429

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 250

****************

Kinh văn: “Diệc vô tứ thời, hàn thử, vũ minh chi dị. Phục vô đại tiểu giang hải, khâu lăng khanh khảm, Kinh cức sa lịch, Thiết Vi, Tu Di, thổ thạch đẳng sơn”.

Chúng ta bắt đầu xem từ đoạn này. Đây là Thế Tôn vì chúng ta mà giới thiệu hoàn cảnh trang nghiêm của Tịnh Độ Tây Phương. Đoạn ở phía trước, Thế Tôn vì chúng ta đã giới thiệu hoàn cảnh nhân sự ở bên đó, từ đây tiếp theo vì chúng ta giới thiệu hoàn cảnh vật chất. Hoàn cảnh nhân sự thù thắng thì hoàn cảnh vật chất đương nhiên tốt. Đây là đạo lý gì vậy? Ở trên Kinh Phật thường hay nói với chúng ta, y báo là tùy theo chánh báo mà chuyển. Do vậy chúng ta phải hiểu được, hoàn cảnh vật chất của nơi chúng ta cư trú cùng tất cả tạo tác khởi tâm động niệm của chúng ta đích thực có mối quan hệ vô cùng mật thiết. Ở trên Kinh Phật đã nói rất nhiều, nói được rất rõ ràng. Các nhà khoa học hiện tại cũng đang dần dần phát hiện ra, thứ gọi là vật chất, sự thật nó là hiện tượng của làn sóng chấn động. Phát hiện này ngày càng gần với trên các Kinh luận Đại Thừa đã nói. Mà ảnh hưởng nghiêm trọng nhất tới làn sóng chấn động chính là tư tưởng ý nghĩ của chúng sanh hữu tình, cho nên không thể nói chúng ta khởi ý niệm thì chỉ là một việc rất nhỏ, chẳng đáng là gì. Chúng ta mà nghĩ như vậy thì mãi mãi cũng là nghĩ sai, đâu ngờ rằng cái ý niệm cực kì vi tế cùng với hoàn cảnh y báo của chúng ta, hoàn cảnh y báo nếu như là rộng lớn, đó chính là tinh hệ, chúng ta nói hệ mặt trời, hệ ngân hà, thậm chí ảnh hưởng cho đến tận hư không khắp pháp giới. Có lẽ có người sẽ nói cách nói của tôi như vậy có phần hơi quá, kỳ thực cách nói này không phải là tôi nói, mà là trên Kinh Phật đã nói. Nếu như chúng ta tỉ mỉ mà tư duy, mà quan sát, từ từ chúng ta có thể thể hội được những gì Phật đã nói là chính xác, không có sai một chút nào.

Hôm nay chúng ta xem Kinh văn đoạn mở đầu: “Diệc vô tứ thời, hàn thử, vũ minh chi dị”. Tứ thời là chỉ xuân - hạ - thu - đông. Singapore này không có sự khác biệt giữa bốn mùa, Thế giới Cực Lạc cũng không có. Tuy là Singapore không có bốn mùa, nhưng có mùa đông mùa hạ, thời tiết nóng nực, sinh sống ở nơi này cũng không phải dễ chịu lắm, không như Thế giới Tây Phương Cực Lạc mát mẻ tự tại. Con người sinh sống ở trên địa cầu này phải ứng phó với bốn mùa xuân - hạ – thu - đông, bởi vì chúng sanh hữu tình sinh sống tại địa cầu này nghìn vạn năm nay họ đã quen rồi, đã tập thành thói quen, nếu như đi đến một nơi mà không có bốn mùa luôn luôn là rất khó thích ứng. Đây gọi là tập tánh, không phải tự nhiên. Tập tánh này đã huân tu trong thời gian dài. Quá lạnh hay quá nóng, đây là mùa đông và mùa hè, đối với sức khỏe của chúng ta đều có tác hại, cho nên nếu như một người biết cách điều thân điều tâm, người thông thường nói là đạo của dưỡng sinh, bạn chân chánh hiểu được đạo lý này.

