/ 374
525

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 257

****************

Cho nên trong rất nhiều đồng học, chí thú mỗi người  không như nhau, tìm ba - năm người chí đồng đạo hợp, việc này không phải việc khó. Đồng học phát tâm học giảng Kinh thì có, nhưng mà không tham gia lớp bồi huấn thì sẽ có sự khó khăn nhất định. Tại Trung Quốc Đại Lục, có một số cư sĩ tại gia phát tâm giảng “Kinh Vô Lượng Thọ”, đã giảng rất nhiều lần, có thể nói Kinh này họ đã đọc rất là thuộc, giảng cũng rất thạo, nhưng mà họ mang băng ghi hình ấy đem đến cho tôi xem thử thì đầy rẫy vấn đề. Nguyên nhân là gì? Không có trải qua sự huấn luyện chính thức. Nếu như dùng kỹ thuật diễn giảng của cư sĩ Lý Bỉnh Nam, là tiêu chuẩn của quyển “Nội Điển Giảng Tọa Chi Nghiên Cứu” để đo lường thì họ không đạt tiêu chuẩn. Cho nên, phàm là các đồng học phát tâm học giảng Kinh thì phải nên tham gia lớp bồi huấn. Thời gian của lớp bồi huấn không dài, trọng điểm huấn luyện của chúng tôi chính là truyền thụ phương pháp kỹ xảo trên giảng đài. Bạn học cái này rồi, tương lai bạn lên bục giảng, cho dù giảng không hay, người ta vừa nghe biết bạn xuất thân là người trong nghề, bạn không phải nhắm mắt làm liều. Những thứ này thì cũng giống như việc bồi huấn phương pháp dạy học cho giáo viên trong trường sư phạm. Những giáo viên học ngành sư phạm này nhất định phải học “phương pháp dạy học”, phải học “tâm lý học giáo dục”, đây là hai môn học bắt buộc của họ. Chúng ta bồi huấn pháp sư, bồi huấn nhân tài giảng Kinh, trọng điểm của khóa trình cũng là hai môn này. Bạn không hiểu được tâm lý của đại chúng thì bạn không có cách nào khế cơ. Phải làm được khế lý khế cơ, đây là việc nhất định phải học tập.

Vì vậy, Phật phổ độ chúng sanh, đây là hoằng nguyện của Phật. Lại nói Phật không độ người không có duyên, không có duyên là gì? Không tiếp nhận, không tin, không chịu học, không thể y giáo phụng hành, đều là thuộc về chúng sanh không có duyên. Do đây mà biết, có duyên hay không không phải là do nơi Phật, mà là do nơi phía chúng sanh, còn về phía Phật thì là bình đẳng. Trong Phật pháp thường hay nói: “Phật thị môn trung, bất xả nhất nhân”. Cho nên, chúng ta phải khẳng định chúng sanh có thiện căn, ở trên ba thiện căn mà nói, không tham không sân không si, quyết định là không có tự tư tự lợi. Đây là cái gì? Đây là bổn thiện của tất cả chúng sanh. Tại vì sao bây giờ bạn lại có tự tư tự lợi, bạn lại có tham sân si mạn? Đây là tập tính. Căn từ vô thỉ kiếp đến nay đã bị những thứ bất thiện hun đúc thành cái tập khí này.

Duyên ở xã hội trước mắt này, xã hội này là một cái thùng nhuộm tham - sân - si - mạn lớn, chúng ta bước vào xã hội này, những gì bạn nhìn thấy, những gì bạn nghe thấy, cho đến những thứ bạn nghĩ đến, không gì mà không tự tư tự lợi, không gì là không tổn người lợi mình, không gì là không tham sân si mạn. Cứ cho rằng đây là bình thường, đây là việc hợp lý là sai rồi. Sai tại chỗ này. Cho nên chúng ta phải khẳng định tất cả chúng sanh vốn thiện, phải biết được bất thiện là tập tính của họ, vậy thì chúng ta đối với tất cả chúng sanh bất thiện, cái tâm thái này liền sẽ thay đổi trở lại, sẽ giống như chư Phật Bồ Tát dùng đôi mắt từ bi để nhìn chúng sanh, tuệ nhãn pháp nhãn của chư Bồ Tát  từ từ chúng ta sẽ tập thành. Điểm này vô cùng quan trọng.

Lại nói đến xã hội ngày nay, đại đa số người là bất thiện, thiểu số người chúng ta có năng lực để giúp đỡ họ hay không? Nói các vị biết, khẳng định là có năng lực. Có hiệu quả bao lớn? Vậy còn phải xem cách làm của chúng ta thế nào. Đạo lý này chính là làn sóng mà nhà khoa học ngày nay đã nói. Phật pháp của chúng ta mấy nghìn năm trước, Phật Thích Ca Mâu Ni đã nói với chúng ta, nhưng Ngài không có nói đến chữ “làn sóng”, nhưng ý nghĩa thì hoàn toàn tương đồng. Phật nói: “Một niệm bất giác mà có vô minh”, đây là nói đến làn sóng thứ nhất, làn sóng đầu tiên nhất. Vì sao lại sinh ra làn sóng? Vì bất giác. Trên “Kinh Lăng Nghiêm” đã nói rất thấu triệt, vô minh là từ “một niệm bất giác”. Bất giác chính là làn sóng động, giác rồi thì không động nữa. Bởi vì chúng ta bất giác, chúng ta vĩnh viễn cũng không thấy được sự vô minh, bởi vì sao? Vì động, động mà không biết động. Phật Bồ Tát không có động, không động nên các Ngài có thể thấy được bạn đang động, cho nên các Ngài biết, do làn sóng động thứ nhất, sau đó thì đã sản sinh ra một phản ứng dây chuyền. "Vô minh bất giác sinh tam tế, cảnh giới vi duyên trưởng lục thô", đây là nhà Duy Thức Học đã nói. Người thời xưa, khởi tâm động niệm chính là làn sóng, chúng ta có thể gọi đó là làn sóng tư tưởng. Sóng tư tưởng còn đi nhanh hơn so với sóng điện từ, còn phức tạp hơn. Sóng điện từ là hiện tượng vật lý, khởi tâm động niệm là hiện tượng tâm lý, tâm là năng hiện năng biến, vật chất là sở hiện sở biến, hiện nay nhà khoa học gọi là vật lý. Khoa học phát triển mãi cho đến ngày nay, giải thích hiện tượng của vũ trụ mà không có cách nào nghiên cứu được viên mãn, bị thiên về một bên. Nó bị thiên về một bên là sở biến sở hiện, phía bên năng hiện năng biến thì đã bị bỏ mất. Phật pháp đối với chân tướng sự thật này đã nhìn được chuẩn xác, nói được thấu đáo, nhưng mà rất đáng tiếc là người hiện tại không tin vào Phật pháp.

/ 374