/ 374
630

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 243

Ở trên Kinh Phật đã nói với chúng ta “lìa khổ được vui”, tôi thật sự đã đạt được, sau đó sự hứng thú của chúng ta đối với việc tu học liền tự nhiên sẽ có sâu cạn, chúng ta hoan hỷ thì thích học. Pháp môn này, học vấn này, trong thế xuất thế gian không có cách nào có thể so sánh được. Trí huệ khai rồi mới có thể giải quyết vấn đề, bất kỳ chứng bệnh khó trị nào của thế gian đem đến trước mặt bạn thì giải quyết được ngay. Tại sao người khác giải quyết không được? Họ chưa đoạn phiền não, tập khí vẫn còn, trí tuệ không phát ra được. Chỉ trí tuệ mới có thể giải quyết vấn đề, trí tuệ mới có thể trải qua được đời sống nhân sanh bậc nhất. Cuộc sống vào hàng bậc nhất này, tuyệt đối không phải như là mọi người đã tưởng tượng. Cuộc sống vào hàng bậc nhất thì giống như cư sĩ Hứa Triết ngày ăn một bữa, mỗi ngày chỉ ăn một ít rau xanh, các thứ muối, dầu, đường, bà đều không ăn, đó là một cuộc sống bậc nhất, cuộc sống khỏe mạnh nhất, cuộc sống vui sướng nhất. Tất cả mọi thứ ở thế gian này, không có chút mê hoặc nào ảnh hưởng đối với bà. Trong Phật pháp gọi là “giải thoát”, đây mới thật sự là giải thoát, thật sự là được tự tại. “Bồ Đề tâm” được xây dựng từ chỗ này.

Bồ Đề là âm dịch tiếng Phạn ngày xưa, ý nghĩa là giác ngộ, chân thật giác ngộ. Lúc trước chúng ta thật sự là đã sai, bây giờ phải đem nó cải chính trở lại, lúc mới bắt đầu cải chính thì có khó khăn nhất định, sự khó khăn này cần thiết phải có dũng khí, phải có quyết tâm có nghị lực để đột phá nó, về sau con đường này càng ngày càng thuận lợi, càng ngày càng dễ dàng, mới đầu thì khó. Các vị đọc “Liễu Phàm Tứ Huấn”, Liễu Phàm tiên sinh đoạn ác tu thiện, phát nguyện làm ba ngàn việc thiện, mười năm mới hoàn thành, bắt đầu thì khó, càng về sau càng dễ dàng. Tôi khi bắt đầu quá trình tu học của chính mình cũng khó khăn. Lão sư dạy tôi “nhìn thấu buông bỏ”. Tôi hiểu. Bước đầu làm cho được nhìn thấu buông bỏ, làm cho được mức thấp nhất mà lão sư yêu cầu, tôi mất sáu năm. Không có sáu năm nhẫn nại, không có cái nghị lực này thì bạn không thể thành tựu, thì bạn sẽ bị đào thải. Ở trên giảng đài giảng Kinh thuyết pháp, tôi từng nói qua với các đồng tu, tôi đã giữ quy củ của thầy trong mười năm. Bạn phải có sự nhẫn nại này thì bạn mới có thể xây dựng được cái nền tảng chắc chắn, không thể lay chuyển. Không có cái nền tảng kiên định như vậy thì phát triển sẽ khó. Nền móng càng sâu thì sức phát triển càng lớn.

Trước đây, ngay trong thời cận đại, người đáng để làm tấm gương cho chúng ta nhất là Ấn Quang Đại Sư. Ấn Quang Đại Sư đến năm 70 tuổi mới bước ra ngoài, Ngài đã tích lũy vô cùng sâu dày. Trước năm 70 tuổi thì im hơi lặng tiếng, tự mình khổ tu, sau này mới được người ta biết đến. Ngài trên thực tế hoằng pháp lợi sanh chỉ có mười năm, 80 tuổi thì viên tịch, nhưng mà Ngài trong mười năm hoằng pháp này, còn hơn cả 50 năm hoằng pháp của những pháp sư khác. Việc này ảnh hưởng biết bao nhiêu. Tại vì sao có sự ảnh hưởng lớn đến như vậy? Nhờ tích lũy sâu dày. Vì vậy, càng là người có thành tựu lớn, nền móng của họ càng sâu, căn bản của họ càng dày. Đây là đạo lý nhất định. Cho nên các đồng tu vạn nhất không nên rơi vào trong danh văn lợi dưỡng, vậy là xong rồi, còn trẻ mà nổi tiếng thì không phải việc tốt. Rất nhiều ngạn ngữ của người xưa Trung Quốc có cái học vấn rất sâu, có đạo lý rất sâu. Ngạn ngữ thường nói: “Người sợ nổi tiếng, heo sợ mập”. Bạn cho rằng nổi tiếng có phải việc tốt không? Cây càng to càng chịu gió, oan gia trái chủ kéo nhau đến, tập trung bên cạnh bạn để đố kỵ chướng ngại, gây phiền phức cho bạn, nếu bạn không có đức thật sự lớn thì bạn chống đỡ không nổi chướng nạn này, luôn luôn bị chống đối phá hoại. Xưa nay trong và ngoài nước, những ví dụ này thì rất nhiều. Cho nên, muốn chân thật thành tựu trong Phật pháp, thành tựu trong hoằng pháp lợi sanh, việc đầu tiên là phải đoạn dứt danh văn lợi dưỡng, một chút cũng không chiếm lấy. Có thể duy trì được cả một đời, vậy thì thành tựu của bạn là cứu cánh viên mãn.

Thế Tôn trên “Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo” đã dạy chúng ta: “Ngày đêm thường niệm thiện pháp”, ngày đêm nghĩa là không gián đoạn, thường niệm là tâm thiện; “tư duy thiện pháp”, tư duy nghĩa là tư tưởng thiện; “quán sát thiện pháp” là hành vi thiện, như vậy mới có thể làm đến thuần thiện. Lìa vọng tưởng phân biệt chấp trước mới làm đến thuần tịnh. Thuần tịnh thuần thiện chính là phát Bồ Đề tâm, sau đó “nhất hướng chuyên niệm A Di Đà Phật”.

/ 374