/ 374
626

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 251

****************

Chúng ta ở trong thuận cảnh, ở trong thiện duyên mà khởi một ý niệm có tâm tham ái, thì lập tức niệm A Di Đà Phật, đem ý niệm này trừ bỏ, khôi phục tâm thanh tịnh bình đẳng giác, vĩnh viễn giữ gìn tâm thanh tịnh bình đẳng giác. Nếu như trong nghịch cảnh, ác duyên mà khởi lên ý niệm tâm sân hận thì nhanh chóng niệm “A Di Đà Phật”, đem ý niệm này diệt trừ đi, đây mới gọi là biết niệm. Công phu niệm Phật như vậy mới thật sự là đắc lực. Dụng công phu được lâu, thực tế mà nói là dụng trong bao lâu thì bạn có thể ngày đêm miên mật không gián đoạn? Nhiều nhất ba năm, thì bạn từ chỗ phàm phu khế nhập vào quả địa Pháp Thân Bồ Tát, vãng sanh đến Tịnh Độ Tây Phương, sanh Thật Báo Trang Nghiêm Độ. Vì sao lại không làm? Cho nên những người vãng sanh đến Thế giới Tây Phương ấy, người người đều là tâm thanh tịnh, thân thanh tịnh, thân tâm thanh tịnh, cuối cùng thì đều là thanh tịnh bình đẳng vô vi pháp thân, huống hồ lại còn được oai thần bổn nguyện của Phật A Di Đà gia trì. Bản thân chúng ta không có cái tâm này, không có cái nguyện này, không có loại hành trì này, năng lực của Phật cũng không thể giúp được. Sự gia trì của Phật đối với chúng ta là bình đẳng, chúng ta có một phần công phu thì Phật gia trì một phần, chúng ta có mười phần công phu thì Phật gia trì mười phần. Sự gia trì của Phật với chúng ta quyết định là tỉ lệ thuận với công phu của chính mình, chúng ta phải hiểu đạo lý này.

Người niệm Phật phải nhìn thấu thế giới này. Thế giới này là giả tạm, không phải là thật. Mọi người đều đã đọc “Kinh Kim Cang” rất nhiều, trên Kinh đã nói một cách rõ ràng: “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”, “nhất thiết hữu vi pháp như mộng huyễn bào ảnh”. Thế Tôn đã giảng “Kinh Bát Nhã” 22 năm. “Kinh Bát Nhã” rốt cuộc là nói những gì? Tôi đem 600 quyển “Kinh Đại Bát Nhã” xem qua một lần từ đầu đến cuối, tôi đã nhìn ra được một câu nói: “Bất khả đắc”. Tổng kết lại 22 năm giảng Bát Nhã là thế xuất thế gian tất cả pháp là “bất khả đắc”. Bạn thật đã hiểu được chân tướng sự thật thì buông xuống vạn duyên. Vạn duyên buông xuống rồi thì hoàn toàn tương ưng với chân tánh của chính mình, thì bạn đã thành Phật rồi, thì bạn đã thành Phật cứu cánh viên mãn rồi. Nếu như là Tương Tự Phật cứu cánh viên mãn cũng không sợ, đến Thế giới Cực Lạc thì tương tự sẽ biến thành chân thật, bởi vì đến Thế giới Cực Lạc, Phật A Di Đà vừa gia trì thì công lực của bạn liền cao lên gấp bội, cho nên tương tự sẽ biến thành chân thật. Do đây mà biết, chúng ta không thể không thật làm. Thế giới Tây Phương Cực Lạc thiên thời địa lợi nhân hòa, thế giới chư Phật trong mười phương không thể nào so sánh. Ở trên Kinh Phật đã nói với chúng ta, kết cấu của hầu hết thế giới đều lấy núi Tu Di làm trung tâm, mặt trời mặt trăng thì xoay chuyển chung quanh núi Tu Di. Trên đỉnh của núi Tu Di là cung điện của vua trời Đao Lợi, ở giữa chừng núi Tu Di là nơi cư trú của Tứ Thiên Vương. Lúc trước có người tưởng rằng núi Tu Di là ở trên địa cầu của chúng ta. Núi Tu Di từ trên mặt chữ mà dịch thành ý nghĩa tiếng Trung Quốc là “diệu cao”, nhưng mà mọi người chúng ta đã xem nhẹ đi cái chữ “diệu” này, chỉ cho rằng là nó cao. Ngọn núi cao nhất trên địa cầu này, mọi người đều biết là ngọn núi Hymalaya. Núi Hymalaya có phải là núi Tu Di không? Nếu như thật sự là núi Tu Di, vậy thì Ấn Độ là Nam Thiện Bộ Châu, Trung Quốc thì không phải là Nam Thiện Bộ Châu, Tây Tạng thì nằm phía bắc ngọn núi, vậy thì là Bắc Câu Lô Châu, vậy xem thử người Tây Tạng có giống người của Bắc Câu Lô Châu không? Phật nói người của Bắc Câu Lô Châu phước báo rất lớn, thọ mạng đều là 1.000 tuổi, không có ai yểu mạng, ăn mặc là tự nhiên, chúng ta nhìn thấy không có giống.

Lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ là một nhà nghiên cứu khoa học, ông là một Phật tử thuần thành, ông có cách nói như vầy. Ông nói, núi Tu Di tuyệt đối không phải ở trên địa cầu này, mà là ở trên một thiên thể lớn hơn, mặt trời xoay chung quanh cái thiên thể lớn này, cái thiên thể lớn hơn này người hiện nay thì gọi là hệ ngân hà. Chúng ta biết rằng, mặt trời đích thực là quay xung quanh hệ ngân hà, và cũng hoàn toàn nằm ở trong hệ ngân hà. Đỉnh của hệ ngân hà, nhà thiên văn gọi là Hoàng Cực. Địa cầu chúng ta chỉ có Nam cực và Bắc cực. Đại vũ trụ, hệ ngân hà mới gọi là Hoàng Cực. Nam Thiện Bộ Châu là Phật nói đến địa cầu, địa cầu có thể là một phần của Nam Thiện Bộ Châu. Cách nói này của ông rất hợp lý. Ở trên Kinh Phật nói đến cửu sơn bát hải, ông nói hải là một nơi mà nước hội tụ lại. Ở trên Kinh Phật nói pháp thường có nghĩa thú là biểu pháp, chúng ta không thể không hiểu. Những gì Phật nói về nước không phải là nước thật sự, mà là lưu động, chúng ta ngày nay gọi là thể khí, thể khí lưu động tụ hội lại trong vũ trụ. Biển mà Phật đã nói ở trên Kinh, có lẽ hiện nay đang nói là vũ trụ thái không. Phật nói đến nước ở đây chính là nói thể khí lưu động ở trong vũ trụ thái không, tuyệt đối không phải là biển ở trên quả địa cầu này của chúng ta. Cách nói như vậy thì dễ hiểu.

/ 374