhất mà chúng ta học là phải nắm cho thật vững cái cương lĩnh này. Nguyên tắc nắm cho thật vững, đây chính là ở trong Phật pháp thường nói là tổng trì pháp môn. Tổng trì ở trong Kinh Phật giảng (mà hiện nay chúng ta thường gọi là tổng cương lĩnh tổng nguyên tắc) chính là tam học giới định tuệ. Nếu như làm ngược lại tam học giới định huệ, thì bạn không phải là học Phật pháp. Kết cuộc là chúng ta có học Phật hay không thường là căn cứ vào ba nguyên tắc, ba cương lĩnh này mà đối chiếu. Giới luật bất luận là có nhiều đi nữa, thì tổng nguyên tắc chính là chuyển ác thành thiện.