PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ
TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 259
Người học tập thì nhiều, người và người biết tôn trọng lẫn nhau, biết kính yêu lẫn nhau, biết hợp tác lẫn nhau thì xã hội an định thế giới hòa bình. Từ trong nhà của mình mà bắt đầu làm. Công đức này không thể nghĩ bàn. Chúng ta ngày nay sống trong ngũ trược ác thế cũng có thể làm được công đức không thể nghĩ bàn. Các đồng học giảng Kinh, các đồng học lớp bồi huấn của chúng ta giảng Kinh ở tại nơi này, chúng ta phải nhiệt tình ủng hộ để thành tựu cho họ. Ủng hộ như thế nào? Là đến nghe, chỉ cần có thời gian thì hãy đến nghe, để cho những pháp sư trẻ tuổi này tăng thêm lòng tin ở trên giảng đài. Họ nhìn thấy người đến nghe cũng không ít, bản thân sẽ có lòng tin, đại khái thấy mình giảng cũng không tệ, nên có nhiều người đến tham dự như vậy. Nếu như nhìn thấy không có mấy người đến nghe, tinh thần liền sa sút, lòng tin không còn nữa, giảng Kinh sẽ rất khó, “bạn xem, đâu có ai đến nghe, có lẽ tôi không phải người làm việc này”, họ liền thoái tâm. Cho nên chúng ta đến nghe là đã cho họ một sự khích lệ, đã cho họ một sự tin tưởng. Tương lai họ thành tài rồi, hoằng pháp lợi sanh tại thế gian này đều có một phần công đức hộ trì của chúng ta. Cơ hội kiểu như vậy ở nơi khác đều không có, chúng ta ở nơi này thì có. Ở nơi này không tổ chức lớp bồi huấn thì cơ hội này bạn cũng sẽ không có. Bởi vì có lớp bồi huấn, đồng học luyện tập giảng Kinh ở tại nơi này. Singapore là có cơ hội như vậy. Cơ duyên này không thể để mất đi. Bạn đến nghe giảng Kinh sẽ có công đức rất lớn, đây là thành tựu cho pháp sư giảng Kinh, bồi dưỡng cho pháp sư giảng Kinh, dành cho pháp sư giảng Kinh sự tin tưởng, vả lại còn cho pháp sư giảng Kinh một sự góp ý. Bạn nghe họ giảng, sau khi nghe xong có chỗ nào nghi hoặc thì hỏi họ, đem sự nghi vấn của bạn viết ra tờ giấy, gửi lên cho họ để họ làm tham khảo, giúp đỡ họ cải tiến. Ở chỗ nào, những điểm nào mà họ giảng sai thì phải nhắc nhở họ, công đức sẽ vô lượng vô biên. Chúng ta phải đem thế giới này chuyển biến thành Tịnh Độ của chư Phật.
Kinh văn: “Kỳ quốc chúng sanh, công đức thiện lực, trụ hạnh nghiệp địa, cập Phật thần lực, cố năng nhĩ nhĩ”.
Đây là phần tổng kết của đoạn này. “Kỳ quốc” là nói Thế giới Cực Lạc của Phật A Di Đà. Ở điểm này chúng ta phải chú ý, “kỳ quốc chúng sanh”, chúng sanh của Thế giới Cực Lạc là từ đâu đến? Là từ thế giới chư Phật mười phương vãng sanh đến. Phía trước tôi đã nói qua với các vị, Thế giới Cực Lạc là quốc độ thành tựu do nguyện lực của Phật A Di Đà, là quốc độ mới xây dựng, ở nơi này không có cư dân bản xứ, tất cả cư dân đều là từ thế giới mười phương niệm Phật mà vãng sanh đến. Mỗi một người niệm Phật tâm địa đều thanh tịnh. Tâm tịnh thì Phật độ tịnh. Nếu tâm không thanh tịnh thì nhất định không thể sanh Tịnh Độ. Không phải nói niệm Phật thì có thể vãng sanh, lời nói này vốn dĩ không có sai, chỉ là sợ bạn hiểu sai ý của nó. Tôi ngày ngày niệm “A Di Đà Phật, A Di Đà Phật…”, thì tôi khẳng định vãng sanh, vậy thì bạn đã hiểu sai cái ý của câu này. Dùng phương pháp niệm Phật để giúp đỡ chúng ta khôi phục tâm thanh tịnh. Niệm Phật là phương pháp, là phương tiện, mục đích là tâm thanh tịnh. Chúng ta ở trong cuộc sống thường ngày, xử sự đối người tiếp vật, trong tâm mà khởi một niệm tham là không thanh tịnh rồi, liền niệm “A Di Đà Phật” đem ý niệm này trừ bỏ; khởi một cái tâm sân hận là tâm không thanh tịnh, một tiếng “A Di Đà Phật” này đã trừ bỏ đi cái ý niệm sân hận. Câu “A Di Đà Phật” này là phương pháp, là một phương tiện đem tất cả ý niệm bất thiện, ý niệm không thanh tịnh hết thảy đều trừ bỏ, đây gọi là niệm Phật, đây gọi là biết niệm. Tâm tịnh thì Phật độ tịnh, như vậy mà cầu nguyện vãng sanh cùng với Thế giới Tây Phương Cực Lạc hoàn toàn tương ưng. Cho nên, chúng ta dùng một câu Phật hiệu này để tu tâm thuần tịnh, tu tâm thuần thiện, chân thật là không để chút bất thiện nào xen tạp, không để cho chút bất tịnh nào xen tạp. Dụng công là cái công phu này, đây gọi là biết dụng công. Cho nên phàm là người vãng sanh đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc, mỗi một người bất luận họ sống ở quốc độ nào, họ là phẩm vị như thế nào, nói cho cùng đều là “phát tâm Bồ Đề, một lòng chuyên niệm”.