/ 374
539

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 260

****************

ĐỆ THẬP NHỊ:

QUANG MINH BIẾN CHIẾU

Kinh văn giảng đến chỗ này giới thiệu Thế giới Tây Phương chánh báo trang nghiêm. Kinh văn phân thành hai đoạn, đoạn thứ nhất là chủ, đoạn thứ hai là bạn. Chủ là Phật A Di Đà giáo chủ Tây Phương.

Kinh văn: "Phật cáo A Nan: “A Di Đà Phật oai thần quang minh, tối tôn đệ nhất. Thập phương chư Phật, sở bất năng cập, biến chiếu Đông phương hằng sa Phật sát. Nam, Tây, Bắc phương, tứ duy thượng hạ, diệc phục như thị”".

Chúng ta xem đoạn Kinh này, đoạn Kinh này trong 48 nguyện chính là sự thành tựu của nguyện thứ 13 và 14. Nguyện thứ 13 là “nguyện quang minh vô lượng”, nguyện 14 là “nguyện xúc quang an lạc”. Thế Tôn ở tại chỗ này đã gọi A Nan và nói với ông, gọi đích danh người đương cơ thì phía sau nhất định là khai thị rất quan trọng, đặc biệt nhắc nhở ông chú ý. Chúng ta biết A Nan tôn giả ở trong pháp hội là người đại biểu cho chúng ta, Phật gọi A Nan, cái ý này chính là gọi đích danh mỗi một người trong mỗi chúng ta, khiến chúng ta cảm thấy vô cùng thân thiết. Đoạn Kinh văn này, những đồng tu mới học đọc tới thì không có vấn đề, người tu hành lâu đọc đến đoạn Kinh này thì khó tránh sanh hoài nghi. Vì sao vậy? Thế Tôn trước giờ dạy bảo chúng ta đều nói rằng Phật pháp là bình đẳng, mười phương ba đời tất cả chư Phật trí huệ bình đẳng, đức năng bình đẳng, tướng hảo bình đẳng, không có gì là không bình đẳng, vậy tại sao mà Phật A Di Đà lại trở thành tối tôn đệ nhất? Cái vấn đề này thật sự hỏi rất có lý, không phải không có đạo lý. Không những người hiện tại có vấn đề này, mà đã có từ xưa rồi. Từ xưa chư Tổ sư Đại đức thường nói, chúng sanh tu hành chứng quả đoạn phiền não đều như nhau, kiến tư phiền não đoạn tận, trần sa phiền não đoạn tận, vô minh phiền não cũng đoạn tận, như vậy mới chứng được quả vị cứu cánh viên mãn, do đó quả thật là tương đồng, không có sai biệt, Phật Phật đạo đồng, nhưng mà trong sự tương đồng vẫn có sự bất đồng. Bất tương đồng ở chỗ nào? Hạnh - nguyện bất tương đồng. Mỗi một vị Phật đều phát nguyện khác nhau, do đó mà thấy, trong tương đồng cũng có dị biệt, trong bất đồng cũng có tương đồng. Những đạo lý những chân tướng sự thật này, chúng ta đều phải nên đem chúng làm cho rõ ràng, cho minh bạch thì mới có thể đoạn nghi sanh tín. Ở trong số tất cả chư Phật, thực tại hoằng nguyện mà Phật A Di Đà đã phát không hề giống với những vị Phật khác. Sự việc này chúng ta không hề thấy khó hiểu. Ví dụ như ở thế gian này của chúng ta, có một số người rất giàu sang phú quý, địa vị của họ tương đồng, trí tuệ cũng tương đồng, năng lực cũng tương đồng, của cải cũng tương đồng, thế gian này của chúng ta, những người như vậy có thể tìm được, nhưng mà nguyện vọng của mỗi một người không giống nhau, cũng chính là nói, tuy là đức năng và trí huệ của họ có thể đều tương đồng, nhưng sự cống hiến của họ đối với xã hội thì không tương đồng. Trong xã hội chúng ta đều có thể nhìn thấy. Đương nhiên chư Phật Như Lai đều không có tự tư tự lợi, đều viên mãn chứng được chúng sanh quốc độ trong hư không pháp giới là chính mình, đây là khẳng định đều đã chứng được. Do vậy, chư Phật Như Lai bất luận các Ngài đã phát nguyện gì thì cũng không ngoài việc vì chúng sanh mà phục vụ, cũng chính là chúng ta thường nói tứ hoằng thệ nguyện. Tứ hoằng thệ nguyện là đại nguyện chung của hết thảy chư Phật Như Lai, thật sự là bình đẳng, không có sai biệt. Phật A Di Đà phát 48 thệ nguyện đó chính là biệt nguyện, đây là hoằng nguyện đặc biệt của vị tôn Phật này, có một chút khác biệt so với các vị khác, người thông thường chúng ta gọi là đại đồng tiểu dị. Phật A Di Đà đã phát cái nguyện này quá viên mãn, mười phương ba đời tất cả chư Phật Như Lai đều tán thán, đều cổ vũ cho Ngài, thế là Ngài đã trở thành tối tôn đệ nhất, sự tình chính là như vậy. Vậy thì chúng ta thắc mắc, tất cả chư Phật Như Lai mười phương có phát cái hoằng nguyện của Phật A Di Đà hay không? Khẳng định là đều phát, nhưng mà chung quy là Phật A Di Đà dẫn đầu, Ngài phát trước tiên, Ngài phát đầu tiên hết, sau đó mới phát nguyện theo Ngài, cho nên Ngài vẫn là “Quang trung cực tôn, Phật trung chi vương”, đạo lý là ở chỗ này.

/ 374