PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ
TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 242
QUỐC GIỚI NGHIÊM TỊNH ĐỆ THẬP NHẤT
Kinh văn giảng đến chỗ này là một đoạn lớn. Phía trước đã nói, bắt đầu từ phần chánh tông, cũng chính là từ phẩm thứ tư đến phẩm thứ mười là nói đến việc Pháp Tạng Tỳ Kheo tu nhân chứng quả. Lịch sử của đoạn này không những cho chúng ta hiểu về Tây Phương Cực Lạc Thế giới, ý nghĩa sâu hơn nữa là giúp đỡ chúng ta xây dựng lòng tin kiên định, mà đặc biệt quan trọng là dạy bảo chúng ta nên phải noi theo Pháp Tạng Bồ Tát như thế nào, chúng ta phải nên học tập Ngài như thế nào. Một phẩm phía trước nói đến A Xà Vương tử cùng 500 đại trưởng giả. Trong đoạn công án này có sự khải thị rất sâu.
Thứ nhất là những người này trụ Bồ Tát đạo, nghĩa là nói họ trong đời quá khứ đời đời kiếp kiếp đã tu tứ nhiếp lục độ, lại đã từng cúng dường 400 ức Phật, trong pháp hội lần này của Thế Tôn với thân phận là hoàng tử, thân phận là trưởng giả, có thể được xem là quý nhân trong thế gian, nhưng mà chúng ta có nghĩ đến việc họ vẫn còn cái mê khi cách ấm, vẫn đang còn luân hồi trong lục đạo. Chúng ta có thể hội được sự thực này hay không?
Thứ hai là phải cảnh giác, tuy rằng thiện căn của họ vô cùng sâu dày, sớm muộn cũng gặp được duyên phần, nhưng mà cuối cùng không thể tránh được sự lưu chuyển trong nhiều kiếp. Chúng ta sẽ thắc mắc tại vì sao họ lại có hiện tượng như vậy? Vì nghe đến pháp môn Tịnh Độ không có thật sự phát tâm cầu sanh Tây Phương, nguyên nhân là chỗ này. Từ đó cho thấy, pháp môn này quả thực đúng như là chư Phật Như Lai đã từng nói trong Kinh là “nan tín chi pháp”. Tu học pháp môn này, sự chướng ngại lớn nhất không phải ở pháp môn, mà là do chúng ta không thể chân thật buông bỏ vọng tưởng phiền não tập khí của chính mình. Đây là cái chướng ngại căn bản, Bồ Tát cũng khó tránh. Cho nên chúng ta thấy, cúng dường 400 ức Phật vẫn chưa thể thành tựu.
Thứ ba cần phải cảnh giác đến là được thân người, gặp Phật pháp, đặc biệt là gặp được pháp môn Tịnh Tông thù thắng như vậy, nếu không cầu đới nghiệp vãng sanh, ngày trước lão sư Lý giảng là “phi ngu tức cuồng”, họ không phải ngu si thì cũng là cuồng vọng vô tri, để cho lỡ mất cái cơ duyên cực kỳ tốt lần này của mình. Chúng ta cũng đã từng nhìn thấy qua, cũng đã từng nghe nói có một số người nghiệp tội sâu nặng, đến lúc lâm chung gặp được Phật pháp, mười niệm một niệm cũng xác thực có thể vãng sanh. Việc này không phải giả, nhưng mà chúng ta phải biết rằng, những người này nhất định không phải gặp may. Vậy là do nguyên nhân gì? Phật Bồ Tát và Tổ sư Đại đức đã nói qua với chúng ta, đây là nhân thiện của họ trong đời quá khứ đã thành thục. Điều kiện này không khó, tôi tin rằng những đồng tu ngồi ở đây đều có, cho dù là cả đời không có tiếp xúc qua Phật pháp, hoài nghi đối với Phật pháp, thậm chí còn bài xích đối với Phật pháp, các vị có thể ngồi hai giờ đồng hồ ở nơi này thì đã chứng minh các vị trong đời quá khứ quyết định là có thiện căn sâu dày, cho nên tôi nói điều kiện này không khó. Điều kiện thứ hai là khi bạn lâm chung gặp được thiện tri thức. Việc này thì khó. Gặp được thiện tri thức chỉ dạy, bạn thì liền có thể tiếp nhận, liền chịu nghe lời, sự việc như vậy thật không dễ. Điều kiện thứ ba, không những bạn lập tức có thể tiếp nhận, mà bạn còn có thể thật sự phát tâm sám hối, như vậy thì một niệm, mười niệm mới có thể thành tựu. Cho nên không phải là họ gặp may. Chúng ta cần phải rõ ràng, cần phải minh bạch.
Phía trước đã từng nói qua, Pháp Tạng chính là tiền thân của A Di Đà Phật, ở trong nhân địa hoằng nguyện của Ngài, tu học của Ngài, thành tựu của Ngài. Chúng ta phải học theo cái trí huệ của Ngài, cái nghị lực của Ngài. Ngài khắc phục tất cả chướng nạn như thế nào? Thành tựu Tây Phương Cực Lạc Thế giới vô cùng đáng để chúng ta tham khảo, đáng để chúng ta học tập. Chúng ta nhìn thấy ở trên Kinh, Thế giới Tây Phương “Y chánh” chủ khách thanh tịnh trang nghiêm. Thiên Thân Bồ Tát đã nói trong “Vãng Sanh Luận” là Thế giới Tây Phương có ba loại trang nghiêm, ba loại trang nghiêm này người Trung Quốc chúng ta rất rõ.
Thứ nhất là “giáo chủ trang nghiêm”. Quả thực nói, Thế giới Tây Phương là một trường học. Đời người sống ở thế gian, phía trước chúng tôi đã nói, ngày ngày đều đang học tập, ở trong Phật pháp mà nói từ sơ phát tâm cho đến khi thành Phật đời đời kiếp kiếp đều đang học tập. Người Trung Quốc thường nói, sống đến già học đến già, học không hết. Chúng ta phải hiểu được câu nói này. Chúng ta phải dùng tâm thái như vậy vào đời sống, tiền đồ của chúng ta là một mảng sáng lạng. Ngày ngày đều học, việc tu học không có chỗ cùng tận. Đương nhiên trong quá trình tu học này, quan trọng nhất là vị thầy hướng dẫn. Tây Phương Thế giới, vị thầy hướng dẫn là A Di Đà Phật, một vị thầy tốt. Đây là điều trang nghiêm thứ nhất.