/ 374
521

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 254

****************

Kinh văn: “Chúng sanh nghiệp báo, diệc bất khả tư nghị, chúng sanh thiện căn, bất khả tư nghị, chư Phật thánh lực, chư Phật thế giới, diệc bất khả tư nghị”.

Bắt đầu xem từ đoạn Kinh văn này. Quả báo thật như Thế Tôn đã nói, quả thật là không thể nghĩ bàn. Tại vì sao lại có hiện tượng này? Nhân duyên quá phức tạp. Phía trước Phật đã nói với tôn giả A Nan rất hay: “Nhữ thân quả báo bất khả tư nghị”. Câu nói này là nói với A Nan, trên thực tế, chúng ta đều biết A Nan là đại biểu cho chúng ta, nói A Nan chính là nói bản thân chúng ta. Có mấy người thật sự có thể nhận thức được chính mình, hiểu rõ được chính mình? Một đời này của chúng ta sanh đến thế gian này, rốt cuộc là đến vì lý do gì, đi đến thế gian này để làm gì? Tương lai về sau lại sẽ đi về đâu? Tại vì sao tại thế gian này gặp phải hết thảy người sự vật đều là trắc trở? Chúng ta có thể nghĩ bàn hay không? Vẫn là câu nói này của Phật nói rất hay: “Bất khả tư nghị”. Tại chỗ này, thực tại mà nói đều là đại học vấn. Người không học Phật, không phải là người chăm chỉ học Phật, có rất ít người suy nghĩ qua vấn đề này. Ở thế gian quả thật là có người đã nghĩ đến vấn đề này, xưa nay trong và ngoài nước đều có, nhưng mà đó chỉ là một con số rất nhỏ. Đó là những ai? Hiện tại có một số nhà khoa học, có một số nhà triết học, có một số nhà tôn giáo, đã ít lại thêm ít. Họ ở đó nghiên cứu thảo luận về nguồn gốc của vũ trụ, sự hình thành của tinh cầu này, khởi nguồn của sự sống, sau đó lại nói đến sự khởi nguồn của tất cả sinh vật động vật thực vật, sau cùng lại nghĩ đến muôn trùng chúng sanh, “ta” là từ đâu mà đến? Thực tế mà nói, nghĩ đến việc “ta” từ đâu mà đến thì rất ít rất ít, quả thật không nhiều. Nghiên cứu thảo luận khởi nguồn của nhân loại thì có, còn thật sự nói đến trở về với chính ta, ta là từ đâu mà đến, quả thật chỉ có ở trong Phật pháp mới nói đến, mới giảng đến. Phật pháp quả thật cũng nói được tương đối rõ ràng. Kinh luận của bộ phận này phân lượng rất lớn, Pháp Tướng Duy Thức Tông “6 Kinh 11 luận”, trong đó có một đoạn rất lớn thảo luận về “nhữ thân quả báo bất khả tư nghị”. Sự việc này đối với người học Phật mà nói thì có mối quan hệ rất lớn. Vì sao vậy? Dần dần sẽ hiểu được, chúng ta tại thế gian này, bất luận là sống trong hoàn cảnh như thế nào, thuận cảnh, nghịch cảnh, thiện duyên ác duyên, thì tâm của bạn cũng đều bình lặng, không hề bị dao động theo cảnh giới bên ngoài. Vì sao vậy? Vì biết nghiệp nhân quả báo là không thể nghĩ bàn.

Chúng ta bất luận làm sự việc gì, người thế gian làm việc là vì “ta”, lợi ích của ta, có lợi cho ta, nếu như không có lợi ích, không có chỗ tốt cho mình thì họ sẽ không làm. Cho nên người xưa có nói, quan sát ở ngay tại đô thị phồn hoa này, người đi qua kẻ đi lại rất nhiều, tỉ mỉ mà quan sát những người này, đi đi lại lại bận rộn suốt từ sáng cho đến tối là vì cái gì? Người thông minh đã giải đáp cho chúng ta, chỉ là hai chữ “danh lợi”. Ngày ngày đều bận bịu như vậy, nếu không vì danh thì cũng vì lợi. Người mà không vì danh lợi thì cuộc sống của họ sẽ ung dung tự tại. Xã hội ngày nay càng là như vậy. Thế thì chúng ta đến thế gian này có phải là vì “danh lợi” hay không? Cầu danh cầu lợi có phải là mục tiêu duy nhất của kiếp sống làm người này của chúng ta không? Các đồng tu học Phật, về việc này tôi nghĩ ít nhiều thì cũng đều có một chút giác ngộ. Giác ngộ này là một sự khế cơ. Là khế cơ gì? Khế cơ của việc nhận thức chân tướng sự thật, khế cơ của liễu thoát sanh tử luân hồi. Cơ duyên này vô cùng hiếm có, vô cùng khó gặp. Người học Phật, Phật Bồ Tát hy vọng chúng ta nhập Phật tri kiến, nhập Phật cảnh giới. Ở trong tất cả “Kinh luận Đại Thừa” chúng ta đã xem thấy, sự kỳ vọng của chư Phật Bồ Tát đối với chúng ta vô cùng tha thiết. Chúng ta có phụ lòng kỳ vọng của chư Phật Bồ Tát hay không? Thực ra mà nói, đại đa số đồng học chúng ta đều đã phụ lòng, khiến chư Phật Bồ Tát thất vọng, chỉ có số ít người không phụ lòng kỳ vọng của Phật Bồ Tát. Số ít người này chính là trong Phật pháp thường hay nói là “có duyên với Phật”, là “Phật độ người có duyên”. Dùng lời hiện nay mà nói thì “duyên” là cơ hội, là điều kiện, cơ hội của bạn, điều kiện của bạn đã đầy đủ. Điều kiện này có cái ở bên trong, có cái ở bên ngoài. Bên ngoài thì chúng ta nói là ngoại duyên, bên trong thì chúng ta gọi là thiện căn - phước đức. Trong có thiện căn - phước đức, ngoài có cơ duyên, ba điều kiện này trong một đời nếu mà gặp được thì không phải là một việc dễ dàng. Chúng ta hôm nay đã gặp được, nhất định không nên cho rằng việc này không khó, gặp được là việc dễ như trở bàn tay. Nếu như bạn bình tĩnh mà quan sát hoàn cảnh xung quanh mình, thì bạn sẽ phát hiện là không hề dễ dàng.

/ 374