/ 374
568

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 256

****************

Khoa hội "Tâm Phật Nan Tư".  

Kinh văn: "Chúng sanh nghiệp báo diệc bất khả tư nghì, chúng sanh thiện căn bất khả tư nghì, chư Phật thánh lực, chư Phật thế giới diệc bất khả tư nghì".

Lần trước giảng đến "chúng sanh nghiệp báo bất khả tư nghì". Hôm nay chúng tôi tiếp tục xin chia sẻ với chư vị: "Chúng sanh thiện căn bất khả tư nghì".

Nghiệp báo là hiện tượng vô cùng đáng sợ. Nếu chúng ta để ý sơ tin tức thời sự, mỗi ngày ở trên báo chí truyền hình, tin tức phát thanh, thì có thể nhìn thấy được hiện tượng nghiệp báo bất khả tư nghì. Điều này phải là người học Phật mới có thể nhìn ra được. Người không học Phật chỉ nhìn thấy sự động loạn bất an của xã hội, có thể cảm nhận vấn đề phức tạp của xã hội, nhưng để có thể nhìn thấy được nghiệp báo thì phải có sự khế nhập tương đối ở trong Phật pháp, điều này mới có thể thấu hiểu tình trạng của xã hội. Chỉ có thật sự triệt để hiểu rõ, mới biết làm thế nào để giải quyết vấn đề. Căn cứ lý luận để giải quyết vấn đề phức tạp của xã hội chính là hai câu: "Chúng sanh thiện căn, chư Phật thánh lực", chính là hai câu này. Nhưng nếu như không biết thiện căn của chúng sanh, không biết bằng cách nào để tăng trưởng thiện căn của chúng sanh, làm tăng trưởng thiện căn chúng sanh, vấn đề này vẫn còn giải quyết chưa dứt, cho nên nói đến chỗ này thì thật sự là khó. Khi Đức Phật còn tại thế, vấn đề xã hội vào thời đó không có nghiêm trọng như ngày hôm nay. Thích Ca Mâu Ni Phật có giúp đỡ xã hội giải quyết vấn đề một cách viên mãn hay không? Tôi nghĩ là các vị đồng tu đều sẽ lắc đầu, Thế Tôn không có giải quyết một cách viên mãn. Thí dụ rõ ràng nhất chính là dòng tộc Thích Ca bị vua Lưu Ly tiêu diệt, Đức Phật tuy cũng có dùng đủ mọi biện pháp, cuối cùng vẫn không thể cứu được. Các vị đệ tử thỉnh giáo với Đức Phật, Đức Phật trả lời rằng: "Chúng sanh nghiệp báo bất khả tư nghì". Dòng tộc Thích Ca và vua Lưu Ly nhiều đời nhiều kiếp trước đã kết oán thù. Đức Phật tuy là có trí huệ, có năng lực, nhưng không thể chuyển được định nghiệp của chúng sanh.

Định nghiệp của chúng sanh có thể chuyển được hay không? Khẳng định rằng là được. Phải là ai chuyển? Phải do chính chúng sanh chuyển, người nào gây ra thì tự người đó giải quyết. Đức Phật không có cách, không thể giúp họ chuyển. Nếu như Đức Phật có thể giúp chúng sanh chuyển định nghiệp, thì tội nghiệp mà chúng sanh chúng ta tạo ra, thật sự Đức Phật đều sẽ giúp cho chúng ta, chúng ta sẽ không phải thọ nhận quả báo. Đức Phật nói lời chân thật, không gạt chúng sanh. Đức Phật không có năng lực. Tâm Phật và chúng sanh, cái năng lực này là bình đẳng. Năng lực của tâm, trong "Kinh Hoa Nghiêm" nói rất là hay: "Hư không pháp giới, quốc độ chúng sanh, duy tâm sở hiện, duy thức sở biến". Đây là nói tâm lực bất khả tư nghì.

Phật lực bất khả tư nghì, dưới đây nói "Chư Phật thánh lực". Năng lực của Phật từ chỗ nào đến vậy? Đối với sự thật này, chúng tôi dùng thuật ngữ trong Kinh Phật để giảng. Tánh tướng, lý sự, nhân quả Ngài đều triệt để hiểu rõ, Ngài đương nhiên có cách để mà chuyển, nhưng khi chúng sanh không thể tiếp nhận thì Phật không giúp được. Nếu như chúng sanh đối với sự giáo huấn của Phật có thể tin, có thể giải, có thể hành, thì thánh lực của Phật có thể giúp đỡ được. Nếu như chúng sanh không tin tưởng, không thể nào thâm giải, lại không thể phụng hành, Phật tuy là có năng lực cũng không giúp đỡ được. Đạo lý này chúng ta phải hiểu. Tai nạn ở thế gian là có thật, hơn nữa tai nạn này e rằng không có cách nào tránh khỏi, biện pháp duy nhất của chúng ta là cầu tự độ. Điều này là quan trọng hơn tất cả. Gặp phải tai nạn rồi, chúng ta đừng có sợ, đừng có hoảng hốt, vào lúc này chúng ta sẽ vãng sanh Phật Tịnh Độ, vậy là sự việc của chúng ta sẽ ổn thỏa, vấn đề của bản thân sẽ được giải quyết một cách viên mãn. Nhất định phải tin tưởng.

Trong tất cả các Kinh điển, Đức Phật tha thiết khuyên nhủ chúng ta "nhân quả thông ba đời". Nhất định phải tin tưởng, tin tưởng Thích Ca Mâu Ni Phật mỗi mỗi câu nói đều là thật, giống như trong "Kinh Kim Cang" đã nói: "Như Lai thị chân thật giả, thật ngữ giả, như ngữ giả", nhất định là không có vọng ngữ. "Như ngữ" là: chân tướng sự thật như thế nào, Ngài  thuyết pháp như thế đó, Ngài chẳng nói thêm một tý nào, cũng chẳng giảm bớt chút nào, nó như thế nào thì nói như thế ấy, không tăng không giảm, đó gọi là như ngữ. Trong Kinh luận, Đức Phật nói với chúng ta quá nhiều quá nhiều về sự báo ứng của nhân quả, chúng ta nên nhớ cho thật kỹ càng. Sinh mạng là vĩnh hằng, thân thể thì ngắn tạm, điều này dù sao cũng phải hiểu rõ. Chúng ta tu là phải tu cái vĩnh hằng, chúng ta không phải là tu ngắn tạm, nhất định phải tu vĩnh viễn, đây là nhà Phật thường nói "tu học những cái mà có thể mang theo được", mang đi không được thì bạn học nó để làm gì. Mang đi theo được, cái cảnh giới này hiện ngay ở trước chúng ta là "nghiệp". Tác thân khẩu ý của chúng ta tạo tác gọi là nghiệp. Ác nghiệp mang theo kiếp sau sẽ chiêu cảm quả báo khổ. Thiện nghiệp mang theo kiếp sau sẽ chiêu cảm quả báo thiện, nhưng đối với sự việc này Phật hoàn toàn không khuyến khích. Phật khuyến khích chúng ta tu tịnh nghiệp. Đây là trí huệ chân thật của Phật, là lòng từ bi vô tận. Tại sao vậy? Tịnh nghiệp ở trong lục đạo không có quả báo, quả báo ở Tây Phương Cực Lạc Thế giới. Chúng ta phải hiểu điều này.

/ 374