/ 374
564

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 252

****************

Khoa đề: “Vấn Đáp Thích Nghĩa”.

Kinh văn: “A Nan văn dĩ, bạch Thế Tôn ngôn: “Nhược bỉ quốc độ, vô Tu Di sơn, kỳ Tứ Thiên Vương thiên, cập Đao Lợi thiên, y hà nhi trụ?””.

Kinh văn này là nối tiếp từ đoạn phía trước mà có. Phía trước Phật đã nói qua, đã giới thiệu Thế giới Tây Phương Cực Lạc với chúng ta, không có các loại sông biển, đồi núi hầm hố, cho đến những loại như núi Thiết Vi, núi Tu Di, núi Thổ Thạch v. v… A Nan tôn giả sau khi nghe xong liền đưa ra vấn đề thế này: Nếu như Tây Phương Cực Lạc Thế giới quả nhiên không có núi Tu Di, thì Tứ Vương Thiên, Đao Lợi Thiên của Thế giới Tây Phương Cực Lạc sẽ ở nơi nào? Vấn đề này thực tại là A Nan tôn giả đã hỏi thay chúng ta. Chúng ta nghe Kinh Phật đã lâu, Phật nói với chúng ta, sự cấu thành của tất cả chư Phật Sát Độ về cơ bản đều là gần giống nhau, như là một đơn vị thế giới thì lấy tòa núi Tu Di làm trung tâm (phía trước tôi đã giới thiệu qua với các vị), trên sườn của núi Tu Di và trong ngọn núi là nơi cư trú của Tứ Thiên Vương, trên đỉnh núi Tu Di là nơi cư trú của Đao Lợi Thiên. Trong sáu tầng trời Dục giới thì hai tầng này gọi là Địa Cư Thiên, không có rời khỏi mặt đất. Từ Dạ Ma trở lên thì gọi là Không Cư Thiên. Chúng ta thường hay nghe Phật nói như vậy, thế là sinh ra sở tri chướng, phân biệt chấp trước những cảnh giới này, cho nên mới đưa ra vấn đề này.

Phía sau chúng ta thấy Phật đã trả lời:

Kinh văn: “Phật cáo A Nan: “Dạ Ma, Đâu Suất, nãi chí Sắc, Vô Sắc giới, nhất thiết chư thiên, y hà nhi trụ?”. “A Nan bạch ngôn: “Bất khả tư nghị nghiệp lực sở trí””.

Thế Tôn không có trực tiếp trả lời ông, mà ngược lại hỏi ông. Trời Dạ Ma, trời Đâu Suất, phía trên còn có trời Hóa Lạc, trời Tha Hóa Tự Tại, đây đều là thuộc về Dục giới. Từ Dục Giới lại đi lên trên nữa là Sắc Giới. Sắc Giới có Sơ Thiền, Nhị Thiền, Tam Thiền, Tứ Thiền. Từ Sơ Thiền đến Tam Thiền, mỗi một giai đoạn đều có ba tầng trời, Sơ Thiền Tam Thiên, Nhị Thiền Tam Thiên, Tam Thiền Tam Thiên. Tứ Thiền thì có chín tầng trời. Sắc Giới tổng cộng có 18 tầng trời. Lại lên cao nữa là Vô Sắc Giới, có bốn tầng trời. Cho nên, Tam Giới tổng cộng có 28 tầng trời. Từ trời Dạ Ma trở lên không dựa vào mặt đất nữa. Phật hỏi ngược trở lại ông là dựa vào cái gì mà trú? A Nan trả lời cũng rất hay: “Bất khả tư nghị nghiệp lực sở trí”. Nghiệp có nghĩa là gì? Cổ đại đức đã đưa ra một định nghĩa, “tạo tác” gọi là nghiệp. Tạo tác thông thường chia làm ba loại lớn. Tất cả chúng sanh chúng ta, mỗi ngày tạo tác ra thì không cách nào tính đếm. Nếu như nói tạo tác trong một đời của chúng ta, lại thêm vào tạo tác của nhiều đời nhiều kiếp trước, Phật đã nói với chúng ta rằng, nghiệp mà một chúng sanh tạo ra từ vô lượng kiếp đến nay, nếu như là có hình tướng mà nói thì “tận cả hư không cũng chứa không hết nổi”. Cái tỉ dụ này không quá chút nào, đích thực là chân thật.

Tạo tác sao mà lại nhiều đến như vậy? Chúng ta chỉ cần xem câu chuyện của Vệ Trọng Đạt thời nhà Tống thì có thể tưởng tượng ra được. Vệ Trọng Đạt chỉ mới có ba mươi mấy tuổi, có một ngày bị vua Diêm La bắt đi. Vua Diêm La sai bảo phán quan lấy hồ sơ ghi chép thiện ác đã tạo ra trong một đời ông. Phán quan lấy hồ sơ tài liệu ra, hồ sơ ghi chép tạo tác điều ác đã xếp đầy cả đại điện, hồ sơ tạo tác điều thiện thì chỉ có một quyển. Vua Diêm La nhìn thấy rất tức giận, sai phán quan đem hồ sơ thiện ác đi cân thử. Kết quả sau khi cân xong, đống hồ sơ tạo ác chất đầy cả đại điện thì nhẹ, quyển hồ sơ thiện thì lại nặng. Sắc mặt của vua Diêm La liền thay đổi lại.

Vệ Trọng Đạt liền hỏi vua Diêm La: “Tôi chỉ mới có ba mươi mấy, tại sao tạo ác lại nhiều đến như vậy? Các ông ghi chép, phải chăng có sự nhầm lẫn?”.

/ 374