/ 374
843

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 261

****************

Nếu như vẫn còn nghi hoặc, vẫn còn giải đãi, vẫn còn lười biếng thì vấn đề đã nghiêm trọng rồi. Người nào ngày ngày giảng Kinh cho bạn? Bạn có được bao nhiêu phước báo? Tìm một người thiện tri thức ngày ngày có thể nghe họ giảng Kinh thật chẳng dễ dàng, nhưng hiện tại có những thiết bị như máy ghi hình, việc này thì rất thuận tiện cho chúng ta. Pháp sư giảng bộ Kinh này, chúng ta đem băng ghi hình mang về nhà, ngày ngày có thể nghe đi nghe lại. Đây là việc mà người thời trước không có cách nào tưởng tượng ra, đây là con người đời nay chúng ta có phước, người xưa không có cách nào tưởng tượng ra nổi. Chúng ta ngày nay đã làm được, vậy ngày nay bạn ở nhà dùng những thiết bị tiên tiến này, bạn có dùng để nghe Kinh không? Hay là bạn dùng để xem phim truyền hình, để nghe nhạc? Việc này chính bạn là người hiểu rõ nhất. Nếu như bạn đem thời gian đó chỉ để nghe Kinh thì bạn sẽ thành tựu.

Người ở trong nhà thì nhiều, hiện nay tuy là gia đình nhỏ, ngoài vợ chồng còn có con cái, có những lúc còn có bạn bè người thân đến, vì thế hiện nay hầu hết các gia đình ở trong các thành phố không chỉ có một cái truyền hình. Tôi đi quan sát thấy rất nhiều, mỗi phòng trong nhà đều có, rất dễ dàng dùng một cái phòng để chuyên nghe Kinh Phật. Ngày ngày bạn nghe Kinh, nghe một cách rất thích thú,không nghe mấy thứ đó của họ, dần dần họ sẽ đến hỏi bạn cái đó thật sự nghe rất hay phải không? “Không sao, cứ đến xem thử”,từ từ bạn sẽ độ được hết những người ở trong nhà bạn, cũng độ được luôn những người hàng xóm của bạn. Bạn phải có cái tâm lâu dài, bạn phải đem cái thành tích tu học ra cho tất cả mọi người xem, như vậy thì mới được. Chư Phật Bồ Tát niệm niệm đều lo nghĩ vì người khác. Nguyên tắc này nhất định phải nhớ cho kỹ, không nên lo nghĩ vì bản thân, bạn ở nhà mỗi ngày nghe Kinh tám giờ đồng hồ không phải vì chính mình, mà vì tất cả những người trong nhà, âm thầm thay đổi, tự độ độ người, không phải tự tư tự lợi. Chỉ cần công phu sâu, thời gian dài, nhất định có thể cảm động người. Đây là khẳng định. Cho nên chúng ta hiểu rõ những vấn đề này, ghi nhớ những kinh nghiệm giáo huấn tu học của Đại đức xưa, không những phải học tập mà còn phải phát dương quang đại, lợi ích xã hội đại chúng. Phải đem “oai thần quang minh, tối tôn đệ nhất” của Phật A Di Đà biểu hiện ra ở ngay trên người của mình, xem có nhận được tôn xưng là người xuất gia đệ nhất của xã hội đại chúng hay không, là người xuất gia tối tôn hay không? Đến một ngày nào đó chúng ta ở trong xã hội này được người ta xưng tán là tối tôn đệ nhất, chúng ta mới không có lỗi với Phật A Di Đà, mới là học trò của Phật A Di Đà. Ngài ở trong chư Phật là tối tôn đệ nhất, thì hàng học trò cũng phải là tối tôn đệ nhất trong tất cả học trò. Chúng ta có từng nghĩ đến hay chưa,có chăm chỉ nỗ lực để làm hay chưa?

Câu nói “thập phương Phật tán”, “biến chiếu Đông phương hằng sa thế giới”, câu này đã nói rất cụ thể,phía sau là “Nam -Tây -Bắc phương, tứ duy thượng hạ”, tứ duy là Đông Bắc, Đông Nam, Tây Bắc, Tây Nam, cùng thượng phương và hạ phương là mười phương. Mười phương chư Phật đều tán thán Phật A Di Đà.

Chúng ta xem phần sau cùng của đoạn này.

Kinh văn: “Nhược hóa đảnh thượng viên quang, hoặc nhất, nhị, tam, tứ do-tuần, hoặc bách thiên vạn ức do-tuần. Chư Phật quang minh, hoặc chiếu nhất, nhị Phật sát, hoặc chiếu bách thiên Phật sát, duy A Di Đà Phật, quang minh phổ chiếu vô lượng vô biên vô số Phật sát”.

Những câu Kinh văn này đều rất quan trọng, khi đọc đến chúng ta không thể nào được qua loa. Phật có thân quang, có phóng quang. Chúng ta nói đến Phật quang, thông thường là có hai loại này. Thân quang là thường quang, quầng sáng trên Phật đỉnh là thường quang. Thân thể của Phật cũng phóng quang, đây cũng là thường quang. Hào quang của Phật Thích Ca Mâu Ni, trên các Kinh điển nói hào quang của thân tám thước, nếu như phóng quang thì sẽ khác. Cái thân mà chư Phật sở hiện không như nhau, thân quang cũng không như nhau. Thực tại mà nói, Phật Phật đạo đồng, làm gì có cái khác nhau. Chúng sanh không tương đồng, chúng sanh nghiệp chướng không như nhau, người có nghiệp chướng nặng thì nhìn không thấy Phật quang, người nghiệp chướng nhẹ thì có thể nhìn thấy Phật quang, người nhẹ hơn nữa thì thấy hào quang của Phật càng lớn. Phật phóng quang diệc phục như thị, đây chính là từ nghiệp lực của chúng sanh mà nói. Ngoài ra còn có một cách nói, là từ duyên phần của chúng sanh mà nói. Người thế gian này chúng ta cũng như vậy, gặp được người có duyên thì rất hoan hỷ, người không có duyên thì không muốn gặp mặt họ.

/ 374