/ 374
793

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 258

Kinh văn: “Chúng sanh nghiệp báo, diệc bất khả tư nghị, chúng sanh thiện căn, bất khả tư nghị, chư Phật Thánh lực, chư Phật thế giới, diệc bất khả tư nghị”.

Hai câu phía trước trong đoạn Kinh nhỏ này, chúng ta đã giới thiệu qua rồi. Chúng ta xem hai câu tiếp theo: “Chư Phật Thánh lực, chư Phật thế giới”.

Trên Kinh nói đến “chư Phật” là thông chỉ mười phương tất cả chư Phật Như Lai. “Thánh lực”, chú trọng là ở cái chữ “Thánh” này. Trung Quốc, chữ “Thánh” thường được dùng chung với chữ “Thần”, là Thần Thánh, Thần Thánh đều nói được thông. Ý nghĩa của hai chữ này tương thông với nhau, dùng lời hiện nay mà nói, là đều thông suốt hiểu rõ đối với chân tướng vũ trụ nhân sanh. Bản Kinh này, phía trước Phật đã nói với chúng ta ba cái chân thật là: “Khai hóa hiển thị chân thật chi tế”, “trụ chân thật tuệ”, cái Thánh lực này trên thực tế chính là trụ chân thật tuệ, các Ngài có trí tuệ chân thật, “huệ dĩ chân thật chi lợi”, lợi ích chân thật cho tất cả chúng sanh, đây chính là Thánh lực. Trong bộ Kinh này, rõ ràng nhất là 48 nguyện của A Di Đà Phật, nguyện nguyện đều là độ chúng sanh. Chữ “độ” này là thuật ngữ của nhà Phật, dùng lời hiện nay để mà nói, độ chính là hiệp trợ, chính là giúp đỡ. Bốn mươi tám nguyện của Phật A Di Đà, mỗi một nguyện đều là giúp đỡ chúng sanh, đều là trợ giúp cho chúng sanh. Trợ giúp chúng sanh điều gì? Lợi ích nhỏ là giúp đỡ chúng ta đoạn ác tu thiện, giúp đỡ chúng ta không đọa ác đạo. Đây là nói người tu học Tịnh Tông mà không thể phát nguyện ngay trong đời này vãng sanh Thế giới Cực Lạc. Đồng tu tu học Tịnh Độ có rất nhiều người không có cái nguyện lực này, nó có lợi ích gì hay không? Có lợi ích là không đọa ác đạo, đời sau còn có thể hưởng phước báo nhân thiên. Sự giúp đỡ rất lớn đối với chúng ta thật không thể nghĩ bàn, nếu như chúng ta phát tâm cầu sanh Tây Phương Cực Lạc Thế giới, thân cận Phật A Di Đà, đây là công đức đã viên mãn, cái lợi ích này chân thật không thể nghĩ bàn. Ngài có thể giúp đỡ chúng ta phá mê khai ngộ, giúp đỡ chúng ta chuyển phàm thành Thánh, đây là Thánh lực của chư Phật.

Có đồng tu chúng ta sẽ thắc mắc, chúng ta đã xem thấy ở trên Kinh Phật nói A Di Đà phát nguyện giúp đỡ chúng ta, chư Phật mười phương giúp đỡ chúng ta, nhưng dường như không hề thấy. Bạn có cái nghi hoặc này là do khi bạn đọc Kinh đã quá sơ suất. Chúng ta tụng “Kinh Di Đà”, ở trong “Kinh Di Đà” có một đoạn Kinh văn rất dài, là “lục phương Phật tán”, điều này mọi người đều rất rõ. Lục phương chính là thập phương. Ở trong bộ Kinh này càng chứng tỏ rõ ràng chư Phật mười phương tán thán. Cách tán thán của chư Phật như thế nào? Phật Thích Ca Mâu Ni đem sự tán thán của chư Phật biểu hiện ra cho chúng ta xem cái dáng vẻ ấy, vì hết thảy chúng sanh mà giảng giải Di Đà tam Kinh, đây chính là tán thán. Trong “Kinh A Di Đà” có bốn lần khuyên bảo chúng ta cầu sanh Tây Phương Tịnh Độ. Phật Thích Ca Mâu Ni còn như vậy, thì chúng ta có thể thể hội được, mười phương ba đời tất cả chư Phật không ai không như vậy. Cho nên, đề cập đến Thế giới Cực Lạc, đề cập đến Phật A Di Đà, có vị tôn Phật nào mà không tán thán, có vị Phật nào mà không tôn kính? Chúng ta xem thấy ở trên bộ Kinh này, Thế Tôn tán thán Phật A Di Đà là “quang trung cực tôn, Phật trung chi vương”, chúng ta phải hiểu rằng sự tán thán của Thế Tôn chính là đại biểu cho sự tán thán của mười phương ba đời tất cả chư Phật. Lời này không phải do chúng tôi nói, đây là có căn cứ trên Kinh điển, đây là sự thật, nhất định không phải là vọng ngữ. Vì vậy mà chúng ta biết được, ở chỗ này trên Kinh văn đã nói đến “chư Phật Thánh lực”, hết thảy chư Phật Như Lai hiểu được chân tướng sự thật, vãng sanh Thế giới Tây Phương Cực Lạc làm Phật là một con đường ổn định nhất, là con đường đơn giản nhất, là một con đường nhanh chóng nhất, mà thành tựu viên mãn, quả thật là không thể nghĩ bàn. Cho nên bộ Kinh này tôi đã giảng qua rất nhiều lần, các đồng học nghe cũng đã quen tai.

/ 374