PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ
TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 266
ĐỆ THẬP TỨ: BẢO THỤ BIẾN QUỐC
Phẩm Kinh văn này Thế Tôn muốn giới thiệu với chúng ta về y báo trang nghiêm của Thế giới Tây Phương, dùng lời của chúng ta hiện tại mà nói, chính là hoàn cảnh học tập cư trú sinh hoạt. Trên phẩm đề nói chữ “bảo”, chữ “thụ”, chữ “biến quốc”, ba sự việc này chúng ta nhất định phải có thể hiểu được. Hiểu được nghĩa thú biểu pháp của nó thì mới có thể học được điều gì đó.
“Bảo” là cái gì? Tại thế gian này thật sự có thể giải quyết được tất cả vấn đề khó khăn thì chúng ta gọi là bảo. Giàu có là bảo, vì có thể giải quyết được vấn đề đời sống vật chất của chúng ta, đây là bảo. Tri thức là bảo, có thể thỏa mãn được đời sống tinh thần của chúng ta là bảo. Nhưng càng quan trọng hơn với con người, vấn đề thật sự chính là vấn đề sanh tử. Nếu như có thể tìm được cách giải quyết được vấn đề sanh tử, thì đó chân chánh là đại bảo, là cái bảo thù thắng nhất. Phật pháp được gọi là Tam Bảo, nói ba sự việc này không những có thể giúp chúng ta giải quyết được đời sống tinh thần, vật chất trước mắt, giải quyết được tất cả khó khăn, mà còn có thể giúp đỡ chúng ta giải thoát khỏi sáu nẻo luân hồi, thoát ly mười pháp giới, chân thật chứng được cảnh giới đại Niết Bàn bất sanh bất diệt. Niết Bàn là tiếng Phạn, ý nghĩa là bất sanh bất diệt. Thành tựu quả đức cứu cánh viên mãn, đây mới là cái bảo chân chánh. Ở thế gian này tìm không ra. Ở trong Phật pháp chúng ta thường nói cái bảo này là ở đâu? Bảo nằm ở trong bổn tánh của chúng ta. Việc này chúng ta không thể không biết. Nhưng dường như chúng sanh trong lục đạo đều để lạc mất cái kho bảo vật đầy đủ cứu cánh viên mãn ở trong tự tánh của chính mình rồi. Nói với các vị, là bị thất lạc chứ không phải thật sự bị mất đi. Người người đều có đầy đủ, hiện tại bởi vì bạn mê mất, sau khi bị mê rồi thì cái bảo này không thể hiện tiền, cho nên bạn hiện tại cuộc sống liền cảm thấy rất buồn phiền, rất đau khổ, tùy theo nghiệp lực mà lưu chuyển.
Nghiệp lực này là gì? Là phiền não tập khí của bạn, tùy thuận theo tự tư tự lợi của bản thân, tham sân si mạn, sự yêu ghét đối với ngũ dục lục trần, những thứ này liền tạo thành lục đạo, biến hiện thành tam đồ. Tam đồ lục đạo đều không phải là thật, ở trên “Kinh Bát Nhã” Phật thường nói “phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”, “nhất thiết hữu vi pháp như mộng huyễn bào ảnh”, trên “Bát Nhã Tâm Kinh” thì nói với chúng ta là “ngũ uẩn giai không”, nào có chân thật! Ai thấu hiểu chân tướng sự thật? Người giác ngộ. Người nào giác ngộ? Chúng ta gọi người giác ngộ là A La Hán, A La Hán thật sự đã giác ngộ, Bồ Tát giác ngộ, còn Phật là giác ngộ cứu cánh viên mãn. Các Ngài rõ ràng, các Ngài minh bạch rồi. Bất giác thì gọi là phàm phu. Là phàm phu ở đâu? Là phàm phu ở trong sáu nẻo, phàm phu trong chín pháp giới. Người người đều có Phật tánh. Phật tánh là bảo.
Trước khi Phật pháp chưa truyền đến Trung Quốc, Thánh nhân Trung Quốc biết, không phải không biết. Nho gia đã nói rất nhiều, Đạo gia cũng nói rất nhiều, thậm chí Chư Tử thời tiên Tần đã nói rất nhiều đạo lý, đều là hiện rõ cái trí huệ chân thật, không có sai khác với những gì Phật Bồ Tát nói. Các đồng học học Phật chúng ta đối với sự việc này, trong tâm thường hay có nghi vấn, Khổng Phu tử, Mạnh Phu tử, Lão Tử, Trang Tử, những vị tiên hiền này có phải là Phật Bồ Tát đã ứng hóa đến hay không? Nếu không thì lời của các Ngài nói vì sao mà rất gần với nội dung trong Kinh Phật? Năm xưa tôi cũng có thắc mắc vấn đề này, và đã thỉnh giáo với lão sư Lý. Lão sư nói với tôi, trên lý thì nói được thông, chư Phật Bồ Tát tùy loại hóa thân, đất nước Trung Quốc này khi xưa không thể hiện cái hình tướng Phật Bồ Tát để giáo hóa chúng sanh, không khế cơ ở nơi này, vậy thì phải hiện tướng như thế nào? Phải hiện tướng Khổng Tử, hiện tướng Mạnh tử, hiện tướng Lão Tử, Trang Tử, những người này thì họ hoan hỷ tiếp nhận. Về lý thì có thể nói được thông, nhưng mà về sự thì lại không tìm ra được chứng cứ, không có chứng cứ. Lão sư đã giải đáp cho chúng tôi, giải đáp này rất hay.