PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ
TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 262
Khoa hội: “Quang minh biến chiếu đệ thập nhị”.
Phía trước đã giới thiệu qua cho các vị “Oai quang biến chiếu” rồi. Chúng ta tiếp tục xem phía dưới.
Kinh văn: “Chư Phật quang minh, sở chiếu viễn cận, bổn kỳ tiền thế cầu đạo, sở nguyện công đức, đại tiểu bất đồng. Chí tác Phật thời, các tự đắc chi, tự tại sở tác, bất vi dự kế”.
Trong đoạn Kinh văn này, chúng ta đặc biệt phải chú ý, để có thể thể hội được. Bồ Tát thành Phật, sau khi thành Phật hoàn toàn bình đẳng, không có Phật trước Phật sau, cũng không có vị Phật nào lớn, vị Phật nào nhỏ, hoàn toàn bình đẳng, nhưng độ chúng sanh thì không bình đẳng, quang minh của Phật đã thị hiện lớn nhỏ không bình đẳng. Đây là do nguyên nhân gì vậy? Thế Tôn từ ở chỗ này vì chúng ta mà đã nói ra, là tiền kiếp, tức là lúc mà hành Bồ Tát đạo, Bồ Tát giống nhau đều là Bồ Tát, nguyện lực của Bồ Tát lớn nhỏ, không tương đồng; tâm lượng của Bồ Tát lớn nhỏ, cũng không tương đồng, công đức tu học cũng không giống nhau, vì vậy đến khi thành Phật, trên quả địa quang minh độ chúng sanh cũng là không tương đồng. Những sự việc này ở trên quả địa Như Lai hoàn toàn là không cố ý, mà là tự nhiên. Cho nên, thành Phật cũng không tránh khỏi nghiệp nhân quả báo, trồng nhân tốt thì quả báo thù thắng.
Chúng ta xem câu phía dưới:
Kinh văn: “A Di Đà Phật, quang minh thiện hảo, thắng ư nhật nguyệt chi minh, thiên ức vạn bội. Quang trung cực tôn, Phật trung chi vương”.
Trong các chư Phật đang hành Bồ Tát đạo, xác thực duy chỉ có nguyện lực A Di Đà Phật là thù thắng hơn cả. Thực sự trong các chư Phật, đây là xứng với danh xưng “Quang trung cực tôn, Phật trung chi vương”. Thường quang của Ngài phóng quang đều là chư Phật không thể bì được, thực sự trên quả địa chư Phật không có so sánh, là tự nhiên. Nguyên nhân là trên nhân địa phát nguyện không giống nhau, quả báo không giống nhau.
Ở phía dưới Thế Tôn vì chúng ta nói ra 12 quang. Mười hai quang Phật này đều là A Di Đà Phật. Ở phía trước nói với chúng ta “Quang trung cực tôn”, câu này là nói tổng quát, 12 câu sau là nói riêng biệt.
Kinh văn: “Thị cố Vô Lượng Thọ Phật, diệc hiệu Vô Lượng Quang Phật, diệc hiệu Vô Biên Quang Phật, Vô Ngại Quang Phật, Vô Đẳng Quang Phật, diệc hiệu Trí Huệ Quang, Thường Chiếu Quang, Thanh Tịnh Quang, Hoan Hỉ Quang, Giải Thoát Quang, An Ổn Quang, Siêu Nhật Nguyệt Quang, Bất Tư Nghì Quang”.
“Thị cố Vô Lượng Thọ Phật, diệc hiệu Vô Lượng Quang Phật, diệc hiệu Vô Biên Quang Phật”. Ở phía sau hai chữ “Diệc hiệu” này là tĩnh lược rồi. “Diệc hiệu” là cứ như vậy mà nối tiếp “Vô Ngại Quang Phật, Vô Đẳng Quang Phật, diệc hiệu Trí Huệ Quang, Thường Chiếu Quang, Thanh Tịnh Quang, Hoan Hỷ Quang, Giải Thoát Quang, An Ổn Quang, Siêu Nhật Nguyệt Quang, Bất Tư Nghị Quang”. “Trí Huệ Quang” cộng thêm “Diệc Hiệu”, phía sau lược bỏ một từ “Phật”. Nếu như xưng hô đầy đủ là “Diệc hiệu Trí Huệ Quang Phật”, “Thường Chiếu Quang Phật”, cần phải là như vậy. Tất cả là lược bỏ trên danh tự. Mười hai quang này chính là A Di Đà Phật, chính là Vô Lượng Thọ Phật, cũng chính là bộ “Kinh Đại Thừa Vô Lượng Thọ” này, cũng chính là 48 nguyện mà trong bổn Kinh đã nói, nói đến cuối cùng chính ngay tự tánh chân tâm của con người. Cái điểm này quan trọng hơn so với mọi thứ. A Di Đà Phật chính là chân như bản tánh của chính bản thân chúng ta, chính là chân tâm của bản thân chúng ta. Tại sao vậy? Chân tâm của chúng ta đầy đủ vô lượng quang minh, vô lượng thọ mạng, vô lượng đức tướng, ở trong đoạn Kinh văn này, đã hiển thị ra rất là đầy đủ rồi. Danh hiệu này chúng tôi xin giới thiệu ngắn gọn với các vị.
“VÔ LƯỢNG QUANG PHẬT”
“Vô Lượng Quang Phật” là tự tánh quang minh bát nhã vốn có, không có hạn lượng, cho nên Phật cũng xưng là Vô Lượng Quang Phật. Ý nghĩa sâu sắc ở chỗ này, chúng ta nên tỉ mỉ mà thể hội. Mục đích của việc học Phật không ngoài việc mở mang quang minh đức tướng tự tánh vốn có, cho nên ở trong Kinh điển Đại Thừa Đức Phật thường nói: “Phật không độ chúng sanh”. Phật chẳng có một chút gì để cho chúng sanh, chúng sanh thành Phật hoàn toàn là do khôi phục tánh đức mà thôi. Tánh đức là chính bản thân bạn vốn đã có, không phải là đến từ bên ngoài. “Kinh Hoa Nghiêm Phẩm Xuất Hiện” đã nói: “Tất cả chúng sanh đều có trí huệ đức tướng của Như Lai, do vì vọng tưởng chấp trước mà không thể chứng đắc”. Câu này chúng ta phải nhớ kỹ. Tất cả chúng sanh cùng với chư Phật Như Lai vốn là giống nhau, tại sao bây giờ Ngài đã thành Phật rồi chúng ta vẫn còn là chúng sanh? Bởi vì do vọng tưởng phân biệt chấp trước tạo thành hình tướng này của chúng ta hiện nay.