Thọ mạng con người, trong sách xưa của Trung Quốc có ghi chép (là quyển “Linh Xu”, đây là quyển sách về y dược nguyên thủy nhất của Trung Quốc), nói với chúng ta cái thân thể này là một hệ thống máy móc, nếu như bạn có thể bảo dưỡng được tốt, không chà đạp nó, không tổn hại nó, thì thọ mạng vận hành của hệ thống máy móc này phải là 200 năm. Con người sống 200 năm không được tính là trường thọ, chỉ là thọ mạng bình thường. Không đến 200 năm, thậm chí là còn không giữ gìn cho đến được 100 năm, vậy thì bạn không hiểu được cái đạo của dưỡng sinh, chính bạn đã làm hư tổn hệ thống máy móc này. Việc này thật đáng tiếc. Người am hiểu đạo lý dưỡng sinh chính là chư Phật Bồ Tát. Có lẽ sẽ có người hỏi, Phật đã hiểu được cái đạo của dưỡng sinh, thì tại sao Thích Ca Mâu Ni Phật trụ thế chỉ có 80 năm? Vì sao Ngài lại không sống đến 200 năm? Phật tuy là không sống đến 200 tuổi, nhưng mà Phật có một người học trò, thực tế mà nói là có hai vị học trò, một vị là tôn giả Tân Đầu Lô, vị kia là tôn giả Ca Diếp, hiện tại vẫn còn ở tại thế gian này. Dựa theo cách nói của người ngoại quốc, Thích Ca Mâu Ni Phật nhập diệt đến nay là hơn 2.500 năm, vậy thì hai vị ấy đều đã được hơn 2.500 tuổi, thật sự vẫn đang tại thế. Do đây mà biết, chư Phật Bồ Tát, A La Hán, những vị này đến thế gian này là do ứng hóa mà đến. Họ có thọ mạng hay không? Họ không có, thời gian họ trụ thế ngắn hay dài hoàn toàn xem pháp duyên. Pháp duyên phải là thật thù thắng thì sống thêm vài năm, pháp duyên không còn nữa, bất cứ khi nào cũng có thể đi, không phải như cái thân nghiệp báo này của phàm phu chúng ta, bản thân không thể làm chủ được chính mình. Nhưng mà chúng ta thật sự hiểu được đạo lý dưỡng sinh, thì thọ mạng của thân nghiệp báo chính mình cũng có thể làm chủ tể, không thể giống như chư Phật có thể trụ thế nghìn vạn năm. Tôn giả Ca Diếp nhận sự phó thác của Thích Ca Mâu Ni Phật, phải đợi Bồ Tát Di Lặc đản sanh thành Phật tại thế gian này, đem y bát của Thích Ca Mâu Ni Phật truyền lại cho Bồ Tát Di Lặc, Ngài mới có thể nhập diệt. Đến khi nào thì Bồ Tát Di Lặc mới đến thế gian này thị hiện thành Phật vậy? Trong “Kinh Di Lặc Bồ Tát Hạ Sanh” nói, tính bằng năm tháng ở thế gian này của chúng ta là 5.670.000.000 năm. Tôn giả Ca Diếp phải sống với tuổi thọ lâu đến như vậy. Chúng ta cũng nhìn thấy rồi, đây thật không thể nghĩ bàn, 5.670.000.000 năm. Nhưng thật ra, nếu đem so sánh với người của Thế giới Cực Lạc, thì Ngài vẫn là đoản mệnh. Người của Thế giới Cực Lạc tuổi thọ vô lượng, 5.670.000.000 năm thì không thể so sánh được với họ, họ là vô lượng thọ. Lời mà Phật đã nói mỗi câu đều là lời thật, vì thế chúng ta phải hiểu được đạo dưỡng sinh.