/ 374
1.255

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 255

Chúng ta phải chăm chỉ, phải nỗ lực luyện tập, đặc biệt là phải tăng cường sự tu tập đức hạnh. Chúng ta ở trong tất cả hoàn cảnh đều phải chịu đựng được mọi sự thử thách; ở trong thuận cảnh, nhất định không khởi tâm tham; ở trong nghịch cảnh, nhất định không khởi tâm chán ghét. Trong tất cả cảnh duyên thuận nghịch, thiện ác, tu cái gì? Là tu thanh tịnh bình đẳng giác. Tôi xin cống hiến cho các vị, tu chân thành, thanh tịnh, bình đẳng chánh giác, từ bi, được biểu hiện ở trong cuộc sống hằng ngày, nhìn thấu, buống xuống, tự tại, tùy duyên, nhất tâm niệm Phật, làm tấm gương cho người khác xem. Vì vậy, trong tương lai, tăng đoàn của chúng ta sẽ là một tăng đoàn hoằng dương Phật pháp cho toàn thế giới. Chúng ta sẽ cùng tập hợp lại với nhau, không đi giảng Kinh, chúng ta ở tại nhà của mình ngày ngày luyện tập. Ở nhà của chúng ta, giảng đường nhiều, cơ hội luyện tập nhất định không để bị gián đoạn. Chúng ta cũng phải suy xét, có một số đồng tu thích tham thiền, cho nên đạo tràng của chúng ta có Niệm Phật đường, có Thiền đường, tuyệt đối không hạn chế, không qui định cứng nhắc là bạn phải tu một môn, điều này không tốt. Chúng ta tôn trọng nguyện vọng của mọi người, tôn trọng sở thích của bản thân mọi người, chúng ta giúp đỡ rộng rãi, hy vọng là đem Phật giáo Đại thừa, Tiểu thừa, Tông môn, Giáo hạ, Hiển giáo, Mật giáo phục hưng lại ở khắp mọi nơi. Điều này rất là có ý nghĩa.

Tuổi tác của tôi lớn rồi, hôm nay tôi nói với Lý Mộc Nguyên, học viện của chúng tôi tương lai phát triển thành trường đại học, sợ là phải đến hai đời, ba đời, tôi không nhìn thấy được. Nhưng mà hiện giờ ở tại chỗ này tôi đặt nền móng, hi vọng là mọi người chân thật đều hăng hái chăm chỉ nỗ lực, trong tương lai thành lập một Trường Đại học Sư phạm Giáo dục Phật Đà Thế giới, vì đoàn thể Phật giáo toàn cầu, bất kể là đoàn thể của người xuất gia, hay là đoàn thể của người tại gia, bồi dưỡng giáo dục nhân tài hoằng pháp. Cả cuộc đời này của tôi lựa chọn sự nghiệp này, thật sự là đã thành công rồi, không phụ lòng của Phật Bồ Tát, không phụ lòng của Tổ sư Đại đức, cũng không phụ lòng sự hộ pháp của tứ chúng, thật sự là xứng danh “trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu ba đường khổ”.

Đối với thế gian, nhất định phải hiểu được Thế Tôn giảng ở chỗ này: “Nghiệp báo của chúng sanh không thể nghĩ bàn”. Chúng ta phải xem chúng sanh là bình đẳng. Không hiểu rõ chân tướng sự thật này, không hiểu rõ đạo lý này, sự đối đãi giữa người với người đều là việc chẳng có vui sướng gì, tu hành đều là tổn hại bản thân mình, trong tâm một niệm cũng chẳng vui, cái tâm bình đẳng của chúng ta bị mất rồi, nhìn thấy người ta làm ác thì gật gật đầu: “Như thị như thị”. Tại sao vậy? Nghiệp nhân quả báo không thể nghĩ bàn, giống như chư Phật Như Lai xem tất cả chúng sanh là giống nhau. Kinh điển vừa mở ra thì câu đầu tiên là “như thị ngã văn”, ý nghĩa này thật là sâu. Chư Phật Như Lai nhìn thấy chúng sanh hành thiện tích đức: “Như thị như thị”, nhìn thấy chúng sanh tạo ác làm xấu, cũng cười cười: “Như thị như thị”, hoàn toàn là tâm bình đẳng, rất là rõ ràng, rất là minh bạch. Không có được công phu này thì phải làm sao? Công phu này cần một thời gian gây dựng, phải hài lòng với hoàn cảnh tu học, đó chính là mỗi ngày huân tu, nhất định không thể lơ là, “một môn thâm nhập huân tu lâu dài”.

Tôi thường nêu gương của lão Lâm trưởng Cư Sĩ Lâm - Trần Quang Biệt để nhắc nhở chúng ta. Trần Lão cư sĩ khi mang bệnh, cái bệnh đó là tăng thượng duyên. Nếu ông không mang bệnh, cơ duyên này của ông sẽ mất đi, cuộc đời này của ông có thể tạo ra lục đạo luân hồi. Căn bệnh này đã giúp cho ông, bệnh rồi thì không thể đi làm, không thể làm việc, ngày ngày nằm ở trên giường, nằm ở trên giường nghĩ ngợi lung tung như thế thì có nguy không? Nghĩ ngợi lung tung là tạo nghiệp, không nghĩ ngợi lung tung là vô minh, nói tóm lại là không thoát ra khỏi sáu cõi luân hồi. Đây là cư sĩ Lý Mộc Nguyên đã làm tăng thượng duyên cho ông ấy, đã độ được ông, mang băng giảng Kinh ở nơi này đi tặng cho gia đình của ông ấy. Mỗi ngày ông nghe tám tiếng đồng hồ. Ông đặt cái tivi ở ngay đầu giường ở trong phòng của ông, mắt vừa mở ra là thấy ngay cái tivi. Mỗi ngày nghe Kinh 8 tiếng đồng hồ, ông nghe hiểu rồi, nghe thông suốt rồi, ông nói với chúng tôi vạn duyên buông xuống, nhất tâm niệm Phật, lúc không nghe giảng Kinh thì niệm Phật, niệm mệt rồi thì nghỉ, nghỉ xong rồi không nghe giảng Kinh thì niệm Phật tiếp, bốn năm ông đã thành công. Việc vãng sanh của ông không phải giả, là có bằng chứng. Ai làm chứng? Là oán thân trái chủ của ông. Oán thân trái chủ của ông đã đến Niệm Phật Đường Cư Sĩ Lâm yêu cầu quy y, yêu cầu nghe Kinh, họ đến để làm chứng. Họ nói rằng người của họ đến không ít, rất nhiều, là oán thân trái chủ của lão Lâm Trưởng, hiện giờ nhìn thấy lão Lâm Trưởng vãng sanh Thế giới Tây Phương Cực Lạc, họ rất là vui mừng, họ không gây phiền phức nữa. Nhìn thấy điều tốt này, họ yêu cầu quy y. Chúng tôi cho oán thân trái chủ của ông nhận sự quy y. Họ yêu cầu nghe Kinh, còn chỉ định là phải nghe “Kinh Địa Tạng”. Chúng tôi để họ ở trong giảng đường nghe Kinh, họ nói ánh sáng của pháp sư trong giảng đường quá sáng, họ chịu không nổi. Cuối cùng chúng tôi sửa phòng ăn ở lầu hai, lầu một, dùng tivi mở “Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện” để cho họ nghe, là do họ yêu cầu. Lão Lâm Trưởng vãng sanh có họ làm chứng, điều đó không phải giả. Cho nên đều là duyên phận. Cái duyên phận này là chúng tôi ở đây giảng Kinh làm thành băng ghi hình, cư sĩ Lý Mộc Nguyên mang băng ghi hình này đến nhà của ông ấy, ông ấy đã thành tựu rồi. Không những thành tựu cho ông, mà tất cả oán thân trái chủ của ông cũng đều thành tựu. Sự việc này là do chính mắt chúng tôi trông thấy, một chút cũng chẳng có giả. Oán thân trái chủ của Trần Lão cư sĩ ở bên cạnh của cư sĩ Đỗ Mỹ Toàn cũng thường xuyên ở nơi đây nghe Kinh. Cư sĩ Đỗ Mỹ Toàn cũng có công đức, lấy thân của mình cho họ mượn, để truyền đạt lại những tin tức cho chúng tôi. Mỗi vị đều là Bồ Tát thị hiện, đều là đến để giúp đỡ chúng ta, đều là đến để giúp chúng ta giác ngộ, cho nên “sống trong thế giới biết ơn” là hoàn toàn chính xác. Ở tại thế gian này hàng ngày chúng ta tập luyện tu hành, trong “Kinh Hoa Nghiêm” nói rất hay: “Trải sự luyện tâm”. Cái gì gọi là tu hành? Trải sự luyện tâm. Trải qua những sự việc này, ở chỗ này mà luyện tâm, luyện tâm thanh tịnh, luyện tâm bình đẳng, luyện tâm chánh giác, luyện tâm từ bi, đem cái hư ngụy ô nhiễm, không bình đẳng, mê hoặc, tự tư tự lợi, những tư tưởng kiến giải sai lầm ngày trước của mình, tất cả đều đem nó vứt bỏ đi, thành tựu bản thân mình chân thành-thanh tịnh-bình đẳng-chánh giác-từ bi, đây gọi là tu hành, đây gọi là dụng công. Tập khí phiền não của chúng ta có giảm dần theo mỗi ngày hay không? Cái tâm đại Bồ Đề của chúng ta (năm thứ tâm này đều là tâm đại Bồ Đề) có tăng trưởng theo mỗi ngày hay không? Nếu như tự bản thân quả nhiên có thể phát hiện được, tập khí phiền não của tôi thật sự mỗi năm mỗi giảm, mỗi tháng giảm, mỗi ngày giảm, tâm Bồ Đề của tôi thật sự mỗi ngày tăng trưởng lên, thì chúc mừng bạn, hãy vỗ ngực, việc vãng sanh nắm chắc rồi, một chút lo lắng cũng không có, là nắm chắc một trăm phần trăm rồi. Ở trong thế gian này khởi tâm động niệm, lời nói, việc làm đều là thuần thiện, đều là lợi ích cho chúng sanh, đường chúng ta đi là Bồ Tát đạo, chúng ta tu là Bồ Tát hạnh, nhất định sẽ được chư Phật hộ niệm, long thiên thiện thần ủng hộ. Vấn đề là chúng ta có chịu làm hay không? Không những là thay đổi vận mệnh của chính mình, thật sự giúp chúng ta được siêu phàm nhập Thánh chỉ trong một đời này, thay đổi triệt để, thay đổi 180 độ. Không phải là làm không được, hoàn toàn là có thể làm được.

/ 374